“Có lẽ bây giờ thanh niên không lấy được vợ nữa. Đám con gái bây giờ tiêu tiền của cha mẹ ghê quá, và chẳng biết làm gì cả. Vậy thì lấy họ về làm gì?” – một chàng trai thốt ra những câu đầy bất mãn như vậy.
Người vợ trong gia đình mà không biết kiếm tiền, chỉ giỏi tiêu xài. Mà nếu cô ấy đã như vậy thì làm gì biết chăm sóc chồng con?
Bà mẹ là người mong mỏi con trai lấy vợ, nghe con nói như thế càng thêm lo. “Sao các cô gái bây giờ được khen giỏi giang lắm mà?”.
Nghe bà mẹ hỏi vậy, anh con trai trả lời ngay: “Giỏi lắm! Cô nào cũng lao đi học Anh văn, vi tính, cô nào cũng tìm cách sành điệu, tự tin và cá tính. Thích du lịch, nghe nhạc, ghét vào bếp và đừng có ai nhắc tới hai từ lạc hậu: hy sinh!”.
Chẳng cần hy sinh mà vẫn có hạnh phúc, được không? Lấy chồng lấy vợ là để tìm một người đem lại hạnh phúc cho ta, ai chẳng nghĩ thế.
Chẳng ai nghĩ rằng ta sẽ cố gắng đem lại hạnh phúc cho người kia. Còn nhớ câu chuyện mười ông cụ mười chai rượu. Rủ nhau mỗi người đem một chai rượu góp chung vào để uống.
Một cụ nghĩ: chín người kia mang rượu là đủ, ta đem nước lã đến cũng chẳng ai biết. Nào ngờ, chín cụ kia cũng nghĩ vậy. Kết quả là cả mười cụ vừa rót nước lã uống, trong bụng rủa thầm nhưng miệng phải khen: “Chà, rượu ngon quá!”.
Hai vợ chồng đến với nhau cùng tính toán để hưởng thứ người kia đem đến, còn mình có góp gì vào không thì không cần nghĩ. Thế là cả hai đều không góp gì, chỉ đòi hỏi ở người kia.
Điều này còn tệ hơn mười ông cụ trong câu chuyện kia, vì các cụ ấy biết lỗi, ngậm cay đắng để khen ngon. Còn vợ chồng “không ai góp gì” thì đổ tội cho nhau, ăn ở lục đục và lãnh đủ hậu quả.
Một chuyên gia tâm lý, bác sĩ Harold Shryock cho rằng trước khi lấy vợ chọn chồng nên đặt ra một số câu hỏi. Có một câu hỏi gây tranh cãi, đó là: “Người ấy có khuynh hướng bảo thủ về đạo đức, chính trị, tài chính không?”.
Người thì cứ tưởng đó là câu hỏi phê phán để tránh, nhưng nhiều người hiểu rằng đó chính là “ưu điểm” trong một chừng mực nào đó ở khía cạnh gia đình.
Bởi người hơi “bảo thủ” một chút, đôi khi lại có thể bàn cãi những vấn đề gay cấn một cách hòa hoãn và có thể hợp tác dễ dàng với người khác, êm thấm với người trên. Bây giờ có nhiều gia đình “đổi mới, hiện đại cực đoan” quá.
- Xem thêm: Người đẹp khó lấy chồng?
Trong các cuộc thảo luận có nhiều ông bà đầy hàm học vị, tiếng Anh như gió, hễ cất lời là uyên bác trích dẫn Tây Tàu rất ghê nhưng thực ra chỉ là thùng rỗng kêu to, vậy mà cứ hãnh diện là mình đổi mới, không bảo thủ.
Chẳng hạn, trong bữa tiệc xuân, một cô tiến sĩ bênh vực chuyện ngoại tình, “tôn trọng riêng tư” tới mức chồng (vợ) có hẹn hò yêu đương, tải ảnh sex là “cứ mặc kệ họ, có vấn đề gì đâu!”.
Một bà nghe vậy đã đứng dậy nói ngay: “Ủa, sao nghe lạ, vợ chồng là “ruột thịt” như lời Chúa nói, vậy mà bây giờ họ có quyền tự do muốn yêu ai thì yêu, hẹn ai thì hẹn sao?”.
Những người còn lại dù không nói ra, nhưng có vẻ cho rằng bà “nhà quê” phản ứng vậy là cổ lỗ quá. Bây giờ internet là một phương tiện kỹ thuật, làm thay đổi cái cách mà con người không chung thủy thôi.
Có hitech làm cho việc ngoại tình trở nên dễ chịu và hiển nhiên hơn. Con người đã xa rời nhau trong đời thực nhiều quá nên mới sống ảo vậy!
Sự thật mà bà “nhà quê” phản ứng trong bữa tiệc bạn bè ấy chẳng khác nào đứa bé nhận xét về “bộ quần áo mới” của nhà vua, cứ hét toáng lên “vua ở truồng” trong câu chuyện xưa. Hãy chọn người bảo thủ một chút – có lời khuyên hơi ngược đời như vậy.
Người hơi bảo thủ ấy biết tôn trọng bà con họ hàng, giữ lễ nghĩa, chứ không như các cô các cậu hiện đại, luôn biến mất khi trong họ hàng có đám ma đám cưới đám giỗ, chỉ với lý do đơn giản là “riêng việc phải chào hỏi cả một lô người lạ đã hết cả vui thú”.
- Xem thêm: Chọn chồng, không học theo bà Tú
Người “bảo thủ một chút” còn tin ở tâm linh, thờ cúng, biết sợ làm điều dữ…, còn những người gọi là đổi mới hiện đại lại rất cực đoan. Một cô gái lớn tiếng với mẹ cô khi bà mẹ đem chén thuốc lên cho uống vì thấy cô đang vẽ đồ án tốt nghiệp, thức đêm gầy còm.
Cô không thèm uống cái thứ “đen xì vớ vẩn thấy mà ghê” ấy. Cô tân tiến sắp thành cử nhân với bao hiểu biết, còn mẹ cô thì ở nhà “lo vớ lo vẩn tin vào thứ thuốc thầy lang”. Chắc có người không đồng ý: “Phải tân tiến chứ sao lại chọn người “bảo thủ”. Trái nguyên tắc!”.
Thôi thì cứ cãi nhau đi. Nhưng người có tâm hồn, tình cảm, không nỡ phũ phàng. Cái “không nỡ” này là cội nguồn của đạo đức, chứ không phải cái thông thái, sắc sảo, quyết liệt…