Nhà văn Orhan Pamuk từng viết đại ý rằng có hai cách nhìn các thành phố. Cách thứ nhất là của du khách, của người nước ngoài vừa mới đến nhìn các tòa nhà, tượng đài, đại lộ…
Còn có cách nhìn bên trong, thành phố của những căn phòng ta ngủ, của những hành lang, rạp chiếu phim và phòng học cũ… Ở bài viết này, ta nhìn Sài Gòn từ bên trong, ở một phần rất nhỏ, là trang bị nội thất gần trăm năm trước. Những hiểu biết có được từ các trang quảng cáo xưa cũ, các trang viết thời đó và từ ký ức người già… Chúng là phế tích nhưng góp phần tạo nên ký ức chung của thành phố, như Orhan Pamuk nghĩ.
Với dân số trên dưới trăm ngàn người vào đầu thế kỷ XX, bao gồm người Việt, Pháp, Hoa, Ấn và vài sắc dân khác, Sài Gòn có đa số là người nghèo. Tầng lớp trung và thượng lưu chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, Sài Gòn – Chợ Lớn là nơi hội tụ nhiều sản phẩm, hàng hóa từ khắp nơi, rồi mới phân phối đến các nơi khác.
Cư dân tầng lớp trên được đáp ứng đủ các nhu cầu cho cuộc sống hàng ngày. Có điều kiện, họ trang bị trong nhà nhiều thứ tiện nghi để sống thoải mái hơn. Người nghèo chỉ có thể lo tiện nghi tối thiểu là miếng ăn và chỗ ngủ, nhiều người ở nhà thuê nên không dám mua sắm gì nhiều.
Tôi có điều kiện vào một số ngôi nhà có gốc gác giàu có xây từ thập niên 1920, 1930… ở Sài Gòn và Gia Định cũ. Đa số không còn đồ đạc xưa, chỉ còn khung nhà đã hư hao ít nhiều. Tuy nhiên vẫn có vài căn giữ gìn tương đối tốt với tủ chưng, tủ bếp, bàn ghế Louis và vài tủ thờ cẩn ốc, giường đồng…
Qua vài năm, căn nhà đẹp nhất và giữ gìn nguyên vẹn nhất tôi biết cũng đã bị bán đi và đập ra. Tiếc nuối, đó là tâm trạng của tôi khi nhớ lại khung cảnh trong nhà với nhiều đồ gỗ xưa, cái bình da rạn lớn chưng lông công, tấm ảnh người mẹ để tóc bánh lái và cả những món bánh khéo kiểu xưa mà chủ nhân mang ra mời.
Việc bài trí trong ngôi nhà của cư dân ở một giai đoạn nào đó, may thay, trên sách và báo xưa cách nay gần trăm năm như Đông Pháp Thời Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn… rồi Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn…, ở các trang quảng cáo, các bài báo và tiểu thuyết đăng dài kỳ, còn sót lại một số chi tiết tản mác. Những chi tiết cần sàng đãi để tìm thấy lấp lánh ánh vàng.
Nội thất tùy vị thế
Cuốn tiểu thuyết Ai lỗi lầm của tác giả Tuấn Anh in năm 1926 tả một ngôi nhà vùng Chợ Đũi (khu vực chung quanh ngã tư Võ Văn Tần – Cách Mạng Tháng Tám) như sau: “Như nhà kia ở Chợ Đũi, trong nhà trưng dọn trang hoàng. Trên tường bằng cấp mề đay sừng nai đầu gấu, dưới đất lót thảm bông rất đẹp. Nhà ấy ngăn ra ba cái phòng, trong phòng ngủ giường sắt, nệm nhung, gối thêu, ra (drap) lụa.
Kế đó phòng ăn, chính giữa để cái bàn dài trải thảm trắng tinh. Hai bên vách có hai cái tủ kiếng, một cái đựng các thứ rượu tây, ly dĩa toàn là pha lê khảm bạc. Còn một cái nữa đầy những đồ ăn. Nào đồ hộp đồ ve, thứ gì cũng có. Ngoài phòng khách toàn là ghế ruột gà nệm thêu. Ngoài cửa bước vô có cái ghế nhỏ để cặp ngà voi, bàn giữa để một cái bình đồng cắm nhiều thứ hoa thơm sắc lịch, còn hai bên vách hình đá, hình đồng, tượng tranh kiểu vật chưng coi rất đẹp”.
Ngôi nhà này với trang bị đồ đạc dày đặc như vậy, phải ở mức thượng lưu, có quyền thế hay nhà buôn lớn. Đồ đạc ảnh hưởng cách chưng bày kiểu Tây, nhưng vẫn đậm chất phương Đông, cầu kỳ với thảm bông, nệm nhung, ra lụa, ly pha lê khảm bạc. Dựa theo vị trí ngôi nhà, tôi liên tưởng đến ngôi biệt thự nhà ông Sáu Nhiều, một phú hộ thời đó nay đang được trùng tu, nằm trên đường Võ Văn Tần (xưa là đường Testard) khu Chợ Đũi.
Ông Sáu Nhiều thường làm từ thiện, có lần đã bỏ ra 5.000 đồng bạc Đông Dương để tặng cho người nghèo năm 1933. Phải chăng tác giả tả chính ngôi nhà này, mà năm 2019 khi đến đó, tôi còn thấy sót lại rất nhiều đồ sứ cổ Trung Hoa, Nhật và Tây, cùng nhiều đồ gỗ kiểu đầu thế kỷ XX làm bằng danh mộc?
Thanh bạch hơn, là nơi ở của một nhà văn, khoảng đầu thập niên 1930 trên đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn). Đây là cách bài trí căn phòng: “Trong cái phòng ấy chưng dọn rất gọn, hai bên có để cái ghế xích đu, một bên có để cái máy đánh chữ. Phía ngoài để một cái ghế dài bằng mun láng bóng và cái ghế trắc rất đẹp. Đứng (bên) trong, dòm bên vách tay trái có cái hình thánh Gandhi, bên tay mặt có hình Tôn Dật Tiên, ở giữa thì treo một bức họa đồ thật lớn và tấm hình Phan Tây Hồ”.
Đến nhà của một cô gái, không phải của cô mà được người yêu tặng, nằm trên đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa): “Nhà ấy có hai từng (tầng), chia ra phòng tiếp khách, phòng ngủ, phòng ăn rất phân biệt. Trước mặt nhà thì là một cái sân nhỏ đổ sạn, có một cái bồn bông rất đẹp và vài cái chậu kiểng rất xinh. Sau nhà thì là một cái vườn cây, mát mẻ lạ lùng… Cỏ trồng như nệm, dưới gốc cây đều để ghế dài. Sở nhà ấy vốn của một ông Trạng sư về Tây bán lại giá sáu chục ngàn đồng”.
Đến nhà một cô gái giang hồ ở đường Le Grande de la Liraye (nay là Điện Biên Phủ): “Nhà chưng dọn đẹp đẽ, có giường ruột gà, có nhiều bức tranh Tàu… Căn nhà ấy thông qua một căn nữa. Hai ba gái nhỏ và một bà già xúm lại dẹp đồ cho cô, và bưng nước cho cô rửa mặt”. Cũng thanh cảnh chứ không đến nỗi xô bồ và loè loẹt. Đó là cảnh bài trí nhà cửa thời trước 1945 ở Sài Gòn do nhà văn Bửu Đình tả trong tiểu thuyết Mảnh trăng thu đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 83 năm 1931.
Trang bị trong nhà
Một gia đình giàu có thì có thể tìm thấy nhiều thứ hàng hóa nhập cảng hay sản xuất trong nước, trên đường Catinat, Charner hay Bonard… để đáp ứng nhu cầu của mình.
Bên cạnh các vật dụng căn bản nơi phòng khách như bàn ghế tủ giường… vật dụng được ưa chuộng, gây ấn tượng lớn nhất khi khách đến thăm nhà là cái máy hát dĩa. Được nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, máy hát dĩa dần phổ biến trong giới thượng lưu Sài Gòn. Hãng máy hát Pathé và dĩa hát Pathé là thương hiệu được biết nhiều, bán ở số nhà 10 đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ).
Hãng này quảng cáo: “Trong các sự giải trí giúp vui trong gia đình thì không có vật gì bằng: máy hát Pathé và dĩa hát Pathé. Nghe nhạc hay thì có thể đổi tính tình con người, và nhạc cũng giống như một thứ tiếng nói riêng mà tinh thần, trí não chưa tỏ ra đặng”.
Lại còn khoe: “… bây giờ nghề làm dĩa hát đã tinh xảo lắm. Dĩa chạy bằng kim sắc, lấy hơi điện khí đã khá rồi, mà mới đây hãng Pathé lấy hơi bản An nam, lại dùng máy vô tuyến điện mà lấy, thì hết sức tinh thần, hết sức êm ái, rõ ràng. Hiện dĩa hát kim thời là dĩa hát Pathé vô tuyến điện, tròng đỏ có con gà. Đàn bà khôn thì làm gia đình vui vẻ và nên sắm máy hát Pathé. Chồng khỏi đi chơi lãng phí. Con cái tuy chơi mà mở mang trí não”.
Máy hát còn được bán và kiêm luôn sửa chữa ở tiệm Nguyễn Văn Được ở số 105 Charner, bao gồm cả dĩa hát bộ Pathé dùng kim saphir. Ở đây bán đủ bộ phụ tùng theo máy. Đến tiệm, họ còn cho xem mục lục gần 30 tuồng, có những tuồng hấp dẫn như: Tống tửu Đơn Hùng Tín, Phong Thần, Hát chèo ghe bị bối la làng… Dĩa hát Odeon bán ở hãng Indochine films & Cinéma số 106 Charner, có dĩa của Đồng Lạc Ban, Nghĩa Hiệp Ban, Phước Tường Ban, Tân Thinh và Văn Hí Ban. Có cả cải lương Cao Mên nghe lạ tai. Sau này, đến năm 1937, dĩa hát Victor có đại lý Lê Văn Tài số 82 đường Georges Guynemer (Hồ Tùng Mậu) bán dĩa thu tiếng ban Phụng Hảo có Phùng Há, Năm Châu…
Nhà nào biết chơi nữa thì mua máy “hát bóng” tại nhà Pathé Baby. Máy được quảng cáo là dễ dùng, đặt phòng khách rất sang, có bán đủ thứ phim ảnh khôi hài, bi kịch, khoa học, thể thao… chạy bằng điện, có tấm vải trắng để rọi hình cỡ 54×40.
Đèn đóm trong nhà rất quan trọng. Giàu có thì xài điện của nhà máy đèn Chợ Quán hay đến tiệm của người gốc Quảng Bình thuê lắp đặt. Có ông Trần Quang Nghiêm, chủ tiệm Lục Tỉnh khách sạn có lãnh “chạy dây đèn khí”, tức là điện. Ông Nghiêm quảng cáo: “tính tiền công và tiền dây rẻ hơn hết, tưởng chẳng nơi nào dám tranh giá… Một điều nên biết là dây của M. Nghiêm gắn vô vách rồi, thì chủ còn mướn compteur nhà đèn mà thôi. Cộng tiền mướn compteur lại với tiền công gắn dây mới là thấy rõ M. Nghiêm tính rẻ”.
Lúc đó, điện vẫn là xa xỉ và không ổn định, nên nhà nào cũng cần có đèn manchon. Đèn manchon hiệu Petromax Rapid của Đức do đại lý độc quyền xứ Đông Dương là hãng Dai Ich ở số 29 đại lộ Tổng Đốc Phương, Châu Văn Liêm, Chợ Lớn quảng cáo ra tận Hà Nội. Có ba loại đèn: một lít đốt trong 18 giờ, 12 giờ hay 10 giờ. Khỏi phải xông bằng alcool, không đầy một phút đã thắp xong và đốt bằng dầu hôi hay xăng đều được. Đại lý bán đèn và cả phụ tùng thay thế. Có người thích đèn manchon hiệu Aida cũng của Đức thắp bằng dầu lửa, tốt mà rất hợp thời kinh tế khủng hoảng. Bán ở tiệm My Quang & CIE số 33 cùng đường Tổng Đốc Phương.
Người bình dân thì mua đèn Hoa Kỳ có bình dầu lửa lớn cỡ cái tô, bằng thủy tinh trong suốt, thấy rõ dầu và tim đèn bên trong. Bình dầu được gắn cứng trên một cái chân bằng đồng cao nghệu, nặng và vững vàng. Họng đèn có đồ vặn tim lên xuống để điều chỉnh ánh sáng, gắn một cái ống khói cao cũng bằng thủy tinh để che gió. Đèn có một cái chụp để tập trung ánh sáng xuống phía dưới.
Về bàn ghế, nhà nào khá giả thì về Bình Dương mua đồ gỗ ở trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một. Cầu kỳ hơn thì đợi các kỳ đấu xảo ở Hà Nội. Một ngôi nhà ở Phú Nhuận trên đường Phan Đăng Lưu còn giữ được một tủ thờ cẩn ốc xà cừ mua năm 1928 tại nhà đấu xảo Hà Nội. Ở đường Catinat có bán các ghế mây của Pháp và đồ miền Bắc đưa vào. Ghế Bắc không tinh xảo bằng, nhưng rẻ hơn. Hoặc vào Chợ Lớn mua ghế người Hoa làm. Một số nhà cự phú đặt mua ghế, sập ba thành bằng hồng mộc làm tận bên Trung Hoa. Có những nhà cầu kỳ đến từng chi tiết, dùng móc mùng bằng bạc, bằng đồi mồi, bằng ngà voi, cây cài võng bằng ngà…
Tuy thích tiện nghi, không phải nhà nào cũng có thể mua đồ tốt. Tiệm mua bán đồ cũ ở đường Lagrandière (Lý Tự Trọng) bán nhiều thứ, có cả các món mới nguyên của các nhà buôn gửi bán giảm giá. Người Hoa thầu cả một dãy phố để bày đồ lạc-xoong. Họ còn mở thêm hai dãy tiệm lạc-xoong bên ngoài Chợ Mới trên đường Espagne (Lê Thánh Tôn) nữa. Ở đó có đủ chén, bát, xoong, chảo và bàn ghế. Tuy là đồ lạc-xoong, người mua thuộc mọi tầng lớp.
Tiện nghi trong nhà cao hay thấp tùy mức độ giàu có, kiến thức, trình độ thẩm mỹ của chủ nhân và nhu cầu. Nó còn thể hiện khuynh hướng tiêu dùng cũng như khả năng đáp ứng của thị trường. Đó là những gợi ý khá thú vị cho giới nghiên cứu, về lối sống đô thị ở thời đã qua.