Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam cho thấy, cả nước hiện còn khoảng 11.458 hộ chưa có nhà ở. Trong đó, tại khu vực đô thị, số hộ không có nhà ở vào khoảng 4.502 hộ. Tại khu vực nông thôn, số hộ không có nhà ở vào khoảng 6.956 hộ. Trên toàn quốc hiện còn khoảng 3,5 triệu hộ sống trong những ngôi nhà đơn sơ.
Hiện tại trên cả nước đang diễn ra “làn sóng” di dân có cường độ lớn khiến sức ép tăng dân số cơ học đối với đô thị ngày càng căng thẳng, dẫn tới quá tải hạ tầng xã hội trong đó nhà ở là bài toán nan giải.
Hiện quỹ đất không đủ để xây dựng nhà riêng lẻ, nhà cho người thu nhập thấp đang thiếu trầm trọng so với nhu cầu thực tế là những vấn đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua. Xu hướng mới trong đầu tư bất động sản là xây nhà chung cư, nhà cho thuê thay cho nhà riêng lẻ đã và đang là xu thế chung trong quá trình đô thị hóa. Đây là những tín hiệu đáng mừng tạo thêm nhiều cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản khẳng định: “Mua đất xây nhà cho thuê là hình thức kinh doanh có hệ số an toàn cao, hiệu quả kinh tế lớn, vừa đem lại nguồn lợi nhuận ổn định cho nhà đầu tư đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu nhà ở xã hội”.
Xét về khía cạnh đầu tư thì đây là kênh mang lại sựổn định. Trong thời điểm bất động sản đang bị sức ép lãi suất và việc đón đầu quy hoạch chưa thực sự rõ nét thì không chỉ việc xây nhà cho thuê mà cả việc thành lập các công ty kinh doanh nhà ở cũng là hướng đi mới cho một số chủ đầu tư lớn.
Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m²/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗở, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Thế nhưng mặt khác tình hình địa ốc đang bị đóng băng, căn hộ cao cấp lẫn nhà cho người thu nhập thấp vẫn đang bị tồn đọng.
Để giải quyết tình trạng này, Nhà nước cần đầu tư cho các công ty chuyên về cho thuê nhà ở, để các công ty này mua lại những sản phẩm tồn đọng và cho thuê.
Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà nhưng đã gặp rất nhiều bất cập. Vì thế nếu chuyển sang nghiên cứu các chính sách và biện pháp để cho thuê nhà, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở, kinh doanh cho thuê nhà sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vì rất nhiều người có thể chọn lựa thuê nhà ở những khu vực gần nơi làm việc. Nếu việc thuê nhà thuận tiện, chắc chắn sẽ có nhiều người cho thuê ngôi nhà của mình để thuê nhà gần nơi làm việc, vừa giảm bớt chi phí đi lại, vừa đảm bảo sức khỏe, giảm bớt rủi ro, và đương nhiên sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Trong khi tại các nước việc ở nhà thuê là giải pháp chọn lựa của nhiều người có thu nhập cao thì tại nước ta việc ở nhà thuê lại chưa được xem là giải pháp tối ưu ngay cả với người có thu nhập thấp.
Tập quán sống của người Việt chúng ta xem việc sở hữu một căn nhà là vô cùng quan trọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết đó là tổấm của gia đình hoặc của nhiều thế hệ con cháu quây quần và có tính ổn định lâu dài. Thứ hai, nhà là một loại tài sản có tính cơ bản nhất trong cuộc đời một người trưởng thành và có thể để lại cho con cháu. Khi thật cần mới bán đi hoặc vì nhu cầu chi dùng cho việc gì đó hoặc để sở hữu một căn nhà khác phù hợp hơn. Thứ ba là tâm lý ngại thay đổi nơi ăn chốn ở cũng như xa cách bà con chòm xóm. Chính vì vậy trong suy nghĩ của nhiều người bất đắc dĩ mới phải ở nhà thuê mà không nhìn vấn đề dưới góc độ tìm một không gian sống phù hợp với hoàn cảnh thực tế hoặc quan trọng hơn là nâng cấp cuộc sống trong điều kiện có được.
Cũng không nhiều người đặt lên bàn cân tính toán lợi ích kinh tế trong việc ở nhà thuê, ngay cả những người muốn lập gia đình cũng nghĩ đến việc sở hữu một căn nhà trước đã. Mặt khác cũng phải thấy rằng hoạt động kinh doanh cho thuê nhà ở chưa được tổ chức bài bản. Các cơ quan quản lý và kinh doanh nhà hoạt động theo kiểu nhà nước không nhìn đây là một dịch vụ mang yếu tố cạnh tranh trên thị trường địa ốc. Phần lớn giao dịch về cho thuê nhà ở được thực hiện giữa các cá nhân mà các ràng buộc trách nhiệm cung cấp dịch vụ thường không có hoặc chiếu lệ đơn giản, làm cho người thuê không xem đó là nơi có thể cư trú lâu dài thậm chí là một tổấm gia đình.
Cho đến nay kinh doanh nhà ở cho thuê vẫn là một dư địa đầy tiềm năng đối với nhà nước lẫn tư nhân. Vì vậy để khuyến khích phát triển theo xu hướng thuê nhà, cần có các giải pháp sau: Thay vì các gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà nước cần đầu tư cho các công ty chuyên về cho thuê nhà ở, để các công ty này mua lại các khu nhà ở và quản lý cho thuê. Đồng thời cần có các quy định rõ ràng và chặt chẽ nghĩa vụ và quyền lợi của người thuê nhà và bên cho thuê. Ngoài việc đầu tư các khu tập thể để cho thuê, cần tổ chức quỹ nhà cho thuê để những người đã có nhà riêng nhưng lại muốn sống ở nơi phù hợp thuận tiện hơn trong làm việc và sinh hoạt gia đình như đi làm, đi học. Xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ phù hợp cho các khu chung cư cho thuê như chợ, cửa hàng, siêu thị, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bệnh xá…, đặc biệt cần quan tâm đầu nối với các hệ thống giao thông công cộng.
Hiện Bộ Xây dựng đang dự thảo quyết định trình Thủ tướng thí điểm phát triển một số dự án nhà ở thuê, trả tiền từng tháng. Khi đó người dân có thể thuê nhà sáu năm hoặc 12 năm. Trong thời gian thuê, người dân có thể cho thuê lại, kinh doanh hoặc chuyển nhượng quyền thuê. Các tính toán cho thí điểm này tập trung theo hướng giá thuê căn hộ khoảng 40 – 45m² chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Tất nhiên về phía tư nhân, nếu đầu tư đúng mức để thành lập các doanh nghiệp chuyên cho thuê nhà một cách bài bản thì đây sẽ là ngành dịch vụ mang lại nhiều lợi nhuận, vừa giải quyết nhiều việc làm cho xã hội.
- Minh Trí