Những khó khăn cần tháo gỡ
Có thể nói, năm 2012 là thời gian khó khăn nhất từ trước đến nay của ngành tôm. Vốn hết, nợ nần chồng chất, nhiều hộ đã ngừng nuôi do không tiếp cận được vốn vay. Theo báo Thanh Tra, thống kê sơ bộ cho thấy toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 30.000ha nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Hiện người nuôi tôm ở đây đang cần hỗ trợ ít nhất 900 tỉ đồng để đầu tư tái thả nuôi vụ mới. Ngoài ra ngành tôm cũng cần thêm vốn để mở rộng vùng tôm nguyên liệu và xúc tiến thương mại tại các thị trường mới. Năm 2012, Nhà nước đã có một số chính sách ưu tiên vốn cho ngành thủy sản nhưng trên thực tế các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được. Hiện việc thế chấp ao đầm cũng được người nuôi tôm sử dụng nhưng việc định giá đất đã được quy định từ nhiều năm nay nên khung giá đất quá thấp, các hộ vay được rất ít.
Tính đến cuối năm 2012, dư nợ cho vay nuôi và chế biến xuất khẩu tôm lên đến 22.975 tỉ đồng. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu ngày càng tăng, dự kiến năm 2013 lên tới 70-100 triệu USD/tháng. Do vậy, theo Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Ðình Hòe thì năm 2013, để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,4 tỉ USD, tăng khoảng 6,5% so năm 2012, Bộ Tài chính cần tiếp tục xem xét đưa thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến xuất khẩu về mức 0%, đồng thời xem xét giãn nợ và cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, cho vay bổ sung vốn trung và dài hạn.
Mặt khác, tình trạng thiếu tôm nguyên liệu vừa qua đã khiến nhiều nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, khiến hàng loạt công nhân thất nghiệp. Chưa hết, bên cạnh sự sụt giảm giá do rào cản kỹ thuật, tôm Việt Nam lại phải chịu sự cạnh tranh của Indonesia, Ecuador, Ấn Ðộ vì giá thành sản xuất quá cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp. Hiện tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản có giá 11,2 USD/kg thì tôm Ấn Ðộ trong thị trường này chỉở mức 8,6 USD/kg. Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc trong năm tháng đầu năm 2013 cũng đã giảm đến 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường Mỹ, khi Mỹ áp thuế chống trợ cấp với ngành tôm Việt Nam với mức 6,07%, người nuôi tôm sẽ phải gánh thêm mức thuế này.
Cần sự liên kết để nắm bắt được cơ hội
Theo ông Trần Hữu Lộc, dịch bệnh nào rồi cũng sẽ có cách khống chế. Điều quan trọng là niềm tin của người nông dân được vực dậy và về lâu dài có được sự liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi tôm để cùng chia sẻ rủi ro – lợi nhuận trong chuỗi sản xuất.
Việc Nhà nước cần làm trước mắt là hoàn thiện quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy quá trình tích tụ đất để xây dựng những trang trại lớn thông qua hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác hay các công ty cổ phần… Nghề nuôi tôm đòi hỏi mức đầu tư tương đối lớn và trình độ quản lý kỹ thuật, tài chính cao. Việc sản xuất nhỏ lẻ làm giá thành sản xuất cao, người nuôi tôm lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro. Hơn nữa vai trò của các hiệp hội nuôi tôm ở Việt Nam còn mờ nhạt, hàng trăm ngàn hộ nuôi tôm không có những mạng lưới tổ chức chặt chẽ để tham gia nên các văn bản pháp luật của Chính phủ không thể điều chỉnh để đảm bảo phát triển bền vững.
Về khía cạnh khoa học, ông Trần Hữu Lộc cho biết theo chu kỳ, cứ khoảng 6-10 năm trên quy mô thế giới sẽ xuất hiện một dịch bệnh mới trên tôm và thường toàn ngành phải mất 3-5 năm để phục hồi. Hiện thế giới chỉ có hai trung tâm nghiên cứu bệnh tôm, một nằm ở Arizona (Mỹ), một nằm ở Thái Lan. Trong khi đó những người đứng đầu hai trung tâm này đều sắp đến tuổi về hưu mà chưa có đội ngũ thay thế. Do đó Việt Nam cần có trung tâm nghiên cứu bệnh tôm để khống chế được các yếu tố đầu vào, tránh bị động khi có dịch. Việc kiểm soát thuốc thú y thủy sản, hóa chất, thảo dược… cũng cần phải được quản lý chặt chẽ, không để người nông dân mua phải thuốc kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật về hiệu quả đang được bán tràn lan.
Một bài học lớn mà ngành tôm Việt Nam có thể học hỏi Thái Lan là đầu những năm 1990, Thái Lan dẫn đầu thế giới về sản lượng tôm sú. Sau thời gian dài tăng trưởng nhanh, đến năm 1994, sản lượng tôm nuôi của nước này bắt đầu giảm do môi trường khu nuôi bị suy thoái, dịch bệnh lan tràn… Từ đó, Thái Lan phải đầu tư nghiên cứu tìm ra các giải pháp về chính sách, quy hoạch, công nghệ như: Không quá chú trọng tăng diện tích nuôi, chủ yếu tập trung phát triển con giống sạch bệnh, quản lý môi trường nuôi tốt… Nhờ đó, ngành tôm Thái Lan không chỉ phát triển ổn định mà sản lượng còn tăng liên tục.
Trong đợt dịch bệnh này, Thái Lan có thể mất một vài năm để phục hồi sản xuất. Nếu Việt Nam không phản ứng nhanh chóng thì sẽ mất đi cơ hội chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu tôm, đặc biệt trong giai đoạn giá tôm thế giới đang cao như hiện nay.
Cẩm Tú
[note color=”#c0c0bd”]
Năm 2010, trước tình hình bệnh EMS ngày một lan rộng, Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tài trợ cho Việt Nam 500.000 USD để các nhà khoa học trong nước phối hợp với quốc tế nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trung tâm nghiên cứu bệnh thủy sản của Trường Đại họcArizonacũng nằm trong chương trình này.
Tại buổi hội thảo ngày 28-6 ở Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Arizona tuyên bố đã tìm ra được nguyên nhân gây bệnh EMS là do dòng đặc biệt của vi khuẩn rất phổ biến trong môi trường nuôi tôm biển là Vibrio parahaemolyticus, lây lan qua đường miệng và cư trú trong đường tiêu hóa, sau đó sinh ra độc tố gây tổn thương gan tụy của tôm, hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS). Nghiên cứu này do ông Trần Hữu Lộc là tác giả chính, đã được công bố trên các tạp chí khoa học của thế giới và được cộng đồng khoa học thế giới công nhận.
Theo ông Trần Hữu Lộc, song song với quá trình xác định được dòng vi khuẩn gây bệnh thì nhóm của ông cũng tìm ra được phương pháp để giảm thiểu được thiệt hại tôm chết do dịch bệnhEMS, đó là các hình thức nuôi ghép cá rô phi với tôm. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Minh Phú cho biết hiện Minh Phú đang thả nuôi khoảng 100 hécta tôm với cá rô phi và kết quả thu hoạch ban đầu cho thấy tỷ lệ tôm chết ít hơn so với trước đây.
[/note]