Béo phì là tình trạng tích tụ lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, có thể do yếu tố gien, nhưng thường do lối sống nhiều dinh dưỡng mà ít vận động gây ra.
Khi bị béo phì, việc giảm cân không phải dễ dàng. Việc giảm cân chỉ thực sự thành công khi người bị béo phì cùng bác sĩ điều trị xây dựng một kế hoạch lâu dài, bắt đầu bằng việc thay đổi lối sống hằng ngày theo hướng tăng cường hoạt động thể lực và giới hạn hấp thu calorie.
Có thể tự tính ra chỉ số cơ thể (BMI) bằng cách đem cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Nếu kết quả đạt được nằm giữa hai giới hạn 18,5 và 25,9 (18,5 < BMI < 24,9) thì sức khỏe của bạn tốt. Khi 25 < BMI < 30 có nghĩa là bạn đã rơi vào tình trạng thừa cân, còn trường hợp BMI> 30 thì bạn bị béo phì.
Kế hoạch giảm cân tùy thuộc vào mức độ thừa cân và ý chí của mỗi người. Thông thường bác sĩ chỉ cho uống thuốc giảm cân khi tình trạng thừa cân không cải thiện sau ba tháng thực hiện kế hoạch. Các thuốc giảm cân thường gây cảm giác mau no hay giảm bớt hạn khả năng hấp thu mỡ và nói chung có ít nhiều tác động phụ.
- Xem thêm: 10 cách dễ thực hiện để giảm cân
Nhưng nếu ai đó muốn ăn thật nhiều để bù đắp nỗi cô đơn, sự chán nản và nỗi buồn phiền thì bác sĩ sẽ phải tư vấn thêm các kỹ năng để xử lý tình huống đó. Dưới đây là quy trình giảm cân thường được vận dụng.
1. Lên mục tiêu
Nếu đã sẵn sàng điều trị giảm cân, bác sĩ sẽ đề nghị người béo phì lập ra mục tiêu ban đầu là giảm 10% trọng lượng với tốc độ cứ mỗi tuần giảm được một ký. Chịu khó duy trì giảm cân dần vẫn hơn là giảm nhanh ngay từ đầu nhưng lại không duy trì được rồi tăng cân lại.
2. Thay đổi thói quen ăn uống
Cách giảm cân tốt nhất là hấp thụ ít calorie và tăng cường vận đông. Người lớn bị béo phì chỉ cần hấp thu 1.200-1.500 calorie/ngày (đối với phụ nữ) và 1.500-1.800 calorie/ngày (đối với nam giới).
Cần lên lịch các bữa ăn trong tuần để có chế độ ăn điều độ. Nếu đói bụng mà chưa đến giờ ăn quy định thì uống một ly nước chanh. Tránh uống nước ngọt và không nên ăn sau 7 giờ tối.
Hãy cố gắng giảm uống bia rượu. Nên ăn theo nhiều bữa nhỏ, ăn chậm rãi (cho mau no) và không nên bỏ bữa ăn nào.
Cần giảm mỡ trong thực đơn, nhất là loại mỡ đã bão hòa (có nhiều trong phô mai, dầu dừa, sữa…) vì loại mỡ này hay làm tăng cholesterol trong máu. Nên uống sữa không béo và ăn cá, thịt gà – loại thực phẩm này chứa ít mỡ bão hòa hơn loại thịt đỏ. Các loại dầu thực vật chứa mỡ chưa bão hòa nên có thể ăn nhiều để giúp hạ cholesterol trong máu, tăng yếu tố bảo vệ HDL cholesterol và giảm yếu tố nguy hiểm LDL cholesterol, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Giảm ăn loại đường đã được chế biến (trong bánh kẹo, xúc xích, thực phẩm làm sẵn, ngũ cốc, gạo, bánh mì…) và tăng cường ăn nhiều rau, trái cây tươi.
3. Tăng cường vận động
Mục đích của việc này là để đốt cháy bớt calorie dư thừa. Đơn giản nhất là chịu khó đi bộ, vừa đi vừa đếm số bước (nếu có máy đếm bước càng tốt). Nên bắt đầu từ 2.000 bước rồi tăng dần lên đến 10.000-12.000 bước mỗi ngày là đạt yêu cầu.
Nên đạp xe hoặc đi bộ nhanh mỗi tuần khoảng hai giờ rưỡi. Khi đó, nếu tim đập nhanh hơn bình thường thì đạt yêu cầu.
Chạy bộ, đạp xe nhanh hay đá banh là sự vận động mạnh hơn, nên thực hiện mỗi tuần một giờ rưỡi.
Nếu được, hãy tập yoga thường xuyên.
Hằng ngày nên ghi chép lại thực đơn và nội dung vận động cùng thời lượng đã thực hiện để điều chỉnh cho những ngày sau.
Sau một tuần tuân thủ chế độ giảm cân, nên so sánh những điều ghi chép được với những điểm trong kế hoạch đã xây dựng. Nếu thấy chưa đạt được mục tiêu đề ra, hãy tự khẳng định quyết tâm cao hơn trong tuần sau.
Theo các chuyên gia y tế, kế hoạch giảm 10% cân nặng trong vòng sáu tháng (mỗi tuần giảm một ký) vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe, vừa tránh được một số bệnh như tiểu đường type II, tăng mỡ máu, tim mạch… Các bí quyết này có vẻ đơn giản nhưng ai cũng cần có quyết tâm cao mới có thể đạt được thành công.