Mỗi năm, chỉ tính riêng tại Ấn Độ, đã có khoảng 50.000 người chết vì bị rắn độc cắn. Để cứu các nạn nhân bị rắn độc cắn, chúng ta cần huyết thanh chiết xuất từ nọc rắn.
Ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ có một bộ tộc vẫn giữ truyền thống săn tìm và lấy nọc rắn độc từ tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ của bộ tộc ấy vẫn duy trì sinh kế này. Họ cũng có thể sẽ là thế hệ cuối cùng làm công việc săn nọc rắn độc hoang dã.
1,5 triệu lọ ASV/năm
Bộ tộc nổi tiếng giàu kiến thức tương tác với rắn độc từ thời cổ xưa này là bộ tộc Irula. Họ chủ yếu sinh sống ở vùng núi Nilgiri, Ấn Độ, có số dân ước tính vào khoảng 25.000 người.
Vào một ngày nắng nóng, Yasaswini Sampathkumar, phóng viên du lịch của BBC đã đến Vadanemmeli, ngôi làng nhỏ ven biển vùng ngoại ô Chennai, đông bắc bang Tamil Nadu, để gặp Rajendran, một thành viên của bộ tộc Irula đang sống và săn tìm rắn độc mỗi ngày.
Mặt trời gay gắt chiếu ánh nắng chói chang, khiến mặt nước vịnh Bengal như phát quang lấp lánh. Rajendran thân thiện kể về truyền thống săn rắn của bộ tộc. Irula vốn được biết đến như là bộ tộc gần gũi với rắn độc hơn bất cứ bộ tộc nào khác.
Tổ tiên họ cũng cẩn trọng truyền lại cả kỹ năng lẫn hiểu biết về một trong những loài đáng sợ nhất trên trái đất – rắn.
“Nhiều người sợ rắn, nhưng xin hãy nhớ là con rắn cũng chỉ vì sống chết mà thôi”, Rajendran phân tích. “Nếu bạn không làm gì khiến nó cảm thấy nguy hiểm, nó cũng không động đến bạn”.
Là quốc gia có thổ nhưỡng thích hợp cho sự phát triển của loài bò sát, Ấn Độ có rất nhiều rắn độc. Mỗi năm, có tới gần 50.000 ca tử vong vì bị rắn độc cắn.
Để đối phó với tình trạng này, Ấn Độ có đến sáu công ty chuyên sản xuất chất kháng nọc độc rắn (anti-snake venom – ASV).
Hằng năm, sáu công ty dược phẩm này tung ra thị trường khoảng 1,5 triệu lọ ASV. Phần lớn đều làm từ nọc rắn được cung cấp bởi bộ tộc Irula.
Lạ là dù đóng góp vai trò không thể thiếu như thế cho ngành dược phẩm, những người chuyên săn rắn độc lấy nọc lại rất bị coi thường.
Thả rắn đi sau khi lấy nọc độc
Hiện tại, chỉ còn khoảng 190 người Irula vẫn tiếp tục nghề săn rắn độc lấy nọc rắn. Kể từ năm 1978, khi Hợp tác xã Kỹ nghệ Bắt rắn Irula (Irula Snake Catchers Industrial Co-Operative Society) ra đời ở Vadanemmeli, hầu hết rắn độc được săn ngoài tự nhiên đều tụ họp về đây để lấy nọc độc.
- Xem thêm: Những nghề nghiệp kỳ quặc nhất
Trong một cái bể được xây bằng gạch và trải cát, người ta để các lu giữ rắn độc. “Giờ chúng tôi không nhốt nhiều rắn tại đây nữa”, Rajendran nói, chỉ tay vào các chồng lu rỗng xếp gọn gàng bên ngoài.
Họ thường nhốt hai con rắn trong một lu, đậy miệng lu bằng vải để rắn vẫn thở bình thường. Hợp tác xã này cũng có giấy phép giữ khoảng 800 con rắn một lúc.
“Chúng tôi giữ một con rắn trong vòng 21 ngày và rút nọc độc bốn lần, sau đấy lại trả chúng về với hoang dã”.
Những con rắn đã bị rút nọc độc cũng được đánh dấu trên vảy ở bụng để không bị bắt tiếp. “Dấu hiệu này sẽ biến mất sau vài lần con rắn ấy lột xác”, Rajendran cho biết.
Quan sát Rajendran đối mặt với rắn hổ mang, một loại rắn cực độc, mới thấy chuyện ấy… đơn giản vô cùng. Ông chỉ mặc độc chiếc áo mỏng, cầm một thanh sắt dài có móc trơn để dẫn dụ con rắn vào lại lu đất sét.
Từ hồi chưa tới 10 tuổi, Rajendran đã thấy hàng trăm con rắn độc bị tóm một cách hết sức êm nhẹ. Tuy nhiên, nếu bảo Rajendran chỉ lại kỹ năng độc đáo ấy cho người khác, ông cũng không biết phải làm như thế nào.
Với những thành viên bộ tộc Irula hành nghề săn rắn độc, kỹ thuật bắt rắn giống như một bản năng. Họ biết rõ phải tiến hành ra sao, nhưng lại không biết làm sao để chỉ dẫn tất tần tật cho người khác, cả kể với các nhà nghiên cứu bò sát.
Bị phân biệt đối xử
Tại sao bộ tộc Irula lại chọn lối sống thân thiện với rắn độc thay vì sợ hãi chúng, chính họ cũng không còn nhớ. Chỉ biết, từ thời rất xa xưa, tổ tiên của họ đã thờ nữ thần đồng trinh Kanniamma.
Vị nữ thần này gắn liền với rắn hổ mang. Ngày nay, bộ tộc Irula vẫn thờ phụng nữ thần Kanniamma và thực hiện một số nghi thức giống như bị thôi miên và rít lên tựa rắn hổ mang.
Trớ trêu ở chỗ vì cuộc sống khốn khó mà các thợ may địa phương lại trả những 10-50 rupee (tiền Ấn Độ) cho một bộ da rắn; một số thành viên của tộc Irula từng chuyển sang săn rắn lấy da kiếm ăn.
Tuy nhiên, để tỏ lòng thành kính nữ thần Kanniamma, họ tuyệt đối không ăn thịt rắn. Các thợ may sẽ thuộc da rắn rồi bán sang châu Âu và Mỹ.
Nhưng vào năm 1972, Đạo luật Bảo vệ Động vật Hoang dã của Ấn Độ đặt ra quy định cấm bắt giết một số động vật, trong đó có cả rắn.
“Sau khi đạo luật này có hiệu lực, Irula đã rơi vào khủng hoảng”, Romulus Whitaker, một nhà bảo tồn, cho hay. “Dù số tiền bán da rắn chẳng đáng là bao, nó vẫn là thu nhập chính của nhiều gia đình Irula nghèo”.
Hợp tác xã Kỹ nghệ Bắt rắn Irula đã giải thoát cho những gia đình Irula nghèo hành nghề bắt rắn ấy. Khổ nỗi, quan chức địa phương lại xem họ như những kẻ săn trộm, còn các cộng đồng khác thì ngờ vực, thành kiến.
“Khi đi vào làng, chúng tôi bị gọi bằng những cái tên xúc phạm”, Susila, một phụ nữ Irula bộc bạch. “Chúng tôi không chỉ bị xem nhẹ mà còn thường bị lừa gạt khi vay mượn nữa”. Vì nhiều người Irula không biết chữ nên họ dễ bị lừa đảo ký giao dịch bất công.
Biểu diễn kỹ nghệ giữa xứ người
Dù thế nào, kỹ nghệ bắt rắn của tộc Irula vẫn là có một không hai. Họ nhận được lời mời từ Ủy ban Bảo vệ Động vật Hoang dã và Cá của Florida (Mỹ).
Bộ tộc bèn cử hai thành viên, Masi và Vadivel, lên phi cơ, bay hết nửa vòng trái đất để đến và biểu diễn kỹ năng tại Vườn quốc gia Everglades của Florida.
Trong vườn quốc gia này, những con trăn mốc đang hoành hành. Chúng phát triển nhanh khủng khiếp, gây đe dọa lên sự sinh tồn của quần thể động vật có vú quý hiếm sắp tuyệt chủng đang được bảo tồn.
Chỉ sau hai tháng và 60 lần “ra quân”, Masi và Vadivel đã tóm được 34 con trăn mốc. “Họ chính xác là lựa chọn tuyệt vời nhất”, Joe Wasilewski, một chuyên gia về động vật hoang dã của Đại học Florida hớn hở.
Tiếc rằng những người như Masi, Vadivel và Rajendran cũng có thể là thế hệ người Irula săn bắt rắn cuối cùng. Hiện tượng đô thị hóa đang ngày một mở rộng, lấn cả vào đời sống của bộ tộc vùng xa.
Khu vực khai thác nọc rắn độc tự nhiên của Vadanemmeli hiện giờ cũng có khả năng sẽ sớm bị san bằng, biến đổi thành khu nghỉ dưỡng cao cấp nhìn ra vịnh Bengal đẹp như tiên cảnh.
Thêm vào đó, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo ASV nên được chế tạo từ nọc rắn độc bị nuôi nhốt toàn thời gian. Không còn nguồn “cầu”, nguồn “cung” Irula chắc chắn sẽ tự đứt.
Các phụ huynh Irula hiện nay cũng không muốn để con cái tiếp quản kỹ năng bắt rắn, mà muốn chúng ăn học thành tài để có công ăn việc làm và sự đối xử bình đẳng trong tương lai.
Hầu hết trẻ em Irula bởi thế mà được ngồi trên ghế nhà trường thay vì phải theo cha mẹ vào rừng. “Nhiều đứa trẻ Irula bây giờ còn sợ chết khiếp khi nhìn thấy rắn nữa kìa”, Whitaker nói.
Nhưng không thể phủ nhận thế hệ của Masi, Vadivel, Rajendran… đã được nuôi sống bởi chính những con rắn và kỹ năng mà tổ tiên Irula truyền thụ.
“Chính rắn đã giúp đỡ chúng tôi vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng chúng tôi lúc giáp hạt”, Susila mỉm cười. “Nên những gì chúng tôi học được từ cha ông cũng sẽ không biến mất cùng với chúng tôi”.
Điều này có lẽ không sai. Một truyền thống có thể sống cả trong ký ức hay câu chuyện, chứ đâu nhất thiết phải được thực hành.