Con người tha hồ hoạt động ban ngày, nhưng khi nằm xuống ngủ vào ban đêm, không ai biết chắc mình có thể tỉnh dậy ngày hôm sau.
Giấc ngủ và những giấc mơ đối với con người là điều bí hiểm hàng đầu và khi khoa học bắt đầu mò mẫm vào lĩnh vực này, nó thu hoạch được một số thành tựu rất khiêm tốn, trái ngược với những lĩnh vực khác.
Giấc mơ kỳ dị và quan trọng đối với chúng ta đến mức cần phải kể lại cho người khác nghe rõ ràng từng chi tiết.
Nhưng nếu bạn hiểu được điều gì xảy ra trong bộ não khi mình nằm mơ, nó sẽ trở nên hợp lý hơn ngay tức khắc và làm cho cuộc trò chuyện trở nên hấp dẫn hơn là kể lại những cuộc phiêu lưu của trí tuệ trong đêm một cách đơn giản. Bạn bè cũng sẽ mang ơn bạn.
Giấc mơ quan trọng hơn bạn nghĩ rất nhiều và có vẻ như chúng ta càng ngày càng ít quan tâm đến nó. Nhưng trước mắt, hãy chú ý đến những câu hỏi thường gặp về những ảo giác trong đêm, còn gọi là giấc mơ.
1. Tại sao những giấc mơ đều kỳ lạ?
Giấc mơ không phải rối rắm và kỳ quái một cách vô cớ. Ký ức những sự kiện đã qua – còn gọi là ký ức phụ – được tích trữ trong phần bộ não có tên gọi là hippocampe.
Thế mà trong giấc ngủ nghịch, những tín hiệu đến từ hippocampe bị chặn lại. Nói khác đi, chúng ta không tiếp cận được ký ức chính xác của sự việc đã xảy ra trong quá khứ khi nằm mơ.
Trái lại, chúng ta luôn luôn tiếp cận ký ức tổng quát về con người và sự việc, và nó đã tạo ra cái khung sườn của giấc mơ. Cùng lúc đó, các vùng của bộ não tạo ra xúc cảm lại hoạt động, tạo ra những kịch bản ký ức đan xen với rất nhiều cảm xúc.
Chẳng hạn tôi mơ thấy căn nhà trong đó mình đã lớn lên bị ngập nước. Tôi phải bay qua cửa sổ để thoát thân, nhưng tôi lại quên cách bay. Cảm giác rất mãnh liệt: sợ hãi và lo lắng vì nước đang dâng lên trong khi mình không thể bay lên được.
Một vùng khác của bộ não là cortex prefrontal dorsolatéral phụ trách lý luận và quyết định cũng bị phong tỏa. Trong giấc mơ, tôi không hề tự hỏi: tại sao nước lên quá nhanh, tại sao tôi trở lại căn nhà mình đã lớn lên, và tại sao muốn thoát thân bằng cách bay?
Hoạt động của bộ não trong lúc ngủ và thức không giống nhau giải thích vì sao chúng ta có cảm giác không làm chủ được giấc mơ, chỉ là người quan sát hay chứng kiến và tại sao, khi sự việc kỳ lạ xảy đến, chúng ta không hề kinh ngạc cho đến khi tỉnh giấc. Trong các giấc mơ bị ngập lụt, cuối cùng tôi vẫn thường thở trong nước như một điều hết sức bình thường, tự nhiên.
2. Chúng ta chỉ nằm mơ trong giấc ngủ nghịch?
Khởi đầu nghiên cứu chính thức về giấc mơ là năm 1953, khi Eugene Aserinsky và Nathaniel Kleitman thuộc Đại học Chicago tuyển mộ những người tình nguyện đến gắn điện cực để đo sóng não và đánh thức họ dậy trong nhiều giai đoạn của giấc ngủ.
Suốt nhiều thế kỷ trước đó, các nhà nghiên cứu chỉ tưởng tượng để lý giải hiện tượng mà không có chứng minh khoa học nào.
Khi đó, họ phát hiện ra giấc ngủ nghịch mà tiếng Anh gọi là “rapid eye movement” (chuyển động nhanh của mắt – REM) bởi vì cặp mắt chuyển động nhanh bên dưới mi, tương ứng với lúc người ta mơ.
Những thí nghiệm mới đây (được công bố trên tạp chí Nature Neurosience năm 2017) cho thấy chúng ta mơ trong mọi giai đoạn của giấc ngủ và không chỉ trong giấc ngủ nghịch, nhưng lại quên đi hầu hết.
- Xem thêm: 7 lầm tưởng về giấc ngủ
Theo quy luật chung, mơ trong giấc ngủ sâu ít có sự can thiệp của xúc cảm, là không đáng nhớ, dựa trên những sự việc đơn giản khiến người ta dễ quên đi.
Trong giấc ngủ nghịch, giấc mơ thường xảy ra với những điều kỳ quái liên tục tới tấp, bất chấp quy luật vật lý, kinh hoàng, đáng sợ, rối rắm. Nếu giấc ngủ nghịch bị rút ngắn, những kinh nghiệm này biến mất.
Nhiều người thắc mắc: phải chăng trong giấc ngủ nghịch, mắt chúng ta di động là để “nhìn” những hình ảnh trong giấc mơ? Nhiều yếu tố cho thấy: đúng là như vậy (một bài viết đăng trên tạp chí Nature Communication vào năm 2015).
3. Tại sao ta khó nhớ được giấc mơ?
Một số người nói mình chẳng bao giờ nằm mơ, nhưng họ đã lầm. Chúng ta biết được điều này nhờ vào thí nghiệm đánh thức người ngủ ở nhiều giai đoạn trong đêm.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of Sleep Research, năm 2015. Ai cũng mơ, nhưng ai cũng không nhớ! Có lẽ do hoạt động của bộ não.
Với người còn nhớ được giấc mơ, hoạt động của vùng não phụ trách tạo ra hình ảnh và tích trữ ký ức mạnh hơn người không nhớ gì trong lúc ngủ cũng như thức.
Cũng là do thói quen. Giáo sư Robert Stickgold, khoa Y học về Giấc ngủ của Đại học Havard, giải thích: “Trong giấc ngủ nghịch, chúng ta tự tạo cho mình những kỷ niệm mới. Nếu ta thức giấc trong lúc mơ hay ngay sau đó, chúng ta có thể giữ được chúng trước khi biến mất. Nói khác đi, có thể kéo dài thời gian lưu trữ. Nếu bạn thức giấc lúc nửa đêm, dĩ nhiên bạn giữ được những mảnh vụn của giấc mơ mà mình đã trải qua. Trái lại, nếu bạn bị chiếc đồng hồ đánh thức dậy và giấc ngủ nghịch bị cắt ngang, bạn có nguy cơ chẳng nhớ gì cả. Dù bạn đang mơ và không ở trong giai đoạn ngủ sâu (không nằm mơ) sự viêc chuyển bất ngờ từ ngủ và mơ sang thức, và tắt chiếc đồng hồ đã làm hại ký ức.
4. Giấc mơ dùng để làm gì?
Giả thuyết cho đề tài này có rất nhiều. Một trong số đó là giấc mơ có vai trò trong tiến hóa nhằm báo trước điều sẽ xảy ra để chuẩn bị những kịch bản sống sót.
Điều này giải thích tại sao có nhiều người nói thường nằm mơ bị mắc bẫy hay bị tấn công lúc đi săn. Ít nhất giấc mơ cũng có thể làm dịu đi hậu quả của một cú sốc tình cảm.
Mặt khác, nhiều người nói giấc mơ kích thích khả năng sáng tạo của mình như Paul McCartney, một trong các thành viên của ban nhạc The Beatles mơ giai điệu của bản nhạc Yesterday và khi thức dậy, ông phải thêm lời vào để khỏi quên dòng nhạc).
Dimitri Mendeleiev thiết lập được bảng tuần hoàn các nguyên tố nhờ vào một giấc mơ. Một kinh nghiệm nữa, được công bố trên tạp chí PNAS năm 2009, kể rằng: sau một giấc ngủ nghịch, những người tham gia trắc nghiệm khả năng sáng tạo được điểm cao hơn.
5. Giấc mơ có nghĩa nào đó không?
Cha đẻ của phân tâm học Sygmund Freud tuyên bố: “Giải thích giấc mơ là con đường tốt nhất dẫn đến hiểu biết vô thức trong cuộc sống tâm lý. Ông xem vô thức chiếm hữu các ý tưởng “lệch lạc” và giấc mơ là một phương tiện tốt nhất, trên hết để lấp đầy những thèm khát của nó. Dù cho giả thuyết này ngày nay không còn giá trị nữa với cộng đồng khoa học, một ý nghĩa chắc chắn của giấc mơ vẫn là khả dĩ.
Nội dung của giấc mơ và màu sắc cảm xúc dĩ nhiên cho thấy điều mà bộ não xem là quan trọng. Những nghiên cứu đăng trên tạp chí Science cho thấy nếu bạn chơi bài Tetris suốt ngày, bộ não sẽ cho nó là cái bạn phải nằm mơ.
Nếu bạn đang lo lắng, bộ não có thể đề nghị một giấc mơ trong đó xúc cảm lớn nhất là lo lắng. Nhiều nghiên cứu về chiếc đồng hồ báo thức và nội dung của giấc mơ đã lập được mối quan hệ giữa các sự kiện trong một ngày với nó, dù rằng nhiều hình ảnh chắp vá không có liên can cũng chen vào giấc mơ.
Giáo sư Mark Blagrove, thuộc Đại học Swansea của Anh, giải thích: “Phân tích và giải thích các giấc mơ có tác dụng chữa trị bệnh, hay giúp biết rõ hơn, dù rằng một số người nói: cách diễn giải này không hiệu quả hơn bói toán hay một giấc mơ bị đánh thức.
Ông tiến hành những thí nghiệm để xác định xem giấc mơ có mang đến những thông tin cá nhân quan trọng hay không. Nhưng dù có như thế, cũng không chứng minh được giấc mơ là để làm điều này. Nếu tiến hóa tạo ra giấc mơ để chuyển tải một thông tin nào đó về chính chúng ta thì cũng làm cho nó trở nên dễ nhớ hơn.
6. Đàn ông và đàn bà mơ có giống nhau không?
Một số phân tích cho thấy phụ nữ mơ về đàn ông nhiều hơn phụ nữ, cùng giới tính giống mình và đàn ông mơ về đàn ông nhiều hơn.
Michel Schredl, thuộc Viện Sức khỏe tinh thần Mannheim của Đức, phân tích rất nhiều giấc mơ và cho biết: “Đàn ông thường mơ đánh nhau với đàn ông. Phụ nữ mơ về những giao hảo thân thiện”.
Cách nay mấy năm, Christina Wong và đồng nghiệp tại Đại học Ottawa, Canada, đã lập ra một phần mềm để phân biệt giấc mơ của đàn ông với giấc mơ của phụ nữ.
Nó có thể tiên đoán chính xác đến 75% giới tính của người nằm mơ. Có vẻ như đàn ông và phụ nữ mơ khác nhau. Vấn đề còn chưa rõ là tại sao.
30 tỉ doanh thu về giấc ngủ trên thế giới
Theo ước tính của Văn phòng tư vấn McKinsey, năm 2017 doanh thu khai thác giấc ngủ trên toàn cầu đạt con số 30 tỉ USD! Đó là ước tính tối thiểu.
Công nghiệp này tính từ chăn gối, giường nệm cho đến các công ty đo đạc tiếng ồn trong đêm qua thuốc ngủ và các loại kỹ thuật xử lý giấc ngủ. Cộng chung có thể lên đến 40 tỉ USD!
Theo nhật báo The Guardian của Anh: “Tăng trưởng bình quân hằng năm 8% trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Tuy nhiên một số dấu hiệu cho thấy con số này đang chững lại”.
Bạn có bị mất ngủ không?
Đó là dòng tít lớn in trên trang bìa của tạp chí New Scientist số ra ngày 24-3-2018; bên trong có đoạn viết: “Không chỉ cần phải biết bạn ngủ trong bao lâu, mà còn phải biết bạn đã làm gì trong lúc đó nữa!”.
Tạp chí khoa học lừng danh này dành cả một chuyên đề nói về giấc ngủ nghịch, trong đó người ta mơ nhiều nhất và còn nhấn mạnh: “Giấc mơ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình sáng tạo, ký ức, học hỏi và cả sức khỏe tinh thần. Thế nhưng cuộc sống hiện tại đã áp bức nó, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”.
Bài báo kể ra những khó khăn để củng cố trí nhớ và học học hỏi những điều mới mẻ. Giáo sư Sara Mednick thuộc Đại học California còn lưu ý: “Chúng ta phải xem giai đoạn này của giấc ngủ như một lực sĩ chăm sóc chế độ ăn uống và tập luyện của mình. Nhưng hiện nay xã hội vẫn còn chưa chấp nhận”.