Những bậc cha mẹ ở phương Tây thường rất sốt ruột đếm từng giây kể từ thời khắc con mình chuyển sang 21 tuổi, nếu vào lúc đó chúng vẫn chưa đi học đại học hoặc cao đẳng. Đồng hồ cứ điểm và những đứa con đều biết rằng ở tuổi đó chúng cần bay khỏi tổ. Mọi đứa trẻ phương Tây đều được giáo dục rằng chẳng sớm thì muộn chúng cũng phải bước vào đời mà không có sự che chở của cha mẹ. Sự giúp đỡ về tài chính và việc chăm lo cho bữa ăn giấc ngủ sẽ không tồn tại mãi mãi.
Nhưng ở một số nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam, điều này lại hoàn toàn khác. Ở Việt Nam, cha mẹ muốn con cái luôn ở bên mình. Thực tế đời sống của nhiều gia đình cũng diễn ra đúng như vậy. Cấu trúc và sự gắn kết của gia đình châu Á hoàn toàn khác gia đình phương Tây.
Với các gia đình phương Tây, cha mẹ và con cái vẫn dành sự quan tâm và gần gũi với nhau. Tuy nhiên, nếu bạn tách ra và đi lập nghiệp ở một nơi xa đến hàng ngàn dặm thì dù có muốn, sự gắn kết cũng không còn được như khi bạn còn ở gần. Tôi nghĩ là mình có một gia đình tuyệt vời, nhưng khi sống cách xa nhà 6.000 dặm, tôi bắt đầu quen dần với việc thỉnh thoảng mới nhớ về gia đình. Khi bạn đi xa, người thân của bạn cũng sẽ quen dần với việc bạn không có ở bên. Dần dần họ cũng sẽ quên bạn trừ khi bạn giữ mối liên hệ thật chặt chẽ và thường xuyên.
Gia đình ở châu Á có vẻ gắn bó chặt chẽ hơn, có lẽ vì nhiều thành viên trong gia đình chọn sống gần nhau. Tôi thấy mình thật may mắn khi đến sống ở Việt Nam và lập gia đình ở đây. Hầu hết với những người tôi quen ở Việt Nam, gia đình là trên hết. Tôi mong sau này sẽ dạy con mình các giá trị về gia đình theo quan niệm của người châu Á: gia đình không chỉ quan trọng, mà đó là tất cả. Không chỉ có cha mẹ lo lắng cho con cái, ở Việt Nam, khi những đứa trẻ trưởng thành, chúng sẽ nhận trách nhiệm chăm sóc cha mẹ mình. Thời gian và sự đầu tư mà cha mẹ dành cho con cái sẽ được bù đắp bằng cảm giác an nhàn được con cái lo lắng cho khi về già.
Ở phương Tây, cho dù cha mẹ có chăm sóc con đến mấy thì khi già yếu, họ vẫn phải dựa vào sự trợ giúp của chính phủ và tiền tiết kiệm của riêng mình. Con cái không muốn tự tay chăm sóc cha mẹ mà lại muốn đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Đó là một cách để những đứa con bớt đi gánh nặng. Nhưng tệ hơn, sau khi gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão rồi, nhiều người thậm chí lại còn quên mất cha mẹ của mình. Có lẽ, những đứa con cảm thấy thật khó quen với một thực tế là cha mẹ, những người lúc nào cũng mạnh khỏe và có thể lo lắng mọi việc bỗng đến một hôm trở nên già yếu, cần dựa vào con cái.
Ở châu Á, những bậc cha mẹ không cần phải lo về việc bị bỏ rơi ở bệnh viện hay trong viện dưỡng lão bởi vì họ biết chắc rằng sẽ được con cái chăm sóc cho đến lúc lìa trần. Sống cùng với con, họ có thể giúp chăm sóc các cháu và đưa ra những lời khuyên hữu ích với sự khôn ngoan của người già. Nhiều người trong số họ còn dành dụm tiền hoặc bán bớt đất để chia cho các con. Họ tin rằng ít nhất sẽ có một đứa con làm nên sự nghiệp và là nơi nương tựa cho họ khi về già. Xin hãy đừng phí một giây nào để nói với tôi rằng những bậc cha mẹ này không xứng đáng với sự chăm sóc của các con.
Bài Derek Milroy
Lê Tâm dịch