Sách là cánh cửa mở ra kho báu. Sách vừa đem đến cho bạn kiến thức mới, vừa giúp bạn giải trí. Đọc sách, bạn sẽ bước chân vào thế giới tưởng tượng và những trải nghiệm phong phú của người viết. Khi đi nghỉ, tôi luôn mang sách theo mình. Ở sân bay, đọc sách là cách thức tuyệt vời để sử dụng thời gian trống trong lúc đợi chuyến hoặc bay. Trong các khách sạn nước ngoài, người ta thường đặt một giá sách có những cuốn khách du lịch đọc xong và để lại cho người khách đến sau lấy đọc. Trên hồ bơi và bãi biển, cuốn sách là một vật thiết yếu cùng với kem chống nắng. Với người phương Tây, thật khó hình dung cuộc sống thiếu bóng dáng cuốn sách. Người Việt Nam thì khác. Theo quan sát của tôi, nhiều người Việt Nam dường như không gắn bó lắm với sách. Thời gian rảnh rỗi trên máy bay, trong khách sạn hay tại bãi biển, ít khi tôi thấy họ đắm mình trong những trang sách. Có lẽ với nhiều người, đọc sách chưa phải là lựa chọn số một để lấp đầy thời gian trống.
Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao những ai làm các công việc có nhiều lúc rảnh rỗi như bảo vệ, giữ xe, soát vé,… lại không tận dụng thời gian để đọc sách? Ở Việt Nam, tôi chẳng mấy khi thấy người làm những công việc này cầm theo sách. Quả là điều đáng tiếc. Một cuốn sách du lịch, một cuốn tiểu thuyết lịch sử, một cuốn thơ chẳng hạn, dù là sách gì cũng sẽ giúp họ học được rất nhiều và có những chuyến phiêu lưu đến các chân trời mới.
Trong cộng đồng của những người nước ngoài sống ở Đà Lạt, một trong những mối dây kết nối chính là thư viện do chúng tôi tự lập ra và chia sẻ với nhau. Khi có ai đi du lịch, chúng tôi luôn mong chờ lúc quay về họ sẽ đóng góp những cuốn sách mới vào thư viện chung. Nội dung của kho sách này rất phong phú, trong đó có cả các cuốn sách về lịch sử Việt Nam, tiểu thuyết, thi ca… Tôi chưa từng thấy những tủ sách chung như vậy giữa những người bạn Việt Nam, mặc dù rất nhiều người trong số họ học hành đàng hoàng và giàu có.
Ở các nước phương Tây, hầu hết các khu vực dân cư đều có thư viện. Không chỉ sách, thư viện còn cung cấp dịch vụ truy cập internet miễn phí, băng video và các tạp chí. Quy mô thư viện có thể rất lớn hoặc chỉ là một phòng đọc nhỏ, tùy theo số lượng người dân. Các thư viện ở vùng nông thôn có cả dịch vụ thư viện di động đưa sách từ trang trại này đến trang trại khác cho người dân mượn.
Ở Việt Nam, thư viện chưa nhiều và chưa thật sự thu hút được người đọc. Các cửa hàng sách nơi đây chủ yếu bán sách giáo khoa cho học sinh. Những cuốn sách giúp người đọc tự nâng cao kiến thức hoặc các kỹ năng thực tiễn chưa nhiều. Trong khi đó, bạn có thể thấy các cửa hàng sách tiếng Anh có rất nhiều cuốn giúp cho người đọc tự học.
Tôi nghĩ thông tin trong sách là nguồn kiến thức tuyệt vời. Ngày nay, internet tiếp tục mở rộng cánh cửa thông tin nhưng thật không may, nhiều bạn trẻ lại chỉ dùng internet để chơi game. Điều này quả là đáng buồn và lãng phí cơ hội.
Bài Renate-Haeusler
Lê Tâm dịch