Trước khi bức tranh Salvator Mundi được đưa lên sàn đấu giá Christie’s ngày 15-11-2017 và đạt mức giá kỷ lục 450 triệu USD, nó được quảng bá khắp thế giới như là “tác phẩm cuối cùng của Leonardo da Vinci còn thuộc sưu tập tư nhân”.
Thế nhưng điều đó không chính xác. Vẫn còn hai bức tranh khác của nhà danh họa vĩ đại chưa thuộc về các bảo tàng. Và theo một nhà buôn tranh có uy tín thì giá một bức tranh đó có thể lên đến 200 triệu USD nếu được đưa ra thị trường.
Cả hai bức tranh nêu trên, theo nguồn tin của hãng Bloomberg, có kích thước nhỏ hơn Salvator Mundi và đều thể hiện cùng một hình ảnh: Đức Mẹ đồng trinh bế Chúa hài đồng, và trong tay Chúa Jesus thơ bé là chiếc que hai đầu có hình thập giá dùng để kéo sợi nên tranh có tên là Đức Mẹ với cây kéo sợi (The Madonna of the Yarnwinder).
Theo ông Martin Kemp, một học giả về Leonardo da Vinci, chuyên gia hàng đầu về các tác phẩm của nhà danh họa đồng thời là giáo sư nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Oxford (Anh) thì “cả hai bức tranh đó đều thuộc sưu tập tư nhân và tôi biết rõ cả hai chủ nhân”.
Hai bức Madonna cùng một hình ảnh nhân vật
Một trong hai bức được ông Martin Kemp nói đến thường được gọi là Buccleuch Madonna (Đức Mẹ của Công tước Buccleuch) vì thuộc tài sản của gia đình Công tước Buccleuch xứ Scotland từ 250 năm qua. Tác phẩm này đã được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Scotland từ năm 2009. Trước đó, vào tháng 8-2003 bọn gian đã đột nhập lâu đài Drumlanrig (ở tây nam Scotland), vô hiệu hóa chuông báo động và khống chế bảo vệ, lấy đi bức tranh. Đến tháng 10-2007, cảnh sát Anh mới tìm thấy lại bức tranh ở Glasgow.
Lúc bấy giờ bức Buccleuch Madonna đã được định giá là 65 triệu USD. Theo lời ông Harris Brine, phụ trách truyền thông của Bảo tàng quốc gia Scotland thì về mặt pháp lý tranh hoàn toàn có thể bán đi, tuy nhiên các thành viên trong Hội đồng quản trị Quỹ di sản Buccleuch đã khẳng định với bảo tàng rằng họ “không có ý định bán bức tranh đó”. Chủ tịch Quỹ, ông Richard Scott là cháu đời thứ 10 của Công tước Buccleuch đã không bình luận gì về phát ngôn của bảo tàng.
Về phần mình, ông Martin Kemp cho biết: “Gia tộc Buccleuch là một trong những chủ đất lớn nhất ở nước Anh. Họ tự coi mình như là những người canh giữ tài sản của quốc gia. Nhà của họ còn mở rộng cửa cho công chúng vào (khi bức Buccleuch Madonna còn được trưng bày tại lâu đài Drumlanrig, mỗi năm có hàng ngàn khách tham quan). Tuy nhiên, bạn không thể chắc chắn điều gì cả”.
Bức thứ hai được biết dưới tên gọi Lansdowne Madonna vì thuộc tài sản của gia tộc hầu tước Lansdowne, những người đã sở hữu tranh vào thế kỷ XVIII và XIX, sau đó tranh được bán cho Công ty Wildenstein & Co ở New York vào năm 1999. Dù không rõ chủ nhân thực sự của bức Lansdowne Madonna hiện nay là ai nhưng theo ông Martin Kemp tranh vẫn thuộc về bộ sưu tập của Wildenstein & Co.
Chữ ký của Leonardo
Các học giả tin rằng một trong số hai bức tranh Đức Mẹ nêu trên được Leonardo da Vinci vẽ theo đặt hàng của Florimond Robertet, một quan đại thần trong triều đình vua Louis XII của nước Pháp trước khi nhà danh họa rời Milan vào năm 1516. Bức kia, theo lời Martin Kemp vẫn nằm trong xưởng vẽ của họa sĩ và chỉ được kiểm kê sau khi da Vinci qua đời vào ngày 2-5-1519 tại Amboise, Pháp.
Từng viết vài cuốn sách chuyên khảo về tác giả bức Mona Lisa, trong đó có một cuốn về tác phẩm The Madonna of the Yarnwinder, sử gia nghệ thuật Martin Kemp có thẩm quyền khi đưa ra nhận định: “Các phân tích về mặt kỹ thuật cho thấy Leonardo da Vinci đã cùng lúc vẽ cả hai bức tranh đó. Chúng ta có thể nhìn thấy từ các bản sơ phác (của hai bức tranh) mà ông đã dành rất nhiều tâm trí.
Mái tóc, đôi mắt long lanh (của nhân vật trong tranh) tất cả đều cho thấy đó chính là Leonardo”. Sự khác biệt giữa hai bức là hậu cảnh trong tranh: Buccleuch Madonna cho thấy khung cảnh biển khơi với một hòn đảo; còn Lansdowne Madonna là cảnh rặng núi Alps. Cấu tạo đá trong hậu cảnh bức Buccleuch Madonna còn cho thấy tác giả đã vẽ nó với sự hiểu biết sâu sắc về địa chất học”. Mặt khác, cảnh núi non được vẽ trong bức thứ hai “hết sức giống bức Mona Lisa”, theo ông Kemp.
Tranh luận về tác giả và giá thị trường
Theo tài liệu của Bảo tàng quốc gia Scotland, bức The Madonna of the Yarnwinder được đưa vào bộ sưu tập gia đình Buccleuch từ năm 1767 sau lễ cưới của vị công tước đời thứ ba nhà Buccleuch với công nương Elizabeth Montagu, người được thừa kế một bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật phong phú từ song thân của bà là công tước và nữ công tước Montagu.
Họ đã mua tác phẩm này trong một phiên đấu giá tại Paris năm 1756. Tuy nhiên, khi bức tranh được trưng bày tại bảo tàng, đã có những tranh luận về sự liên hệ của nó với Leonardo da Vinci, tất cả đều được bảo tàng lưu giữ. Theo đó, có ý kiến cho rằng dường như bức tranh đã được vẽ thêm hầu như toàn bộ, từ nhân vật cho tới những tảng đá ở cận cảnh. Hậu cảnh trong tranh không tiêu biểu lắm (với ngôn ngữ và phong cách hội họa của da Vinci) và có thể do một họa sĩ khác thêm vào.
Các khảo sát kỹ thuật còn phát hiện các đặc điểm về phong cảnh và các chi tiết không thể hiện rõ ràng trên mặt tranh. Một số những điều đó lại tìm thấy trong những phác thảo đầu tiên của bố cục tác phẩm, đã củng cố ý kiến cho rằng Leonardo da Vinci vẽ dang dở hậu cảnh của bức The Madonna of the Yarnwinder và chỉ được hoàn thiện sau này, khi ông qua đời.
Bức Buccleuch Madonna đã được trưng bày cùng với bức Salvator Mundi trong cuộc triển lãm có tên “Leonardo da Vinci: họa sĩ cung đình xứ Milan” tại Bảo tàng quốc gia Anh tại London năm 2011-2012. Khi đó tranh được cho là của cả tác giả Mona Lisa và “một họa sĩ vô danh thế kỷ XVI”, người “dường như đã hoàn thiện hậu cảnh” theo tài liệu còn lưu trữ của triển lãm.
Trong khi đó, ông Martin Kemp khi biên soạn cuốn Leonardo (nhà xuất bản Oxford University Press, 2004) đã đưa cả hai bức Madonna vào và cho rằng cả hai là tranh của Leonardo da Vinci dù vẫn thừa nhận có sự can dự của một họa sĩ khác: “Tranh chắc chắn là tác phẩm của Leonardo, ngay cả khi không phải tất cả các nét cọ là do chính Leonardo vẽ”. Theo ông Robert Simon, một nhà sử học nghệ thuật và cũng là nhà buôn tranh, người có can dự vào vụ quảng bá rầm rộ cho bức Salvator Mundi thì “Cùng lúc, có một hoặc hai sinh viên mỹ thuật cùng làm việc với Leonardo da Vinci.
Ông vốn nổi tiếng là không hoàn thiện nhiều công trình”. Cả hai bức Madonna nói trên, theo nhận định của Robert Simon “nằm giữa khoảng từ 15 đến 20 bức tranh được da Vinci đã vẽ còn lưu giữ được trong các sưu tập”. Giá của hai bức tranh đó nếu được đưa ra thị trường vẫn còn là một dấu hỏi, tuy nhiên các chuyên gia đều đồng ý giá tranh sẽ rất cao, dù không tới mức “khủng” như bức Salvator Mundi mà hiện được cho đã thuộc sở hữu của Sở Văn hóa và Du lịch thành phố Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) và sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Louvre Abu Dhabi.
Otto Naumann, nhà buôn tranh ở New York chuyên kinh doanh tác phẩm của các bậc thầy cổ điển, cho rằng mỗi bức Madonna nói trên có thể được bán với giá 150 triệu – 200 triệu USD căn cứ vào giá của bức Salvator Mundi. Ấy thế mà có học giả còn cho rằng đang tồn tại một bức Madonna thứ ba và cũng thuộc sở hữu tư nhân, thậm chí bức tranh ấy còn được in bìa một cuốn sách của hai tác giả Carlo Pedretti và Margherita Melani, xuất bản năm 2014 với hai thứ tiếng Anh và Ý: cuốn Đức Mẹ với cây kéo sợi của Leonardo da Vinci: ba bản vẽ từ đặt hàng đầu tiên của ông tại Pháp (The Yarnwinder Madonna of Leonardo da Vinci: the three versions for his first French commission).