Ngày 30.4.1975, chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ rời khỏi nóc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến mang lại thiệt hại lớn nhất cho Mỹ kể từ Thế chiến thứ hai, kết thúc trong thất bại thảm hại. Hơn 58.000 lính Mỹ thiệt mạng. Ảo tưởng về sức mạnh bất khả chiến bại vỡ tan. Lòng tin đạo đức lung lay tận gốc. Sự tín nhiệm với quốc gia, đặc biệt là với quân đội và tổng thống sụp đổ. Quân đội Mỹ bây giờ đã giành lại được niềm tin của công chúng. Tuy nhiên, sự tin tưởng vào các tổng thống vẫn tiếp tục tụt dốc.
Truyền thống sùng kính tổng thống
Hơn một thập kỷ sau năm 1975, các báo cáo quan trọng về chiến tranh, bất chấp yêu cầu công khai và giải mã, chỉ được tiết lộ nhỏ giọt. Mỗi một lần bằng chứng mới được đưa ra là một lần danh tiếng ba tổng thống, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard Nixon rơi thêm một bậc. Số băng ghi âm mà họ để lại (chỉ một vài được công khai, phần nhiều vẫn bị che giấu) phơi bày động cơ bí mật cũng như nỗi lo ngại.
Ngoài 40 năm đã qua kể từ sau thất bại năm 1975, Mỹ thôi đau đớn quằn quại trong chủ nghĩa hoài nghi song, những bản ghi âm này vẫn tiếp tục nhắc nhở họ về nhiệm vụ của một công dân trong nền dân chủ. Thay vì mù quáng tôn sùng các nhà lãnh đạo, dân chúng cần sáng suốt suy nghĩ về quyết định của người đứng đầu, bắt họ phải chịu trách nhiệm nếu quyết định ấy đem đến hậu quả.
Không thể phủ nhận, Mỹ có những vị tổng thống vĩ đại. Họ không chỉ là các nhà lãnh đạo có năng lực mà còn được xem như các huyền thoại. Đó là George Washington (nhiệm kỳ 1789-1797), Thomas Jefferson (nhiệm kỳ 1801-1809), Abraham Lincoln (nhiệm kỳ 1861-1865), Franklin D. Roosevelt (nhiệm kỳ 1933-1945). Người ta gọi họ là anh hùng. Dân chúng Mỹ tôn kính họ như thánh thần. Sau Thế chiến thứ hai, niềm tin của công chúng Mỹ đối với các tổng thống đạt ngưỡng cao nhất. Họ chưa một lần nghi ngờ Harry Truman (nhiệm kỳ 1945-1953) hay Dwight Eisenhower (nhiệm kỳ 1953-1961), luôn tin tưởng tổng thống là người trung thực, thiện chí, tuyệt đối đặt lợi ích quốc gia lên trước lợi ích bản thân.
Sự hối hận của Kennedy
John F. Kennedy bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 20.1.1961, kết thúc vào ngày 22.11.1963 khi bị ám sát. Trở thành tổng thống ở tuổi 44, kế nhiệm Eisenhower, người được công chúng Mỹ tin tưởng hoàn toàn, không có gì lạ khi Kennedy và quân đội của ông được công dân Mỹ hết lòng sùng bái. Trong bài phát biểu trước lễ nhậm chức, Kennedy khẳng định Hoa Kỳ sẽ “trả bất cứ giá nào, gánh vác mọi trách nhiệm, đối mặt với tất cả khó khăn, hết lòng ủng hộ bằng hữu, chống lại kẻ thù, đảm bảo sự vĩnh viễn và toàn vẹn của hai chữ Tự Do”. Ông hứa hẹn sẽ khiến quốc gia thành đất nước mạnh nhất toàn cầu.
Với vai trò tổng thống, Kennedy từ chối đưa Quân đội Hoa Kỳ đến trợ lực cho chính phủ thân Mỹ ở Lào. Tuy nhiên, sau Sự kiện Vịnh Con Heo tại Cuba, bị Tổng bí thư Nikita Khrushchev của Liên bang Xô Viết chỉ trích thậm tệ tại hội nghị thượng đỉnh ở Vienna, Kennedy cay cú toan tính trả đũa. Trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam, ông cảm thấy cần phải có hành động.
Nếu không qua đời vì bất ngờ bị ám sát, Kennedy có lẽ đã phải chịu nhục không ít. Chính trường Mỹ sớm phát hiện Kennedy và chính quyền của ông có những thụt lùi trong tính toán chính trị và quân sự ở Việt Nam. Tuy nhiên, vì uy tín của lãnh đạo và cũng là danh dự của quốc gia, họ không bao giờ chia sẻ điều này với công chúng đương thời.
Tháng 8.1963, Ngô Đình Diệm trên đỉnh thắng thế ở Nam Việt Nam. Kennedy tự ý thông qua một kế hoạch lật đổ Diệm. Tháng 11 cùng năm, các tướng lĩnh bất đồng với anh em Diệm-Nhu được Kennedy bật đèn xanh cho phép nổi dậy chiếm các cơ sở chính ở Sài Gòn. Cả Ngô Đình Diệm lẫn Ngô Đình Nhu đều bị giết. Nam Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn còn tồi tệ hơn thời gian dưới sự thống trị của Diệm-Nhu. Mỹ ghi nhận vụ đảo chính Ngô Đình Diệm là chính sách ngoại giao sai lầm nghiêm trọng hơn cả Sự kiện Vịnh Con Heo.
Ngày 4.11.1963, ngay sau cuộc đảo chính, Kennedy bày nỗi hối hận của ông về vụ việc. “Vào cuối tuần, cuộc đảo chính diễn ra ở Sài Gòn. 3 tháng đàm thoại gay gắt… cái chia rẽ chính quyền ở đây và Sài Gòn… Tôi cảm thấy rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về nó, bắt đầu với điện báo… Tháng 8 là tháng chúng tôi đề cập đến kế hoạch đảo chính… Tôi lẽ ra không nên tự quyết khi không có một hội nghị bàn tròn… Tôi đã rất sốc bởi cái chết của Diệm và Nhu… Câu hỏi trăn trở nhất bây giờ là liệu các tướng lĩnh đảo chính có thể đoàn kết và xây dựng một chính phủ ổn định hay lại… dư luận ở Sài Gòn… chính phủ này sẽ bị xem như một bộ máy áp bức và phi dân chủ trong tương lai không xa mất thôi”.
Kennedy đã không bao giờ có cơ hội sửa chữa sai lầm hay tìm kiếm câu trả lời cho nỗi day dứt. Chỉ 18 ngày sau đó, ông bị ám sát tại Dallas.
Nỗi lo của Johnson
Lyndon Johnson (nhiệm kỳ 1963-1969) kế nhiệm Kennedy khi tình trạng Nam Việt Nam xấu đi nhanh chóng. Trước đó, với vai trò phó tổng thống, ông phản đối quyết định đảo chính Diệm. Trở thành tổng thống, xung đột tại Việt Nam là nỗi bất an lớn nhất với Johnson. “Tôi muốn họ để tôi yên”, ông nói với phụ tá. “Tôi còn cả đống việc lớn phải hoàn thành tại nước nhà”. Tuy nhiên, cũng như Kennedy, Johnson sớm tự biến bản thân thành con cờ chính trị không tự chủ.
Phải đến đầu thập niên 1990, bản thu âm khoảng 700 giờ của Johnson mới được xử lý, số hóa, công khai với công chúng. Phần lớn còn lại vẫn là bí mật. Trước các công dân Mỹ, Johnson tự tin khẳng định cuộc chiến ở Việt Nam vẫn đang diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp. Song vào tháng 5.1964, chưa đầy 6 tháng trước cuộc bầu cử, ông thú nhận với cố vấn quốc gia McGeorge Bundy rằng mình không biết phải làm gì.
- Xem thêm: Tình báo Mossad ngày nay
Johnson: Tôi thức cả đêm để nghĩ về chuyện này. Càng nghĩ về nó tôi càng không hiểu cái chết tiệt gì hết… Cứ như thể tôi đang bước vào một nước Triều Tiên khác vậy. Chẳng có gì khác ngoài nơm nớp nỗi lo. Tôi không thấy những gì chúng ta có thể hy vọng để thuận lợi thoát khỏi đó một khi đã dấn thân vào… Tôi không nghĩ nó đáng để chiến đấu và tôi cũng chẳng nghĩ mọi người có thể nhận ra. Nó thật chả có gì hơn mớ hỗn độn khủng khiếp nhất mà tôi từng thấy.
Bundy: Đúng thật, chả khác gì mớ hỗn độn khủng khiếp…
Johnson: Tôi chỉ nghĩ đến việc ra lệnh cho đám nhóc (quân đội Mỹ) ở đó (Việt Nam) và tôi phải ra lệnh gì trong cái địa ngục đó đây?
Bundy: Tôi nghĩ thế này…
Johnson: Cái địa ngục Việt Nam đó thì có giá trị gì với tôi? Nó có cái gì đáng giá cho đất nước này…
Bundy: Thôi nào!
Johnson: Tất nhiên, nếu anh bỏ chạy khỏi Cộng sản, họ sẽ đuổi anh tới tận nhà bếp của anh.
Bundy: Cũng đúng. Đó mới là rắc rối. Và đó cũng là những gì một nửa còn lại của thế giới phải nghĩ tới nếu định quay lưng…
Johnson: Thật dễ để bắt đầu một cuộc chiến tranh nhưng lại quá khó để rút lui khi tay đã nhúng chàm…
Suốt nhiệm kỳ tổng thống, Johnson không sao thoát khỏi nỗi ám ảnh sẽ thua trận tại Việt Nam và chuyện khổ công chiến đấu tại đất nước ở Đông Nam Á này sẽ chẳng đem lại lợi ích gì. Dù vậy, ông cũng không thể để bản thân trở thành nhà lãnh đạo nhu nhược trước mắt công chúng Mỹ và quốc tế. Năm 1965, mặc dầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara cảnh báo có tăng thêm chi viện quân sự vào Nam Việt Nam, khả năng chiến thắng vẫn không nhiều hơn 30%, Johnson vẫn quyết định leo thang chiến tranh.
Tham vọng của Nixon
Bất chấp việc Johnson hoàn toàn vỡ mộng, Richard Nixon (nhiệm kỳ 1969-1974) tiếp tục dệt giấc mơ toàn thắng. Các băng ghi âm của ông được công khai sớm hơn của Johnson, vào năm 1980-1982 với 3.400 giờ. Trong các đoạn băng, Nixon thể hiện sự tàn nhẫn, phi đạo đức. Ông hứa đem toàn danh dự ra để đảm bảo cho giải pháp hòa bình nhưng, khi cân nhắc các hậu quả sẽ đến nếu Mỹ tự rút lui, đặc biệt là chuyện này ảnh hưởng thế nào đến việc tái đắc cử của ông vào năm 1972, Nixon quay ngoắt. Ông bàn thảo với Cố vấn An ninh Henry Kissinger vào ngày 29.5.1971.
Kissinger: Vấn đề duy nhất bây giờ là làm sao ngăn việc bị bãi nhiệm vào năm 1972… Nếu nói đến cộng sản, tốt hơn hết là nên để sau nhiệm kỳ mới, trong 6 tháng đầu tiên chứ không phải làm luôn bây giờ.
Nixon: Đương nhiên rồi.
Kissinger: Tôi khá là thờ ơ với nó.
Nixon: Còn tôi thì biết rõ chúng ta đang làm gì…
Kissinger: Mặt khác, nếu Campuchia, Lào, Việt Nam cạn lực vào tháng 9.1972, họ sẽ phải mời ngài vào… Rất nhiều sinh mạng sẽ phải mất để nâng bước ngài, còn ngài có thể đã tại nhiệm năm thứ nhất.
Nixon: Thì vậy.
Phát hiện ghi âm của Nixon không chỉ hủy hoại danh tiếng của chính ông mà còn xói mòn niềm tin của công chúng Mỹ với chính phủ. Sự tôn sùng với các vị lãnh đạo quốc gia xuống đến tận đáy. Các đời tổng thống Mỹ sau Nixon chưa một lần khôi phục được sự sùng kính này. Ngày nay, với sự tại vị của ông Donald Trump, sự tín nhiệm có vẻ còn tuột dốc thảm hại, dẫu máy ghi âm không còn được cài đặt trong Phòng Bầu dục.