Nằm ở trung tâm vùng bán hoang mạc Pilbara, Karijini là rừng quốc gia lớn thứ hai ở Tây Úc. Ẩn mình sau dãy Hamersley, nơi đây được coi là một trong những khu vực bị cô lập nhất xứ sở chuột túi. Tuy nhiên, với khung cảnh thiên nhiên kỳ lạ và thế giới động vật đặc sắc, vườn quốc gia có diện tích gần gấp đôi TP. Hồ Chí Minh này trở thành một điểm đến phải chinh phục đối với nhiều du khách trên thế giới.
Những hẻm núi từ thời tiền sử
Từ thị trấn nhỏ Tom Price, xe chúng tôi đi qua những dặm đường khô cằn màu đỏ rực của hoang mạc để tiến vào Karijini. Càng đi, cảnh quan càng hoang vu và nắng nóng càng gay gắt. Vậy mà trên gương mặt hai nhà địa chất người Mỹ trong đoàn, vẻ hào hứng vẫn hiện rõ. Theo lời cặp vợ chồng – đồng nghiệp đó, Karijini chính là một trong các kỳ quan địa chất của nước Úc với những hẻm núi nhiều màu sắc chứa đá quý. Vùng núi non hơn 2 tỉ năm tuổi này hầu hết được tạo thành bởi loại đá cứng có niên đại từ thời tiền sử. Vào thời kỳ đó, sự sống trên trái đất chủ yếu chỉ có vi khuẩn và tảo. Các nhà khoa học tin rằng núi đá ở Karijini được cấu thành do sự kết hợp của tảo xanh và chất sắt có trong nước biển tạo ra một loại ôxit cứng không hòa tan được. Những ôxit này lắng đọng thành lớp và sau đó đông cứng lại như đá hiện hữu ngày nay. Thật khó hình dung ra rằng những tảng đá khổng lồ hay vách đá uốn lượn kỳ vĩ trước mắt lại được tạo ra từ loài tảo mỏng manh.
Tâm điểm của Karijini là dãy Hamersley đồ sộ cùng tám hẻm núi ấn tượng đâm sâu xuống lòng đất đến hơn 100 mét. Những hẻm núi giao nhau tạo ra những vực sâu thăm thẳm, làm lộ ra những vách núi màu đỏ rực. Dưới đáy vực là dòng nước lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời rồi róc rách chảy vào các hồ nước màu xanh ngọc. Nhìn từ xa, vách đá và cao nguyên có các đường vân nhiều màu được điểm xuyết bởi những mảng xanh của tràm, liễu, cây bụi. Tất cả vẽ lên bức tranh miền Viễn Tây nước Úc với vẻ đẹp dữ dội mà cuốn hút. Tại đây, ngoài những hòn đá được coi là có tuổi thọ lớn nhất trên thế giới, người ta cũng tìm được các tác phẩm nghệ thuật đá cổ xưa trong các hang động, một minh chứng cho bề dày lịch sử của văn hóa con người.
Cũng trên dãy Hamersley cách đây khoảng 60 năm, vua quặng mỏ Lang Hancock đã tình cờ khám phá ra vùng quặng lộ thiên với những tầng trầm tích màu đỏ đặc thù của ôxit sắt đã tồn tại hàng trăm triệu năm. Kể từ đó, chính quyền vùng Tây Úc luôn phải đau đầu trong việc cân bằng lợi ích giữa việc khai thác mỏ với việc bảo vệ môi sinh, di sản thiên nhiên và văn hóa người Aborigine – chủ nhân lâu đời của vùng đất này. Cũng may là họ làm khá tốt nên đến nay, rừng quốc gia vẫn còn nguyên vẹn và mỏ sắt cạnh đó vẫn mang lại sự thịnh vượng cho cả miền Tây Úc.
Trong vùng Pilbara, lương của một người lao động tay nghề bình thường là 2 đến 3 ngàn đôla Úc một tuần. Tuy nhiên giá sinh hoạt cũng rất đắt đỏ, tiền thuê nhà cao hơn ở các thành phố đến bốn, năm lần. Cộng thêm thời tiết khắc nghiệt và sự thiếu thốn các trung tâm giải trí nên Pilbara vẫn thu hút lao động nhập cư nhiều hơn là người Úc chính gốc.
Sức sống của hoang mạc
Để khám phá Karijini, du khách phải có ý chí và thể lực tương đối tốt. Việc leo trèo chinh phục những hẻm núi trơn trượt khá nguy hiểm nên đòi hỏi sự tập trung cao độ. Các hẻm núi ở đây được phân bố khá đều với khoảng cách vài chục cây số. Vì mỗi hẻm núi có một vẻ đẹp hùng vĩ riêng nên rất nhiều du khách cắm trại trong rừng quốc gia hằng tuần để khám phá cho hết. Tại mỗi hẻm đều có vài con đường từ đỉnh dọc theo vách đá đi xuống đáy vực sâu hai, ba trăm mét. Ở gần đáy vực, theo thời gian, bề mặt vách đá bị vỡ dọc theo khe nứt của các tầng trầm tích tạo thành những bậc thang thiên nhiên vừa đẹp mắt, vừa tiện đi lại.
Men theo những bậc đá, mọi người đi ngược dòng suối đến một hồ nước nhỏ trong vắt, được bao bọc bởi những vách đá thẳng đứng sừng sững. Nếu không có một nhóm du khách đến trước đang nằm tắm nắng bên bờ hồ, hay một số đang đùa giỡn dưới làn nước xanh biếc thì chúng tôi đã tưởng mình lọt vào cõi thần tiên nào đó trong lòng đất. Khuất sau vách vực uốn lượn là thác nước tung bọt trắng xóa. Ở hẻm núi Kalamina gần đó, khung cảnh còn đặc sắc hơn nhiều với hai vách núi hình hàm ếch chụm sát vào nhau tạo nên đường hầm ở chính giữa. Đi dưới đường hầm này một đoạn du khách sẽ đến chỗ hai vách núi hở ra một khúc. Đây cũng là nơi thác nước từ trên núi cao đổ xuống vực sâu qua kẽ hở của đá trông rất ngoạn mục. Trong không gian hoàn toàn im ắng, tiếng nước chảy róc rách trên đá nghe thật trong trẻo. Nhìn ra xa xa, tương phản với vách núi màu đỏ đến nhức mắt là bóng cây liễu rừng tha thướt, đây đó còn có những bụi lau sậy rung rinh trong gió. Giữa cái nắng chang chang, vài con chuồn chuồn ớt sặc sỡ ung dung bay lượn như nhắc nhở rằng vùng đất cổ xưa này không hề thiếu sự sống.
Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên hiếm có, thế giới động vật hoang dã ở Karijini cũng rất phong phú. Rừng có hơn một trăm loài chim, trong đó đặc sắc nhất là loài đại bàng đuôi nhọn và bồ câu mào dựng đứng, ngoài ra ở Karijini còn có hàng trăm loài lưỡng cư và bò sát như nhông, tắc kè, thằn lằn không chân và trăn. Du khách cũng đừng tưởng vùng đất khô cằn này thiếu các loài động vật có vú. Kangaroo đỏ, chó dingo, wallaby (loài chuột túi sống trên đá núi), nhím, dơi… từ nhiều thế kỷ nay vẫn có đời sống bầy đàn tất bật. Loài chuột núi cũng bận rộn không kém, suốt ngày chúng phải tha đá đắp hang và khu vực dưới các hẻm núi cũng là thế giới hang động chằng chịt của chúng.
Dù lượng mưa ít ỏi, Karijini vẫn sở hữu một thảm thực vật phong phú. Bạch đàn và tràm phổ biến nhất, có mặt ở khắp nơi. Thứ nhì là cây liễu rừng mọc trên đồi hoặc cao nguyên, còn sát mặt đất là những loài hoa dại nhiều màu sắc rực rỡ chen lẫn cùng với cỏ cầu gai và cỏ nhím. Đặc biệt trên các vách đá ẩm ướt, ngoài những loài dương xỉ đẹp mắt còn có rất nhiều cây sung bám chặt vào đá rất sai trái. Đây chính là nguồn trái cây yêu thích của lũ chim rừng. Sau khi ăn sung chán chê, chúng mang thải hạt trong khắp thung lũng và đôi khi hạt rơi sát mép nước. Vậy là thêm một tầng cây con nữa lại mọc lên dưới đáy vực và cứ thế năm qua năm, mảng xanh lại dày thêm.
Giữa không khí im ắng trong hoang mạc bỗng đâu có tiếng oang oác từ xa vọng đến. Thì ra một đàn hạc trắng đang thong thả bay qua hẻm núi. Nét thanh thoát của đàn hạc và vẻ hoang dã của Karijini quả là đã để lại trong chúng tôi một hình ảnh khó quên.
Trần Hào