Chỉ trong vòng bốn năm, số lượng phòng Airbnb ở Việt Nam đã tăng gấp 40 lần: từ 1.000 phòng năm 2015 lên đến 40.804 phòng đầu năm 2019.
Đó là số liệu được Airbnb Việt Nam (đơn vị chuyên hỗ trợ cho thuê và đặt phòng) công bố trong sự kiện Outbox Talks được tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh (trực thuộc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức ngày 22-6 vừa qua.
Airbnb Việt Nam cũng cho biết doanh thu bình quân mùa cao điểm của chủ nhà ở TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 11,5 triệu đồng/tháng, thấp điểm đạt khoảng 8,3 triệu đồng/tháng.
Tốc độ tăng trưởng số lượng dịch vụ cho thuê hằng năm trên Airbnb tại TP. Hồ Chí Minh là 97%, ở Hà Nội là 112%, Đà Nẵng là 111%.
Với mô hình chia sẻ phòng, chủ nhà (host) trên Airbnb có thể tận dụng lợi thế của nền tảng theo nhiều hình thức khác nhau như cho thuê toàn bộ ngôi nhà (entire home), cho thuê một số phòng riêng (private room), phòng ở ghép từ hai khách trở lên một phòng.
Theo đại diện Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox (Outbox Consulting), một trong những hiện tượng “nóng” của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam những năm gần đây là việc các nhà đầu tư cá nhân mua hoặc thuê lại nhiều căn hộ khác nhau tại các thành phố du lịch lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh), sau đó cho du khách thuê lại dưới dạng ngắn hạn.
Việc cho thuê này có thể tạo thêm 20% – 50% doanh thu mỗi tháng so với các hợp đồng cho thuê dài hạn. Dịch vụ này đang nở rộ, phát triển ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trên cả nước như Nha Trang, Sa Pa, Hạ Long…
Sự tăng trưởng nhanh chóng đã đặt các chủ nhà phải đối diện với một số thách thức mà lớn nhất là cần tối ưu hóa kinh doanh căn hộ khi cùng một lúc quản lý nhiều căn home-sharing trên nhiều nền tảng khác nhau.
Mặt khác, các cơ quan quản lý địa phương cũng gặp khó khăn liên quan đến yếu tố pháp lý, giám sát loại hình kinh doanh này.
Theo giới kinh doanh cho thuê qua Airbnb, muốn duy trì người chủ phải đảm bảo tỷ lệ lấp đầy phòng ít nhất 70%.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ trung bình của host sở hữu trên hai listing (bất động sản cho thuê) ở Việt Nam khoảng 35%, khá cao so với nước ngoài, nơi chỉ đơn thuần là chia sẻ không gian trống.
Tình trạng cho thuê không thuận lợi hoặc thua lỗ, thường rơi vào các trường hợp đi thuê căn hộ rồi bắt đầu đầu tư cho thuê Airbnb.
Đó là khi người đầu tư không tính toán được mức giá, tỷ lệ lấp đầy phòng… trong khi đây là những yếu tố quyết định lợi nhuận của chủ Airbnb.
Giống như mô hình kinh tế chia sẻ khác như Grab, Việt Nam cũng đang gặp trở ngại với trang web này về vấn đề thu thuế.
Nhưng theo quy định, dù tổ chức nước ngoài kinh doanh có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì đều được xác định là người nộp thuế.
Cơ quan quản lý thuế thừa nhận rất khó quản lý và thu thuế các cá nhân Việt Nam tham gia kinh doanh trên trang này khi toàn bộ giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua mạng internet, không cần xuất hóa đơn hay thanh toán bằng tiền mặt.
Ngoài Airbnb đã khá phổ biến, tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều startup trong lĩnh vực chia sẻ chỗ ở tương tự, tuy mạng lưới còn hạn chế.