Bối cảnh startup ở khu vực Đông Nam Á đã tạo đà để một số công ty phát triển nhanh và thay thế những tên tuổi toàn cầu tại khu vực này.
Grab, công ty chia sẻ phương tiện di chuyển xuất phát từ Singapore, đã loại Uber ra khỏi cuộc chơi khu vực vào đầu năm 2018.
Tương tự, GoJek, một trong những startup đình đám của Đông Nam Á, khởi đầu là một ứng dụng chia sẻ chuyến đi bằng xe máy, đã chuyển đổi thành một dịch vụ theo yêu cầu cung cấp cả dịch vụ đặt vé và dọn dẹp vệ sinh.
Có mặt tại 50 thành phố ở Indonesia, GoJek đang trên đường mở rộng đến các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự kiến sẽ tạo ra nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và EU.
Rõ ràng là sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà Đông Nam Á đang trải qua được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực công nghệ và dường như sự tăng trưởng sẽ không chậm lại.
Hơn nữa, một tầng lớp trung lưu đang gia tăng và ngày càng có nhiều người có thể truy cập internet đã giúp cho nền kinh tế internet bùng nổ và sản sinh những công ty khởi nghiệp như GoJek.
Với sự chuyển đổi sang nền kinh tế số, nhiều khả năng các công ty khởi nghiệp công nghệ địa phương sẽ tiếp tục phát triển và đi đầu trong việc thúc đẩy các nền kinh tế khu vực.
Đối với Đông Nam Á, yếu tố quan trọng dẫn đến thành công có thể được gắn liền với tính địa phương hóa và điều này giải thích lý do tại sao nhiều công ty khởi nghiệp xuất phát tại khu vực này có thể vượt qua các đối tác và đối thủ toàn cầu của họ.
Trong khi thương mại điện tử đang phát triển nhanh thì một ngành đang có cơ hội phát triển là an ninh mạng. Do Đông Nam Á phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật số, các tổ chức trên toàn khu vực đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công mạng.
Dù Đông Nam Á đã có những nỗ lực lớn để tăng cường an ninh mạng trong khu vực với các quy định mới và các chiến dịch nâng cao nhận thức, nhưng nhiều tổ chức vẫn không được bảo vệ trước nguy cơ tấn công mạng.
Theo một báo cáo của Comparitech, công ty chuyên khảo sát về an ninh mạng có trụ sở tại Anh, thì Indonesia và Việt Nam đứng thứ hai và thứ ba cuối bảng về an ninh mạng trong số 60 quốc gia được phân tích. Singapore là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đứng trong Top 10 những nước có tình trạng an ninh mạng tốt nhất.
Cho dù các mối đe dọa an ninh mạng có thể gây ra tổn thất chi phí rất lớn đối với các tổ chức trong khu vực, nhưng chỉ có 42% lãnh đạo điều hành coi an ninh mạng là ưu tiên cao.
Khu vực Đông Nam Á còn đối mặt với sự thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng và thiếu nguồn lực sẵn sàng để ứng phó với thách thức này.
Đây là tiềm năng lớn để các startup về an ninh mạng trong khu vực phát triển, nhưng họ phải ghi nhớ những thách thức này.
Dù có 2.600 nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng trên thị trường, nhưng đa số không hợp tác với nhau và không chia sẻ thông tin về các mối đe dọa an toàn mạng.
Điều này làm giới hạn cách sử dụng thông tin để cải thiện cộng đồng an ninh mạng. Và cũng giới hạn tiềm năng, sự sáng tạo đổi mới mà các gương mặt mới trong lĩnh vực này có thể mang lại cho khu vực Đông Nam Á.
Sự hiện diện của các nhà cung cấp an ninh mạng toàn cầu trong khu vực dường như không khuyến khích các nhà cung cấp mới bước vào sân chơi.
Tuy nhiên, giải pháp của các nhà cung cấp toàn cầu này chủ yếu được thiết kế và định giá cho những doanh nghiệp lớn.
Vì thế, cánh cửa vẫn mở cho các nhà cung cấp mới phát triển những giải pháp phù hợp với nhu cầu của thị trường địa phương với kế hoạch định giá riêng và hỗ trợ bằng ngôn ngữ địa phương.
Một công ty startup Hàn Quốc đang tìm cách châm ngòi cho sự đổi mới trong cộng đồng an ninh mạng bằng cách cung cấp thông tin “mở” về các mối đe dọa an ninh mạng với sự trợ giúp của công nghệ blockchain.
Mục tiêu của họ là tạo ra một cơ sở dữ liệu trực tuyến khổng lồ bao gồm các IP độc hại, các trang web lừa đảo, địa chỉ ví của hacker và nhiều thông tin khác để người dùng tham khảo.
Mọi người đều có thể xem thông tin về các mối đe dọa; các công ty hoặc nhà phát triển muốn sử dụng dữ liệu để tạo ra giải pháp an ninh mạng cho riêng họ có thể thực hiện điều đó bằng cách yêu cầu giao diện lập trình ứng dụng API.