Trong lịch sử nhân loại có vô số những trường hợp, sự kiện và nhân vật theo thời gian phủ một lớp huyền thoại lan tỏa khắp thế giới, nhiều khi không thể xác định được là hư hay thực.
Một trong những điều bí ẩn gây tò mò nhất liên quan tới câu chuyện về những kẻ mạo danh, đội lốt, hay đóng giả các vĩ nhân nổi tiếng…
Giữa tuyến đường nối hai kinh đô Tehran (Iran) và Baghdah (Iraq) thuộc vùng Lưỡng Hà, tọa lạc địa danh nổi tiếng Behistun, một thời được coi là “Thánh địa của các thần linh”, sừng sững hiện lên một vách núi với các ký tự cổ khắc nét có thể đọc rõ từ xa bằng ba ngôn ngữ là tiếng Persian, tiếng Babylon và tiếng Elam có niên đại 5 thế kỷ trước Công nguyên.
Trên đó khắc một bài thơ dạng “tự bạch” tô điểm tên tuổi cùng chiến tích lẫy lừng của vua Darius đệ nhất (550-486 tr.CN) của Ba Tư, vốn nổi danh với các dân tộc khác qua các biệt hiệu như Darayavaus, Doreiavos, Dira, Darab hay Dareios.
Còn trước rìa vách đá là quần thể tượng đồ sộ mô tả vua Darius I vừa so lại dây của chiếc cung cực lớn, trong khi một chân ông giẫm lên xác kẻ tội đồ Gaumata từng mạo danh cố hoàng tử Smerdis hơn nửa năm qua. Phía sau nhà vua là nhóm cận thần thiện chiến, còn trước mặt là 9 người mặc hoàng bào đang cung kính cúi đầu cùng đôi tay trói quặt ra sau – ám chỉ những bậc quân vương của các vùng đất khác bên ngoài xứ Ba Tư bị Darius đệ nhất chinh phục.
Lịch sử cổ đại đã ghi nhận rằng cùng với hội đồng cơ mật tối cao bao gồm các thành viên đại diện cho sáu dòng họ vua quan tiêu biểu, những nhân vật “danh giá nhất trong tộc người Ba Tư” như “sử gia của mọi thời” Herodotos (484-425 tr.CN) từng đề cập, thì đích thân Dari I đã lên kế hoạch thủ tiêu tên lừa phỉnh trơ trẽn Gaumata nhằm giành lại ngai vàng.
Cuối thế kỷ VI tr.CN tại miền đất Ba Tư sau những cuộc chinh biến tranh giành lãnh địa triền miên, rốt cục quyền lực đã quy tụ về Cyrus Đại đế (576-530 tr.CN) vốn xuất thân từ vùng Tiểu Á.
Đến năm 540 tr.CN, tới lượt vương quốc Tân Babylon bị Cyrus Đại đế – được mệnh danh là “Vua của các vì vua” – chính thức quy phục, mở đường cho việc tạo lập nhà nước Ba Tư hùng cường và thống nhất đầu tiên.
Sau khi vua Cyrus tử trận vào năm 530 tr.CN trên đường chinh phục các miền đất mới, người con trai kế vị mang tước hiệu Cambyses đệ nhị vẫn tiếp tục duy trì đường lối “bành trướng lãnh thổ” từ vua cha.
Vua Cambyses II hoàn thành công cuộc tiến chiếm Ai Cập đang dang dở của thân phụ…
Mục tiêu kế tiếp là Ethiopia – quốc gia hùng mạnh nhất châu Phi thuở ấy, nhưng đạo quân tưởng chừng “bách chiến bách thắng” của Cambyses đệ nhị đã bị chặn đứng tại đây…
Đồng thời ngay tại quê nhà ở vương quốc Ba Tư lại nảy sinh những sự việc phức tạp mới. Như nguyên văn lời nhà chép sử gạo cội người Hy Lạp Xenophon (430-354 tr.CN): “Ngay sau khi vua Cambyses II băng hà vì ngã ngựa trên đường từ Ethiopia trở về, giữa đám hoàng tử hậu duệ bắt đầu có sự phân ngôi cát cứ, với hệ quả là nhiều thành phố và làng mạc đã tự động “tách” ra khỏi sự quản lý của vương triều Cambyses”.
Còn trước đó trong đám tướng lĩnh cao cấp vốn đã bất bình với sự chuyên chế của vua Cambyses II, sự phẫn nộ lại càng tăng cao, nhất là với những việc liên quan tới các tập tục hà khắc mới. Rồi vua Cambyses II biết được là đang có âm mưu ám hại mình…
Dựa theo những bằng chứng chủ quan đậm chất suy diễn, vua Cambyses II vốn được sử gia Herodotos nhận định là “người thiếu cân nhắc dễ nổi nóng”.
Bản thân nhà vua một mực quả quyết rằng “việc nhen nhúm tạo phản xuất phát chẳng do ai khác, mà chính từ người em trai ruột là hoàng tử út Smerdis”.
Nghiêm lệnh từ triều đình ban ra và phải được thực hiện tức khắc: thủ tiêu ngay Smerdis trong vòng bí mật!
Lệnh được thực thi tức thì. Nhưng chỉ nội vài tháng sau lọt đến tai vua Cambyses II, lúc này ông đang rong ruổi ở miền đất Ai Cập vừa chinh phục, rằng tại quê nhà đang có một kẻ mạo nhận, đi hết thành phố này tới thành phố khác nhằm thu phục công chúng với lời tự xưng là “Smerdis thần kỳ tái sinh”.
Rồi lại một nguồn tin nữa còn đáng sợ hơn: kẻ giống hệt Smerdis đã tuyên bố cầm đầu một cuộc khởi nghĩa nhằm “giành lại Ba Tư và những miền đất rộng lớn khác”.
Vua Cambyses II liền cho vời viên quan cận thần đã trực tiếp thực thi lệnh giết Smerdis mấy tháng trước đến, rồi nghiêm mặt hỏi: “Người đã hoàn thành nhiệm vụ tối mật ta giao chưa?”.
“Thần đã thủ tiêu Smerdis và tự tay chôn hắn kia mà, thưa đức vua! Trẫm thề lấy đầu mình ra để bảo đảm…”, viên quan vừa đập đầu xuống đất than vãn vừa ra sức thề thốt minh oan. Cambyses II liền tức tốc quay về Ba Tư để trừng trị kẻ đội lốt kia, nhưng chẳng hiểu sao nhà vua bỗng dưng thiệt mạng giữa đường bởi một nguyên nhân bí ẩn: người ta nói do sơ ý ông đã để lưỡi gươm cứa vào chân mình lúc bị ngã ngựa, khiến nhà vua băng hà vì vết thương sưng tấy…
Về phần kẻ mạo nhận là “hoàng tử Smerdis tái sinh” nghiễm nhiên hưởng quyền kế vị, nhằm chứng tỏ uy quyền đã tức tốc ban hành những sắc lệnh nực cười chẳng hạn như: “Để làm mãn nguyện giới thần dân trong các miền đất đã quy phục, ta quyết định miễn chế độ quân dịch, cũng như miễn tất cả các khoản thuế cho mọi người trong vòng ba năm”…
Nhưng trên đường phố và trong các chốn thị tứ, cũng như tại các quốc gia lân bang vẫn âm ỉ tin đồn, rằng đó không phải là đức vua Smerdis thật, mà đúng hơn là kẻ mạo nhận có tên “cúng cơm” là Gaumata, thầy tế lễ khét tiếng người gốc Medes với “mã ngoài” rất giống Smerdis.
- Xem thêm: Quá khứ vàng son xứ Ba Tư ở Isfahan
Lịch sử cũng ghi nhận, rằng một trong những viên quan chánh triều vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, luôn bất bình với những chính sách “cởi mở thái quá” của vị vua mới, đã rắp tâm bóc trần sự thật về nhân thân kẻ đội lốt bỉ ổi kia.
Sau khi Phaidymie, cô con gái rượu thông minh và duy nhất của viên đại quan này được sung vào đội ngũ cung phi trong cấm triều, ông ta liền gửi thư cho con qua một nô bộc tin cẩn với nội dung: “Hãy báo ngay cho ta biết, hỡi Phaidymie con yêu, rằng người chồng đầu gối tay ấp của con hiện nay trong cung cấm có phải là đức vua Smerdis thực sự không?”.
Cô con gái trả lời: “Con không biết, thưa cha, bởi ở đây chúng con đâu có được tiếp xúc với bất kỳ một người đàn ông nào khác – ngoài Smerdis ra. Vả lại, trước khi thành cung phi cho nhà vua, quả thực con có biết mặt mũi ông ta ra sao đâu”.
“Phaidymie, con gái yêu của cha – viên quan viết tiếp trong lá thư sau – Khi nào đến lượt con được tiếp kiến đức vua, con hãy đợi lúc ông ấy ngủ và cố thử sờ tai vua xem…”.
Theo nhiều nhân chứng thì lúc sinh thời, có lần vua Cambyses II bực tức viên thầy tế Gaumata vì chuyện gì đó, nên đã ra lệnh cắt phéng… đôi tai của hắn ta đi.
Vài hôm sau có thư hồi âm từ Phaidymie: “Đúng, thưa cha, kẻ ấy không phải là “nhà vua Smerdis hồi sinh”, mà chính danh hắn là tên phù thủy kiêm thầy tế Gaumata lắm mưu ma chước quỷ”.
Vị quan đại thần liền triệu ngay đến nhà mình đội ngũ thân cận đông đảo và hết sức tin cẩn, rồi mọi người cùng mạn đàm cho kế hoạch lật đổ kẻ mạo danh trơ trẽn đang nắm giữ quyền lực tối thượng kia…
“Tôi tha thiết đề nghị, rằng chúng ta không nên để mất thời gian – viên quan đại thần đứng dậy nói lời kết thúc – Xin mọi người hãy cân nhắc thật kỹ về những điều đã luận bàn, để đúng ba ngày sau chúng ta lại tập hợp tại đây, cùng đưa ra mốc thời gian ngày giờ cụ thể cho sự hành động thống nhất. Mọi người có nhất trí vậy không?”.
“Không, tôi cực lực phản đối bất cứ sự trì hoãn nào – hầu tước Dari, cháu nội nhà vua Arsames mà đức vua Cyrus Đại đế là người kế vị, liền lên tiếng – Nếu có chuyện tiến hành lật đổ kẻ tiếm quyền đầy mưu mô, tốt nhất là chúng ta nên tiến hành ngay đêm nay.
Tôi sẽ giải thích nguyên nhân, bởi nếu như Gaumata biết được kế hoạch của chúng ta, ắt cái chết sẽ đến ngay với mọi người, ngoại trừ kẻ phản bội nào đấy cùng hàng ngũ đã tố giác kế hoạch tuyệt mật này.
Tôi cảnh báo rằng nếu không hành động ngay đêm nay, không ai có thể ngăn cản được sự tiếp xúc của cá nhân tôi với tên phù thủy Gaumata đáng ghét ấy, bởi đơn giản tôi muốn sẽ là người đầu tiên thông báo kế hoạch phế truất cho hắn biết!”.
- Xem thêm: Tehran, ốc đảo sắc màu nhất xứ Ba Tư
Ngay lập tức trong đêm đó, những người lập mưu đã tiến vào cung vua qua một cái ngách nhỏ bí mật.
Họ chẳng khó khăn gì, khi lọt vào đoạn hành lang dẫn đến phòng ngủ của Gaumata nhờ sự chỉ dẫn của cung phi Phaidymie, nhưng bất thình lình đạo quân đánh úp vấp phải sự kháng cự của đội vệ binh hoàng triều được vũ trang tận răng…
Khi nghe thấy tiếng huyên náo bên ngoài, viên phù thủy đội lốt nhà vua đã nhanh chân bỏ chạy. Hầu tước Dari liền đuổi theo Gautama giữa màn đêm đen kịt…
Khi tiếp cận sát kẻ đội lốt, hầu tước Dari đã tuốt gươm chém mạnh vào bóng đen đằng trước, khiến cả người tên phù thủy ranh ma Gautama đổ gục xuống trong khoảnh khắc…
Kế đến, theo sử gia Herodotos thì các nhân vật thuộc hội đồng cơ mật tối cao, những người đại diện cho sáu dòng tộc danh giá có uy tín nhất xứ Ba Tư đã nhất trí tiến cử hầu tước Dari lên ngôi vua, lấy tước hiệu là Darius đệ nhất.
Đổi lại, mọi thành viên thuộc hội đồng cơ mật tối cao đều có quyền tới gặp thẳng nhà vua, mà không phải qua bất cứ “nấc trung gian” nào, cũng như nhà vua chỉ có quyền chọn hoàng hậu tương lai trong số các thiếu nữ thuộc các dòng tộc nêu trên. Thời điểm này là vào năm 522 Tr.CN, đức vua Darius đăng quang lúc mới ngoài 30 tuổi.
Trong 36 năm trị vì còn lại của đời mình (Darius đệ nhất thọ 72 tuổi), “Vua của các vì vua” hay “Lãnh chúa tối thượng của mọi vùng đất” Darius I đã tiến hành nhiều cải cách được lịch sử ghi nhận, nhất là trong các lĩnh vực đặc trưng cho việc duy trì một thể chế quốc gia tân tiến như hành chính (ông chia vương quốc Ba Tư ra thành nhiều vùng địa giới bảo đảm tính phân cấp quyền lực của nền dân chủ), tài chính (cho lưu hành duy nhất thứ đồng tiền vàng hiệu “Darika”, củng cố sự bền vững cho một thể thức thanh toán tiền tệ thống nhất), rồi quốc phòng, an ninh, thuế quan v.v…
Về mặt đối ngoại, tuy Darius đệ nhất vẫn tiếp tục duy trì đường lối bành trướng cố hữu, nhưng ông đã thất bại trong việc tiến đánh vùng Nam Âu, khiến binh lực hao tổn trong những chiến dịch kề cận bắc biển Đen.
Chính Darius I cũng là người khơi mào cuộc chiến “huynh đệ hương tàn” giữa Ba Tư và Hy Lạp kéo dài gần nửa thế kỷ (từ năm 500-449 Tr.CN), nhưng trong những cuộc đọ gươm đẫm máu tại vùng Marathon khoảng giữa năm 490 Tr.CN (miền đất nổi danh phát xuất sự kiện chạy marathon điền kinh sau này, căn cứ vào quãng đường chạy về kinh đô Athens báo tin chiến thắng quân Ba Tư hung tàn của một người lính Hy Lạp), đạo quân lê dương tinh nhuệ của Darius đệ nhất đã bị đánh cho tan tác, khiến lực lượng quân sự của nhà nước Ba Tư hùng hậu dần suy sụp…
- Xem thêm: Tranh “Mắt to” và vụ án mạo danh tác giả
Trên bia mộ của Darius I có khắc sâu những hàng chữ điểm lại thanh danh của người nằm bên dưới: “Chỉ cần suy xét tới một điều, rằng vô số các quốc gia và vùng lãnh thổ đã chịu quy phục Dari này, ắt sẽ hiểu được vị thế của bậc vương quyền từng ngự trị trên ngai vàng hàng chục năm ròng thật khiếp đảm biết bao.
Còn nếu như mục kích ngọn giáo của vì vua Darius đệ nhất dũng mãnh đã đi xa tới tận những đâu, hẳn sẽ biết rõ về mọi chiến tích vang dội của nhà cầm quân oanh liệt bên ngoài quê hương Ba Tư…”.
Còn về nguyên nhân suy tàn của nhà nước Ba Tư tập quyền đầu tiên, dĩ nhiên chẳng ai dại gì khắc lên bia đá; nhưng người ta không thể quên một điều – giống như những dòng chữ trên vách núi ở Behistun luôn được đặc biệt nhấn mạnh: “Chính Người, đức vua Darius I toàn năng, Người đã ra tay trừ khử tên phù thủy Guatama – kẻ mạo nhận trơ trẽn từng chễm chệ trên ngai vàng Ba Tư…”.