Đế chế Inca chỉ kéo dài khoảng 100 năm cho tới khi họ bị người Tây Ban Nha xâm lược tàn phá vào thế kỷ 16. Atahualpa, vua Inca cuối cùng, đã bị giết ngày 26.7.1533.
Người Tây Ban Nha chôn cất ông, nhưng người ta tin rằng các quần thần đã khai quật mộ và ướp xác ông theo truyền thống Inca.
Người Inca có thể tách rời khỏi thế giới bởi dãy núi Andes, nhưng họ đã để lại một di sản hấp dẫn vẫn đang được nghiên cứu cho đến ngày nay…
Trước đó, người Inca đã bắt đầu chạy trốn khỏi người Tây Ban Nha và bỏ lại thành lũy Machu Picchu. Như vậy, người Tây Ban Nha đã đặt dấu chấm hết trước một nền văn minh bao gồm một mạng lưới đường xá tinh vi, một xã hội tuân thủ luật pháp và một hệ thống nông nghiệp phát triển tốt được cung cấp cho những người dân của Inca.
1. Những chiếc cầu treo ngoạn mục
Khi những người Tây Ban Nha xâm lược Peru, họ đã kinh ngạc khi nhìn thấy những cây cầu dây treo kéo dài qua những khoảng trống trên những hẻm núi rộng lớn.
Người Tây Ban Nha vẫn cho rằng họ tài giỏi hơn người Inca, những người chưa chế tạo được bánh xe, nhưng người Tây Ban Nha không thể dựng được những cây cầu như vậy.
Được chế tạo từ những sợi xoắn được làm từ cỏ và len alpaca, kỹ thuật xây cầu của người Inca xuất hiện ở Q’eswachaka, vị trí của cây cầu treo Inca cuối cùng.
Hiểm trở hơn nữa là cầu Inca, một con đường đá rất cheo leo dẫn đến Machu Picchu, bề ngang nó chỉ rộng vài foot (1 foot = 0,3m) với đoạn cầu dốc đứng dài trên 76m.
Chưa hết, con đường có phần bằng gỗ có thể tháo rời, những kẻ xâm lược phải thận trọng vì khi đi dọc theo con đường, họ sẽ thấy những tấm ván gỗ và có thể bị rơi xuống vực thẳm.
Tuy ngày nay con đường này không còn mở cửa cho công chúng vì tính chất nguy hiểm của nó, một số du khách đã chết trên con Đường Mòn Inca, do họ đã bước hụt qua bờ vực khi chụp ảnh selfie.
2. Hệ thống thủy lợi hiệu quả
Tuy địa thế dãy núi Andes không thích hợp để canh tác, nhưng người Inca đã phát triển một hệ thống ruộng bậc thang và thủy lợi cho phép họ gieo trồng các vụ mùa.
Họ xẻ những phần nền rộng rãi tạo thành một mô hình bậc thang vào các phía bên của những ngọn núi nhằm đem lại một khu vực bằng phẳng để trồng lúa. Theo ước tính, họ đã canh tác trên một triệu hecta đất.
Những bức tường đá che chở cho các ruộng bậc thang khỏi sương giá, người Inca bố trí những thềm đất, sỏi và cát để giúp tưới cho đất. Họ cũng xây dựng một hệ thống thoát nước tinh vi để thoát nước từ những ngọn núi trong mùa mưa.
Hệ thống tưới tiêu của họ hiệu quả đến mức các cây trồng của họ có thể chịu được khô hạn hàng tháng mà không bị tổn hại. Dấu vết của hệ thống thoát nước vẫn có thể nhìn thấy được cho đến ngày nay.
3. Những người đầu tiên khám phá ra khoai tây
Nói về cây trồng, người Inca thực sự quan tâm đến khoai tây. Theo ước tính, họ đã trồng hơn 3.000 loại khoai tây khác nhau. Khoai tây đã phát triển hoang dã khắp miền nam Peru và Bolivia qua hàng ngàn năm trước khi người Inca trồng chúng.
Quân Tây Ban Nha xâm lược đã phát hiện ra chúng trong khi tìm kiếm El Dorado, nhưng chưa bao giờ nhận thức được giá trị quý hơn vàng của loại củ màu nâu này.
Người Tây Ban Nha đã giới thiệu khoai tây với châu Âu và khắp thế giới. Ban đầu người ta còn nghi ngờ chúng và chỉ sử dụng làm thức ăn cho gia súc, cho đến khi tầng lớp thượng lưu ăn nó để thưởng thức một món ăn mới lạ.
Thậm chí tương truyền hoàng hậu Pháp Marie Antoinette đã từng gài hoa khoai tây lên mái tóc của bà. Các nhà nhân chủng học tin rằng người Inca đã phát triển tinh vi một vòng xoay bảy năm các vụ mùa khoai tây, cho phép họ thử nghiệm các chủng loại khoai tây khác nhau.
4. Những tín đồ thờ mặt trời
Người Inca tin rằng thần mặt trời Inti là tổ tiên của các bộ tộc Inca. Thần thường được mô tả qua hình dạng một người mang mặt nạ vàng phát ra những tia nắng rực rỡ.
Một số ngôi đền mặt trời vẫn còn tồn tại, bao gồm một ngôi đền tại Sacsayhuaman và Đền thờ mặt trời nổi tiếng tại Machu Picchu.
Gần đây, vào tiết Đông chí cuối tháng 6, ánh mặt trời sẽ chiếu rọi qua cửa sổ đền thờ, tạo nên một vùng ánh sáng hình chữ nhật hoàn hảo chung quanh bàn thờ và một cái bóng hình chiếc kim nhọn. Vào tiết Hạ chí tháng 12 bắt ánh sáng qua cửa sổ đối diện và cũng thể hiện điều tương tự.
Tảng đá hình chữ nhật ở giữa sàn đã được mô tả như một bàn thờ, nhưng có lẽ quá thấp để có thể sử dụng được như vậy. Tuy nhiên, đường rãnh đã được chạm khắc vào nó chỉ tạo ra cái bóng khi ánh nắng chiếu xuyên qua các cửa sổ.
Có những suy đoán liên tục về mục đích của điều này, nhưng nó cho thấy rằng có thể đã được sử dụng để phán đoán thời điểm thích hợp nhất để trồng trọt các vụ mùa.
5. Quan sát những vì sao để gieo trồng vụ mùa
Người Inca là những nhà thiên văn học. Người ta tin rằng thành phố Cusco của Inca được đặt ra theo một mô hình xuyên tâm, mô phỏng những tia mặt trời và một số chòm sao. Họ đã đo lường cẩn thận chuyển động của các ngôi sao để xác định thời điểm gieo trồng và thu hoạch các vụ mùa.
Tại Machu Picchu, người ta tìm thấy hai bể gương, được cho là được sử dụng để quan sát các chòm sao phản chiếu trong nước.
Người Inca đã nhận ra hành tinh Kim tinh (Venus) và tin rằng đó là một đầy tớ của mặt trời, đôi khi đi phía trước hoặc đôi khi đi phía sau, nhưng luôn luôn gần sát với chủ nhân của nó.
Người Inca đã xây dựng một số đài quan sát, trong đó có Coricancha tại Cusco, được bao phủ hoàn toàn bằng vàng. Đài này đã bị quân đội xâm lược Tây Ban Nha phá hủy. Ngôi đền bị sụp đổ, và một nhà thờ được dựng lên tại chỗ của nó.
6. Tục lệ… bó đầu
Người Inca và tổ tiên của họ vốn ưa thích những người đầu lớn. Các tầng lớp ưu tú thường bó đầu những con trẻ sơ sinh của họ để thay đổi sự tăng trưởng tự nhiên của chúng.
Tập tục này cũng na ná như tục bó chân của Trung Quốc, tầng lớp quý tộc người Peru đã bó đầu các trẻ em của họ bằng cách quấn hai mảnh gỗ vào đầu chúng với những dải vải bó chặt cho đến khi hộp sọ bị phình ra thành hình giọt nước. Bây giờ giới khoa học gọi là biến dạng sọ nhân tạo.
Tập tục này đã có từ lâu trước khi có đế quốc Inca, người Collagua ở vùng Đông Nam Peru đã bó đầu những đứa trẻ mới sinh để phân biệt chúng với phần còn lại của xã hội.
Tuy nhiên, vào các đời vua Inca về sau, như vua Pachacuti Inca Yupanqui vĩ đại, người xây dựng thành của Machu Picchu, tập tục bó đầu này đã không còn nữa.
7. Đài thiên văn của người Inca
Những hòn đá Intihuatana, còn gọi là “những cột trụ gắn liền với mặt trời”, là những đồng hồ mặt trời của người Inca. Hiện nay vẫn còn tồn tại hai cái, một tại Machu Picchu.
Không chỉ là một đồng hồ mặt trời, tảng đá bốn góc nằm trên đỉnh của tòa thành, và cái bóng của nó được dùng để đo thời gian. Bản thân tảng đá là một loại bàn thờ để cầu nguyện cho vụ mùa thành công.
Tảng đá được tin là cung cấp năng lượng cho những ai chạm vào nó. Có thể là do vị trí của nó cho phép nó hấp thụ sức nóng của mặt trời.
Năm 2000, tảng đá bị hư hại khi có chiếc cần cẩu rơi vào nó trong khi quay phim quảng cáo bia, một góc của tảng đá bị vỡ thành hàng chục mảnh.
- Xem thêm: Độc đáo tháp đèn của người chết
Những nỗ lực sửa chữa được dự đoán là khó khăn, do những thay đổi nhiệt độ làm cho đá giãn nở và co lại, có khả năng ngăn chặn bất kỳ các cuộc sửa chữa nào kéo dài quá lâu.
8. Không biết viết, nhưng giỏi tính toán
Nền văn minh Inca không có ngôn ngữ viết, điều này đã khiến cho công việc của các sử gia và nhà nhân loại học trở thành khó khăn. Trong tất cả các nền văn minh thuộc thời kỳ Đồ đồng, Inca là những người duy nhất không có hệ thống chữ viết.
Điều duy nhất các nhà nhân loại học có thể tìm thấy là một hệ thống phức tạp của các nút thắt, gọi là những khipus hoặc quipus, được sử dụng chủ yếu để đếm và lưu giữ các tài liệu giao dịch.
Các tài liệu Tây Ban Nha từ thời thuộc địa cho rằng khipus của người Inca cũng mã hóa lịch sử, tiểu sử và những lá thư, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá ra bất kỳ ý nghĩa phi số học nào trong các dây và các nút thắt.
9. Công trình xây dựng trên đá
Di sản ngoạn mục nhất của người Inca là cách xây dựng độc nhất vô nhị, không đòi hỏi vữa hoặc xi măng. Tại Sacsayhuaman, người ta vẫn có thể thấy phần còn lại của những bức tường được xây bằng đá, một vài số trong đó nặng hơn 100 tấn.
Những khối khổng lồ được khai thác trong các mỏ đá và tạo hình bằng các dụng cụ bằng đồng, sau đó được vận chuyển bằng dây thừng, khúc gỗ và cột.
Việc cắt đẽo tinh vi và tạo thành những khối đá trên quang cảnh rất chính xác đến mức không cần trát vữa nữa. Cuối cùng, các khối đá được đánh bóng mịn với đá mài và cát.
Người Inca đã phát triển một hệ thống xây dựng bao gồm một hòn đá khóa, còn gọi là đá trụ, với nhiều góc độ phù hợp với các viên đá khác.
Ở Sacsayhuaman, một hòn đá có 13 góc. Ở Machu Picchu, hòn đá có tới 32 góc. Hệ thống xây dựng này cho phép các tòa nhà Inca tồn tại trong các trận động đất. Vì hệ thống khóa đá sẽ tự ổn định lại chúng sau khi đã hết động đất.