Sau hai năm lao đao vì Hội chứng tôm chết sớm (EMS), ngày 28-6 vừa qua tin vui đã đến với ngành thủy sản Việt Nam khi Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học Arizona, Mỹ công bố tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trong khi Việt Nam đã tìm được cách hạn chế và khắc phục EMS thì tình hình dịch bệnh này bắt đầu lan rộng trên thế giới và đặc biệt nghiêm trọng tại Thái Lan, nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Nhiều người trong ngành cho rằng đây là cơ hội vàng của Việt Nam để vươn lên vị trí dẫn đầu về lượng tôm xuất khẩu.
Từ những tín hiệu khởi sắc
Theo ông Somsak Paneetatayasai, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, năm 2013 lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan có thể giảm đến 50%. Hiện nay chỉ 20 đến 30% số ao nuôi tôm tại nước này còn hoạt động. Hội chứng EMS bắt đầu ảnh hưởng nặng nề tới Thái Lan từ năm 2012, lây lan trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. TờThe Wall Street Journal ra ngày 12-7 cho biết sự sụt giảm lượng tôm xuất khẩu của Thái Lan đã dẫn đến giá tôm đông lạnh ở Mỹ và châu Âu tăng 20% trong vài tháng gần đây, tăng gần gấp đôi trong hai năm qua. Sau sáu tháng đầu năm 2013, giá tôm ở Nhật cũng đã tăng thêm 5,5 USD/kg. Ông Trần Hữu Lộc, người vừa hoàn thành chương trình Tiến sĩ bệnh học thủy sản tại Đại học Arizona, Mỹ, cũng là người tìm ra nguyên nhân gây bệnh EMS cho biết bệnh này hiện có thể đã lan đến Mexico. Nếu dịch này lan rộng ở Nam Mỹ, nơi có nhiều quốc gia phát triển mạnh ngành nuôi tôm như Ecuador, Brazil thì giá tôm có khả năng tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Ao nuôi tôm ở Trà Vinh
Trong khi đó tại Việt Nam, theo khảo sát của VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), tại một số tỉnh nuôi tôm chính như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, vụ tôm năm nay người nuôi đã thả muộn và với mật độ thưa hơn so với năm ngoái, do đó tỷ lệ tôm chết đã giảm hẳn. Ngoài ra, vừa qua, Nhật Bản đã nâng mức kiểm tra dư lượng Trifluralin trong tôm nhập từ Việt Nam từ mức 0,001ppm lên mức 0,5ppm. Nhờ đó, năm tháng đầu năm nay xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã tăng 3,6%.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đã chủ động tìm kiếm các thị trường mới ở Nam Mỹ, Trung Đông, châu Á. Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì vị trí là nhà nhập khẩu tôm lớn thứ ba của Việt Nam. Trong năm tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 108,5 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á cũng là khối thị trường có mức tăng trưởng tương đối cao và ổn định. Dịch bệnh trên tôm khiến nhiều quốc gia Đông Nam Á phải tăng lượng tôm nhập khẩu nhằm cung cấp cho thị trường nội địa và phục vụ ngành chế biến xuất khẩu. Do đó, trong năm tháng đầu năm 2013, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, sau hai năm thất bại liên tiếp, vụ nuôi tôm năm 2013 bắt đầu chứng kiến sự chuyển biến rõ nét về ý thức cộng đồng của người nuôi tôm. Điều này thể hiện qua cách thức các hộ nuôi tôm tham gia các hợp tác xã, hiệp hội nhằm liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thả tôm đúng lịch thời vụ. Riêng Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh ở Sóc Trăng bước đầu đã hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản.