Khoảng 20 nhà sưu tầm trong ngoài nước đã cung cấp 1.500 bức ảnh, chủ yếu là các tấm bưu ảnh, để chọn lọc ra 300 tấm đưa vào cuốn sách ảnh “Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh”.
Sưu tầm ảnh Sài Gòn xưa là thú vui của một nhóm người cùng chung đam mê sưu tập và có chung tình yêu to lớn đối với thành phố từng được mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông”. Dù biệt danh đó còn hay mất, Sài Gòn vẫn luôn là “hòn ngọc” vĩnh viễn tỏa sáng trong trái tim những ai từng sinh ra ở Sài Gòn, hoặc từ xa đến với Sài Gòn.
Sách ảnh Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (NXB Tổng hợp TP.HCM và Tạp chí Xưa và Nay) quy tụ 300 bức ảnh được chọn lọc kỹ từ bộ sưu tập đồ sộ của hơn 20 nhà sưu tầm ở Việt Nam lẫn Pháp, Mỹ và nhiều nước khác. Đây được coi là một trong những tập hợp đồ sộ nhất về hình ảnh Sài Gòn xưa, dù lâu nay, sách và sách ảnh về chủ đề này không thiếu.
Đặc biệt, công lao của các nhà sưu tầm Việt kiều cũng quan trọng không kém gì các nhà sưu tầm trong nước. Người Việt bước chân ra nước ngoài đã mang theo ký ức về Sài Gòn, nơi lưu giữ tuổi thơ, tuổi trẻ và mãi mãi là một phần cuộc đời mà họ không thể quên.
Bưu ảnh 100 USD hay 7.000 USD: Ký ức về Sài Gòn là vô giá
Nói với Zing.vn, nhà báo Nguyễn Hạnh (Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay), chủ biên cuốn sách Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời gian thực hiện cuốn sách là 10 năm.
Quy mô tư liệu của cuốn sách là khó đo đếm. Rất nhiều người đã góp công vào quá trình thực hiện cuốn sách, trong đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nhà sưu tầm Nguyễn Mạnh Hùng, Phan Thị Minh Lệ, Trần Tuấn Anh…
Năm 1998, tạp chí Xưa và Nay đã thực hiện cuốn Sài Gòn xưa nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn. 10 năm sau đó, nhận thấy vẫn còn những kho tư liệu quý giá của Sài Gòn chưa được tập hợp thành sách, ban biên tập tạp chí Xưa và nay quyết định khởi động lại dự án sách ảnh về Sài Gòn.
Nhược điểm của những cuốn sách ảnh về Sài Gòn trước đây là nội dung tư liệu còn ít ỏi, chỉ chú trọng vào hình ảnh, nhưng cuốn Di sản Sài Gòn muốn khắc phục thiếu sót này.
“Từ năm 1998 đến nay, tư liệu ngày càng nhiều hơn giúp thông tin về các bức ảnh được đầy đủ hơn”, nhà báo Nguyễn Hạnh cho biết, “Điểm khác biệt của cuốn sách Di sản Sài Gòn là chú thích đầy đủ hơn những cuốn sách ảnh khác. Ví dụ, nói về tòa nhà UBND thành phố, chúng tôi cung cấp được thông tin rằng ai thiết kế tòa nhà, xây dựng năm nào, kiến trúc sư nào vẽ”.
Lý do chính giúp bộ sưu tập này có thông tin cụ thể hơn là chủ yếu tập hợp tư liệu từ các tấm bưu ảnh cũ. Trong các tấm bưu ảnh và tem dán trên đó đã ghi chính xác ngày tháng, chú thích rõ hình ảnh được in ở mặt trước và còn có những lời chúc, đề tặng gắn với kỷ niệm cá nhân của con người.
Nhà báo Nguyễn Hạnh nhắc đến bà Phan Thị Minh Lệ, một nhà sưu tập đang sống ở Paris. Trước khi rời Việt Nam, bà đã sở hữu khá nhiều bưu ảnh in hình Sài Gòn và lưu giữ cẩn thận những kỷ vật này. Khi sống ở đất khách, bà cũng tìm mua những tấm bưu ảnh về Sài Gòn và cất giữ như báu vật.
Một nhà sưu tập khác đang sống ở TP.HCM là tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên hiệu trưởng trường Hồng Bàng. Ông sở hữu 3.000 bưu ảnh Sài Gòn xưa, trong đó có những tấm quý mua với giá 100 USD.
Tại Mỹ, nhà sưu tầm Trần Anh Tuấn đóng góp những hình ảnh do ông lưu giữ khi còn là giảng viên đại học trong nước. Còn nhà nghiên cứu Bùi Văn Quế góp công sưu tập hình ảnh Sài Gòn trên một số sách báo của Pháp.
Hai nhân vật quan trọng khác trong quá trình thực hiện sách là nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và ông Nguyễn Văn Anh, quản thủ Thư viện Sài Gòn trước giải phóng. Đây đều là những “pho từ điển sống” về Sài Gòn.
Ông Đầu không sở hữu nhiều hình ảnh tư liệu nhưng lại nắm rất rõ lịch sử của các di sản Sài Gòn. Những thông tin về năm xây dựng, hoàn thành, các kiến trúc sư hay nhà kiến thiết các di sản đều được ông cung cấp cho nhóm làm sách.
“Có những chi tiết nhỏ như tòa giám mục Sài Gòn chuyển từ Thảo Cầm Viên khi nào thì chỉ có bác Nguyễn Đình Đầu biết vì bác là người Công giáo”, ông Hạnh lấy ví dụ.
Còn ông Anh có khả năng nhớ và tra cứu thông tin từ kho tư liệu khổng lồ ở thư viện. Chẳng hạn, các thông tin về năm xây dựng, kết cấu của các công trình, người thường khó lòng biết được hoặc nhớ được, nhưng có thể tra cứu rất nhanh.
Cũng như các lĩnh vực sưu tầm khác, việc sưu tập ảnh về Sài Gòn đòi hỏi thời gian, công sức cũng như tiền bạc, nên chỉ một nhóm nhỏ những người thực sự tâm huyết mới có thể sở hữu những tư liệu quý. Theo nhà báo Nguyễn Hạnh, có những bức ảnh được nhà sưu tầm phóng tay mua với giá 7.000 USD.
Khó có thể đánh giá hết giá trị của những tấm bưu ảnh, bởi bên cạnh giá trị tư liệu không ai phủ nhận, mỗi hình ảnh còn có ý nghĩa cá nhân với nhà sưu tầm.
Sách ảnh có chất lượng “tốt nhất” về Sài Gòn
Sài Gòn xưa là đề tài quá phổ biến trong xuất bản lâu nay, nhưng ban biên soạn Di sản Sài Gòn tự tin đây là cuốn sách có chất lượng tốt nhất hiện nay về những hình ảnh Sài Gòn ngày cũ.
“Vì chúng tôi có nhiều nguồn ảnh để xử lý và lựa chọn”, nhà báo Nguyễn Hạnh nhận định, “Chúng tôi có file ảnh gốc gửi trực tiếp từ Pháp và một số nước khác. Ảnh được lưu giữ rất tốt nên đảm bảo được chất lượng mà không cần xử lý nhiều”.
So với những nhà làm sách khác, tạp chí Xưa và Nay có lợi thế về mối quan hệ với các nhà sưu tập ở nhiều nước. Từ năm 1998 đến nay, tạp chí có chủ trương sưu tầm và tổ chức triển lãm về hình ảnh Sài Gòn nên tạo được uy tín trong giới sưu tập. Từ các cuộc triển lãm, tạp chí kết nối được với nhiều nhà sưu tập, dẫn đến sự hợp tác về sau.
Ông Trần Anh Tuấn, người đóng góp cho cuốn Di sản Sài Gòn, đồng thời cũng là nhà sưu tập tem và đồ cổ lâu năm. Là trí thức ở Sài Gòn trước đây nên ông Tuấn có ý thức lưu giữ hình ảnh Sài Gòn. Sau khi sang Mỹ định cư, ông vẫn thường xuyên đến các khu chợ trời, tìm gặp các nhà sưu tập để mua lại những bưu ảnh về Sài Gòn.
Với kho tư liệu khổng lồ, không dễ dàng để lựa chọn ảnh để đưa vào sách. Nhóm biên soạn đã chia ra các cụm chủ đề như: kiến trúc, những con đường, hoạt động kinh doanh buôn bán, đời sống sinh hoạt, hoạt động biểu diễn nghệ thuật…
Có những chủ đề rất nhiều hình ảnh như Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà hay Bưu điện thành phố, nhà làm sách phải chọn lọc kỹ hơn. Thậm chí trụ sở UBND thành phố còn có trên 30 năm, nhiều góc độ đẹp và độc đáo nên được chọn khoảng 15 tầm và dàn thành 2 trang. Còn những công trình nhỏ như tòa tháp nước Sài Gòn chỉ có 3 hình nên nhóm biên soạn chọn đưa hết vào sách.
Công phu như vậy, nhưng nhóm biên soạn luôn ý thức rằng cuốn sách vẫn có thể được bổ sung để hoàn thiện. Sách ra đời từ 3 năm trước và đã được phát hành đến tay những nhà sưu tầm, nghiên cứu trong và ngoài nước. Cũng trong 3 năm đó, nhóm biên soạn dần phát hiện thêm nhiều kho tư liệu mới, khiến họ luôn có mong muốn bổ sung hình ảnh vào sách cho lần tái bản.
“Nhiều nhà sưu tập liên hệ với chúng tôi nói rằng họ muốn đóng góp thêm những hình ảnh chưa có trong sách”, nhà báo Nguyễn Hạnh kể, “Bởi vậy, sắp tới, chúng tôi sẽ tái bản có bổ sung khoảng 20 trang, chủ yếu về đời sống của người dân Sài Gòn xưa”.
Sài Gòn xưa có mất trong hôm nay?
Đặt tên cuốn sách là Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm biên soạn muốn tạo ra sự kết nối giữa Sài Gòn xưa và nay. Những hình ảnh trong sách có thể vẫn còn, cũng có thể đã mất, nhưng luôn nằm trong ký ức của thành phố. Điều mà nhóm biên soạn mong muốn là công chúng đừng bao giờ lãng quên những gì đã mất của thành phố.
“Có những di sản còn, có những thứ đã mất. Mất cũng đã nhiều”, ông Hạnh thừa nhận, “Nhờ hình ảnh lưu lại mình thấy được Sài Gòn đầu thế kỷ. Gần đây một số di sản Sài Gòn bị tác động của con người, ví dụ như những hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, thương xá Tax hay tượng đài Trương Vĩnh Ký ở công viên 30/4 giờ cũng không còn”.
Với những gì đã mất, việc phổ biến hình ảnh trước đây có thể giúp người Sài Gòn hôm nay biết về lịch sử thành phố, khiến họ có ý thức gìn giữ có trách nhiệm với thành phố hơn. Từ sau 300 năm, ngày càng xuất hiện nhiều tư liệu quý và phong phú về Sài Gòn, bởi hầu như ai cũng muốn đi tìm lý do vì sao người ta gọi thành phố này là “hòn ngọc Viễn Đông”.
“Mình phải tiếp tục nuôi dưỡng, làm về lịch sử Sài Gòn, vì luôn cảm thấy chưa đủ”, ông Hạnh chia sẻ.