Kỷ niệm 5 thế kỷ nhà danh hoạ thời Phục hưng Leonardo da Vinci qua đời được đánh dấu bằng cuộc trưng bày được chờ đợi từ lâu với nhiều tác phẩm mang dấu ấn của ông tại Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của nước Pháp.
Đánh dấu 500 năm Leonardo da Vinci qua đời
La belle ferronnière, bức hoạ chân dung một phụ nữ mượn từ toà án thành phố Milan của Ý là một trong những tác phẩm có mặt trong cuộc trưng bày. Bảo tàng Louvre phải mất hơn một thập niên chuẩn bị và có lúc suýt phải bỏ cuộc do các tranh chấp giữa Ý và Pháp.
May mắn là tất cả đã được giải quyết ổn thoả và những người yêu hội hoạ đã có cơ hội được thưởng thức một trong những cuộc trưng bày nghệ thuật mà giá trị tính bằng tiền của các tác phẩm trưng bày lớn nhất thế giới. An ninh cũng được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Cuộc trưng bày đánh dấu 500 năm ngày Leonardo Da Vinci qua đời có hơn 160 bức tranh và phác thảo mà một số mượn trong bộ sưu tập của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, trong đó có bức phác thảo Star of Bethlehem and other plants, bức Study of Hands, bức Head of Leda (mẹ của Helen trong câu chuyện thần thoại Troy) và bức phác thảo Pen and brown ink on paper vẽ năm1490.
Nữ hoàng Elizabeth II khá hào phóng khi cho mượn tổng cộng 24 tác phẩm trong Bộ sưu tập hoàng gia (The Royal Collection) của bà, trong đó có một số phác thảo từ lâu được cất giữ an toàn trong những cánh cửa đóng kín tại lâu đài hoàng gia Windsor Castle. Vợ chồng tỉ phú Microsoft Bill – Melinda Gates cũng cho mượn một số sưu tập Leonardo của họ.
Louvre hy vọng sẽ thu hút được 600.000 khách tham quan trong 4 tháng trưng bày và sẽ giúp những người yêu quý danh hoạ hiểu biết thêm về phương pháp làm việc của ông thông qua những cuốn sổ ghi chép, công nghệ hình ảnh đèn hồng ngoại (infrared imaging technology) và công nghệ thực tại ảo (virtual reality-VR). Chúng sẽ giúp giải mã các bí mật của Leonardo da Vinci trong quá trình sáng tạo. Ánh sáng hồng ngoại chiếu lên một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đã tiết lộ môt số bí mật.
Đó là các nét vẽ phác thảo chồng lên nhau bên dưới bức tranh trước khi nó hoàn tất. Nó cho thấy sự chỉn chu của danh hoạ trong sáng tác. Nhưng đây không phải lần đầu tiên phương pháp “truy tìm bí mật” nằm sau tranh của Leonardo và các hoạ sư thời Phục hưng được áp dụng.
Kỹ sư, nhà thiết kế, nhà khoa học và hoạ sĩ
Leonardo da Vinci là kỹ sư, nhà thiết kế, nhà khoa học và hoạ sĩ rất say mê cái đẹp, sư cân xứng của hình thể con người và tác phong của thú vật, cây cối. Quan tâm đến quá trình phát triển của cây cối và chuyển động của chim chóc, hoạ sĩ bị ám ảnh với động tác bay nên ông đã thiết kế một thiết bị bay mô phỏng cánh của loài dơi. Leonardo da Vinci nghiên cứu sự phức tạp của động tác bay và thể hiện nó qua các bản vẽ phác thảo mà một số có mặt tại cuộc triển lãm.
Một phác thảo lấy trong một cuốn số tay (ông có nhiều cuốn sổ tay như thế) cho thấy ông rất chăm chú khi thể hiện nét mặt của một con chó. Leonardo da Vinci còn phác thảo một số vũ khí, công cụ và đồ dùng. Các sổ tay của ông luôn đính kèm những giải thích về kỹ thuật kiến trúc và xây dựng. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất mà phải phó khăn lắm Bảo tàng Louvre mới mượn được của nước Ý là bản vẽ tay bằng mực Vitruvian Man thể hiện tỉ lệ hoàn hảo cơ thể một người đàn ông bên trong một hình tròn và hình vuông.
Tác phẩm chỉ trưng bày 8 tuần theo thoả thuận với sự bảo vệ nghiêm ngặt. Vitruvian Man chỉ có mặt tại Louvre vào… phút thứ 11 do gặp quá nhiều trắc trở. Có cả một chiến dịch ngăn cản nó rời nước Ý. Đứng bên cạnh tác phẩm mang lại nhiều sức hút, ông Vincent Delieuvin, đồng chủ trì cuộc trưng bày, nói về tầm quan trọng giữa khoa học và nghệ thuật.
“Vitruvian Man đã cho chúng ta thấy vẻ đẹp hoàn hảo của cơ thể con người – ông nói – Cuộc trưng bày không chỉ để chứng minh Leonardo da Vinci là một danh hoạ bậc thầy mà còn cho thấy tại sao và bằng cách nào ông trở thành một nhân vật tiên phong trong việc đưa nghiên cứu khoa học vào hoạt động sáng tác”. Bức The Last Supper (Bữa tiệc ly) không được may mắn như Vitruvian Man mà chỉ có bản sao trong cuộc trưng bày lần này.
Bức phác thảo Vitruvian Man là rào cản cuối cùng
Bức Mona Lisa nổi tiếng không được trưng bày trực tiếp mà được bảo vệ tại một nơi khác trong lồng kính an toàn tại Bảo tàng Louvre nhưng khách tham qua có thể thưởng lãm qua phiên bản Mona Lisa: Beyond the Glass. Sản phẩm của VR, lần đầu tiên được sử dụng tại Louvre, này đã tiết lộ những bí mật trong tranh của Leonardo. Công ty Vive Arts phụ trách dự án VR cho biết: “Trải nghiệm với VR sẽ cho người xem thấy những chi tiết ẩn giấu phía sau lớp sơn bề mặt không thể nhìn thấy bằng mắt thường”.
Cuộc trưng bày còn có một số tác phẩm hội hoạ và điêu khắc thời Phục hưng của các hoạ sĩ khác. Sinh tại Tuscany năm 1452, Leonardo da Vinci là hoạ sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc và nhà toán học. Lĩnh vực nào ông cũng thể hiện tài năng của mình. Trước khi chết vào tháng 5.1519 Leonardo da Vinci sống những năm cuối cùng tại Pháp trong cương vị khách quý của vua Pháp Francois I.
Chính đây là yếu tố dẫn đến các tranh cãi văn hoá và chính trị giữa Pháp và Ý trong thời gian gần đây. Kể hoạch cho cuộc trưng bày có một không hai này tưởng sẽ bị xoá sổ khi Đảng quốc gia cánh hữu Ý League chống đối quyết liệt việc nước Ý cho Bảo tàng Louvre mượn nhiều tác phẩm của Leonardo da Vinci. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 11.2018, Thứ trưởng Bộ Di sản văn hoá Ý lúc đó, bà Lucia Borgonzoni, nhấn mạnh: “Leonardo da Vinci là người Ý.
Ông ấy chỉ chết tại Pháp. Vì vậy, người Pháp không thể có mọi thứ về Leonardo theo ý họ!”. Từng bước một, các trở ngại được tháo gỡ, chỉ còn bức Vitruvian Man là còn vướng. Cuộc tranh cãi chỉ được giải quyết bởi toà án Milan trước ngày mở cửa cuộc trưng bày có một tuần khi toà ra phán quyết đồng ý để Vitruvian Man (được cất giữ trong căn phòng điều hoà nhiệt độ tại Venice suốt nhiều năm) đến Pháp.
Toà nêu lý do đưa Vitruvian Man đến Paris: “Ý nghĩa toàn cầu của cuộc trưng bày tại Bảo tàng Louvre và cần phải đáp ứng nguyện vọng tối đa hoá tiềm năng di sản của nước Ý”. Sau phán quyết của toà án, Bộ trưởng Di sản văn hoá Ý Dario Franceschini viết trên Twitter: “Với phán quyết cuối cùng này, hai cuộc trưng bày hợp tác Pháp-Ý về Leonardo tại Paris và Raphael tại Rome có thể bắt đầu”.