Họa sĩ Walter Keane đạt danh tiếng và thành công thương mại vang dội trong thập niên 1960. Tranh của ông đều thể hiện trẻ em với cặp mắt mở rất rộng, đượm nét u sầu, và bán rất chạy. Nhưng Walter Keane lại là kẻ lừa đảo, ký tên ông ta trên tranh của vợ, Margaret Keane.
Năm 1955, nữ họa sĩ Margaret Ulbrich (tên thật Peggy Doris Hawkins, sinh năm 1927), chia tay chồng là chuyên gia vật lý, cùng con gái, Jane, 5 tuổi, đến San Francisco, xây dựng lại cuộc sống và mong có thể mưu sinh bằng nghề vẽ.
Bà gặp Walter Keane, một nhân viên bất động sản, cầm cọ tiêu khiển vào những lúc rảnh. Hai người dần trở nên thân thiết và khi chồng cũ của Margaret toan tính giành quyền giữ con, Walter ngỏ ý họ nên kết hôn.
Trong tình huống ấy, lại thêm tình cảm dành sẵn cho Walter, Margaret nhận lời. Thời kỳ đầu của cuộc sống chung khá hạnh phúc. Margaret có thể sống với niềm đam mê vẽ tranh như bà hằng ao ước. Tranh của Margaret đặc sắc và rất riêng.
Bà vẽ những bé gái (được gợi ý từ con gái) với cặp mắt rất to, bất cân xứng với phần còn lại của cơ thể, những tranh “Big Eyes”. Walter ao ước tranh của vợ được trưng bày tại các phòng tranh uy tín.
Tối nọ, Walter đề nghị Enrico Banducci, chủ một hộp đêm chuyên trình diễn nhạc jazz, trưng bày tranh của ông ta và của vợ. Enrico chấp thuận, nhưng lại cho treo tranh ở một đoạn hành lang dẫn đến phòng vệ sinh của tòa nhà.
- Xem thêm: Chuyện ly kỳ về tranh “Mắt to”
Walter Keane tức giận ném tranh của vợ vào đầu Enrico Banducci. Sự cố gây xôn xao, được nhà báo Dick Nolan nhắc đến trong một bài báo, khiến những người hiếu kỳ kéo đến gallery để xem các tranh được triển lãm.
Walter nhận thấy công chúng rất quan tâm đến tranh của Margaret. Nhiều tranh của Margaret ký tên “Keane”, Walter lợi dụng tình thế, tự giới thiệu ông ta là tác giả của những tranh trên mà không nói cho vợ biết.
Bà ở nhà, suốt ngày cầm cọ, rất hạnh phúc. Niềm vui sống ấy vỡ tan khi Margaret phát hiện sự gian trá của chồng, và rất thất vọng.
Nhưng Walter khéo thuyết phục vợ không tiết lộ sự thật với ai. Margaret tiếp tục vẽ, chồng bán tranh dưới tên của ông ta. Margaret bị vướng vào một cái vòng lẩn quẩn, không thể thoát ra.
Những tranh “Big Eyes” được công chúng tìm mua, thậm chí những tranh sao chép được bày bán đầy rẫy trong siêu thị. Một gallery Keane được mở cửa.
Walter Keane trở nên nổi tiếng, trong khi nghệ sĩ thật buộc phải ở trong bóng tối. Margaret như sống trong địa ngục. Bà buộc phải nói dối con gái và mọi người. Bà không còn vẽ với niềm vui thú.
Để giữ bí mật, theo lệnh của Walter, không ai được vào xưởng vẽ của Margaret, (kể cả Jane) trừ ông ta. Lòng bà nặng trĩu vì phải ôm nặng bí mật xảo trá ấy. Rốt cuộc, Jane cũng phát hiện sự thật đáng sợ.
Khi Walter đe dọa hai mẹ con, Margaret và con gái bỏ trốn, đến sống ở Honolulu. Bà quyết định nói ra sự thật trên đài phát thanh địa phương, và tiến hành thủ tục ly dị với Walter Keane.
Nhưng đối mặt với sự khát khao lợi nhuận, tiếng tăm và sự hung bạo của Walter là điều không dễ dàng đối với Margaret. Ông ta phủ nhận toàn bộ câu chuyện của vợ. Rốt cuộc, vụ việc được đưa ra phán xử trước một tòa án liên bang vào năm 1964.
Trước tòa, Margaret đưa ra lời thách đố: Walter hãy chứng tỏ ông ta quả thật là tác giả những bức tranh, còn chính bà sẽ vẽ tranh trước quan tòa. Walter từ chối, nại cớ đau vai. Margaret vẽ một bức tranh chỉ trong vòng 53 phút.
Tính ra, các tranh do Margaret vẽ từ năm 1957 đến 1965 đều bị Walter Keane mạo quyền tác giả. Margaret thắng kiện, nhận 4 triệu USD bồi thường.
Sau khi chính thức ly hôn năm 1965, bà đến sống ở Hawai cùng với con gái. Năm 1970, bà tái hôn với nhà văn Dan McGuire.
Năm 1986, Margaret được phép ký tên chính bà trên các tác phẩm của bà. Còn người chồng cũ tiếp tục khẳng định ông ta là tác giả các bức tranh, cho đến lúc qua đời vào năm 2000.
Chuyện đời của cặp vợ chồng Keane được đạo diễn Tim Burton dựng thành phim Big Eyes, trình chiếu năm 2014, với các diễn viên chính Amy Adams và Christoph Waltz. Họa sĩ Margaret cũng có một vai nhỏ trong phim.
Bà xuất hiện trong một cảnh phim, thủ vai một phụ nữ cao tuổi, ngồi trên ghế dài, chú tâm đọc một quyển sách (Thánh kinh).