Điều có thể làm cho bạn ngạc nhiên là các thanh thiếu niên thời cổ đại cũng không khác gì so với chúng ta. Họ đã từng đùa nghịch, biết yêu thương, và đã chiến đấu, chỉ là họ đã sống ở một thời điểm khác.
Vì thế, họ bị buộc phải kết hôn, đôi khi trở thành những nạn nhân bị tế thần… Dĩ nhiên, họ bị thiệt thòi so với chúng ta rất nhiều, và còn khá nhiều các chi tiết khác để kể lại.
Giáo dục là ưu tiên
Trong thế giới cổ đại, từ trẻ em cho đến thiếu niên đều cần được giáo dục. Theo ghi nhận của Đại học Michigan, những trẻ em Ai Cập thuộc gia đình giàu có đã nhận được nền giáo dục chính quy. Chúng được học đọc, học viết và toán học.
Ở Hy Lạp cổ, giáo dục còn được phổ biến hơn ở bậc sơ cấp, nhưng chỉ có những thiếu niên gia đình giàu có mới có được trình độ giáo dục bậc hai; ở bậc này, họ được học toán học, khoa học, và tâm lý học. Nếu bạn là nô lệ hoặc thuộc gia đình nghèo, bạn sẽ không nhận được ưu đãi vừa kể.
Luyện tập thể lực là việc nghiêm túc
Một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong việc nuôi dạy thiếu niên trong các nền văn hóa cổ là thể lực. Xã hội Hy Lạp đã áp dụng một số bài tập thể dục như điền kinh, nhảy xa, bơi lội, ném tạ, đấu vật và cử tạ.
Những hình thức thể dục này chuẩn bị tốt cho những công dân Hy Lạp khi cần được điều động trong chiến tranh nên đã trở thành bộ phận trung tâm của hệ thống giáo dục Hy Lạp.
Sau đó, người La Mã cũng lựa chọn ý tưởng sử dụng huấn luyện thể lực để chuẩn bị cho chiến tranh, và khi đế quốc phát triển, vấn đề giáo dục thể chất ngày càng trở nên quan trọng trong việc nuôi dạy thiếu niên La Mã.
Ngày nay, những nền tảng ban đầu do người Hy Lạp và La Mã gầy dựng thể hiện trên lãnh vực sống khỏe dựa trên các hoạt động thể thao và thi đấu thể lực vẫn còn đó, qua các bậc giáo dục tiểu học và trung học hiện đại.
Họ cũng thích nghịch ngợm
Có lẽ đa số những thú tiêu khiển của giới thiếu niên thời cổ đại (hoặc thậm chí của người cổ đại nói chung) là những thú vui đơn giản. Chẳng hạn như món ăn ngon, thức uống giải khát, hội họp, chơi thể thao hoặc đứng trong bê tông ướt để cười đùa.
Theo một cuộc khảo cổ năm 2015 tại pháo đài La Mã ở Vindolanda, Tyneside, những thiếu niên cổ đại cũng nghịch ngợm không kém.
- Xem thêm: Mạng xã hội và các cô gái tuổi teen
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một dấu bàn chân rõ rệt ở gần pháo đài. Một cuộc phân tích nhanh chóng cho thấy đó là dấu chân của một thiếu niên từ năm 160 đến năm 180 Công nguyên.
Một câu chuyện gian dối
Một số thiếu niên cũng ưa nghịch ngợm, nhưng đôi khi có xuất hiện ý đồ giảo hoạt. Một văn bản Hy Lạp có niên đại từ năm 267 Công nguyên, khi được dịch ra, đã cung cấp bằng chứng một vụ bán độ trong một trận đấu vật diễn ra tại Ai Cập.
Người ký hợp đồng là cha của một đấu vật thiếu niên tên Nicantinous. Ông này đồng ý trả khoản tiền hối lộ cho đối thủ của con trai ông tên Demetrius để cậu ta sẵn sàng chịu thua trong trận đấu.
Qua đó, nếu Demetrius “ngã ba lần và đầu hàng”, cậu ta sẽ nhận được “3.800 đồng drachma bạc”. Một drachma tương đương với một ngày lương của một người lao động có tay nghề ở Hy Lạp.
Đây là một khoản hối lộ không nhỏ và cuộc thi đấu có tên là Đại Antinoeia (Antinoeia: tên lễ hội do hoàng đế La Mã Hadrian thành lập), cũng không phải là nhỏ.
Những nghi thức đánh dấu tuổi vị thành niên
Những nghi thức đánh dấu tuổi vị thành niên đã tồn tại dưới một số hình thức trong nhiều nền văn hóa trong hàng ngàn năm qua.
Người ta đưa ra các nghi thức hoặc các bài kiểm tra bất thường để đánh dấu người thiếu niên bắt đầu trưởng thành. Một số nghi thức như vậy thậm chí còn tồn tại cho đến ngày nay.
Đại Bàng Đốm Trung Thành, một thổ dân ở Nam Dakota, đã giải thích trên Đài phát thanh NPR (National Public Radio) rằng ngày xưa, một cô gái sẽ được cách ly ngay lập tức trong trại sau khi xuất hiện kỳ hành kinh đầu tiên.
Sau đó, cô sẽ trải qua một nghi thức kéo dài trong bốn ngày, ở đó những phụ nữ sẽ dạy cô nấu nướng, chăm sóc gia đình và đối phó với những khó khăn trong cuộc sống.
Cuối cùng, nghi thức này đã mai một, nhưng nó đã được phục hồi vào những năm 1990 bởi Hội Những Phụ nữ dũng cảm.
Giống như nhiều nền văn minh có lịch sử lâu đời, trong văn hóa của người Mỹ bản địa có nhiều những nghi thức và tập tục tương tự, mỗi bộ lạc mỗi khác.
Họ buộc phải kết hôn
Những cuộc hôn nhân có sắp đặt đã diễn ra trong một số nền văn hóa trên thế giới, thậm chí cho đến ngày nay vẫn tồn tại, nhưng khuynh hướng này còn phổ biến hơn trong thế giới cổ đại. Trong vùng Lưỡng Hà cổ, hôn nhân là một doanh vụ hơn là mối quan hệ lãng mạn.
Cho ví dụ, trong tài liệu của nhà sử học Herodotus mô tả một cuộc đấu giá cô dâu, ở đó những phụ nữ trẻ vắng mặt được bán cho những người trả giá cao nhất trong số những người Babylon.
Giống như nhiều cuộc hôn nhân có sắp xếp, ở Lưỡng Hà, có một hợp đồng giữa cha cô gái với chàng rể tương lai. Không có gì ngạc nhiên, những cô gái thời cổ không được có tiếng nói trong vấn đề này.
Nếu có bất kỳ ai muốn phản đối lại cuộc gả bán, họ có thể bị trừng phạt đi kèm với sự khích lệ, tất cả những điều này đều đã được viết trong hợp đồng hôn nhân.
Trong thế giới cổ đại, đời sống của người trưởng thành được khởi đầu sớm, đặc biệt nếu họ là một thiếu nữ.
Tham gia quân đội
Trong khi các thiếu nữ đối diện với những cuộc hôn nhân được sắp đặt sẵn hoặc những cuộc đấu giá cô dâu thì các thiếu niên luôn luôn có dịch vụ quân sự để thi hành.
Quân đội La Mã là một trong những đội quân tàn bạo và kỷ luật nhất trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi có nhiều chàng trai muốn nhập ngũ. Tất cả, ngoại trừ những tầng lớp xã hội thấp nhất trong đế chế, đều có thể nhập ngũ.
- Xem thêm: Khi “teen” căng thẳng quá mức!
Theo Bách khoa toàn thư Lịch sử cổ đại, đa số những tân binh La Mã từ 18 tới 20 tuổi. Những người lính trẻ La Mã có thể mong đợi được trả lương xứng đáng, được điều động đi tới nửa vòng trái đất, và trong những năm về sau của đế chế, những người tòng quân được đóng quân tại một số những căn cứ quân sự khá sang trọng. Rome vẫn nổi tiếng về chế độ cưỡng bách nhập ngũ.
Đối diện với nguy cơ bị hiến tế
Trong một số nền văn minh cổ đại, chuyện hôn nhân bị cưỡng ép hoặc cưỡng bách tòng quân chưa hẳn đã là điều tệ nhất xảy ra đối với giới thiếu niên.
Họ còn có thể trở thành vật tế thần nữa. Theo Bách khoa toàn thư Macmillan về cái chết, hủ tục tế sống người đã từng tồn tại trong một số nền văn hóa trên khắp thế giới kể từ thời tiền sử.
Trẻ em và thiếu niên là những nạn nhân tế thần phổ biến trên bàn thờ. Ở Gezer, ngày nay là một phần của Israel, những nhà khảo cổ đã phát hiện những bộ xương bị đốt cháy của các trẻ em lên 6 tuổi và xương sọ của hai thiếu niên, những xương này bị cưa làm hai.
Gần đó, tại Meggido, người ta tìm thấy di hài của một thiếu nữ 15 tuổi. Những cuộc khai quật khác cho thấy có nhiều thiếu niên hiến tế đã bị chôn sống.
Một số chưa bao giờ đến tuổi vị thành niên
Dĩ nhiên, so với thực tế bi đát của những thiếu niên thời cổ đại, bạn có may mắn được sở hữu tất cả những gì trước kia họ không thể có được.
Tỷ lệ tử vong nơi trẻ em trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đang có khuynh hướng giảm xuống, và ở phương Tây ngày nay, người ta may mắn được sống trong một thế giới mà đa số trẻ em đều sống cho tới tuổi trưởng thành, tuy rằng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Nikki Brabaw ở bang Michigan viết rằng, vào thời Ai Cập cổ đại, nơi tuổi thọ được tính từ 30 đến 40 tuổi, cứ 10 phụ nữ thì có 1 người sẽ chết trong khi lao động.
Hơn nữa, tỷ lệ tử vong của trẻ em cao đến mức nhiều người vẫn không được đặt tên cho đến khi họ lớn lên và trải qua giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc đời của họ.
Nhiều ngôi mộ cổ Ai Cập được đánh dấu bằng chữ “Orisis” (tên của thần chết), một cái tên chung chung, trong sự kính trọng thần thánh của thế giới cõi âm, đối với những đứa trẻ chưa bao giờ được trở thành những thiếu niên.