Tính tới thời điểm hết quý I năm 2013, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục giảm tệ hại khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa qua cho hay trung bình giá mỗi tấn gạo xuất khẩu giảm tới 44,52 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bất chấp các nỗ lực của Nhà nước về cánh đồng mẫu lớn, ban hành giá sàn xuất khẩu, quy định giá mua tối thiểu của doanh nghiệp đối với người nông dân hay gần nhất là kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, lúa gạo Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp “giá rẻ” Việt Nam nói chung vẫn là bài toán nan giải trong bối cảnh “xuất siêu” 2012, kim ngạch xuất khẩu 2012 đều mang dấu ấn khá đậm của ngành lúa gạo hay cả ngành nông nghiệp. Nhận định này được làm rõ khi chính Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết: “nông nghiệp luôn trở thành phao cứu sinh cho đất nước khi kinh tế gặp khủng hoảng”. Như vậy, phải chăng chính sách xuất khẩu lúa gạo ViệtNamđang gặp “vấn đề”? Nếu vậy, vấn đề đó là gì và ai sẽ “chịu trách nhiệm” chính cho vấn đềấy?
“Giá rẻ nhưng không ai tìm đến”?
Theo giá cả xuất khẩu thực tế hiện nay, giá xuất khẩu gạo Việt Nam thuộc hàng “tốp bét” dù so sánh với các nước có ngành lúa gạo bậc cao hay bậc thấp hơn. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn thua giá xuất khẩu củaCampuchia,Myanmar, Ấn Độ,Pakistanvà thua xa Thái Lan.
Đã thế, các dự báo về tình hình xuất khẩu năm 2013 từ VFA vẫn cứ “u ám”, kéo theo đó là vô số lời “kêu ca” về “gạo không bán được” từ các doanh nghiệp xuất khẩu. Khi số lượng hợp đồng tập trung chỉ chiếm 10,55% tổng sản lượng các hợp đồng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp có đủ “cớ” để tung giá rẻ nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp gạo của các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy luật cung cầu theo cơ chế thị trường, giá gạo đồng loại thấp nhất thế giới mà vẫn “bán không được” thì bất hợp lý, bởi xét trong bối cảnh hiện nay thì “cầu về gạo” không mấy suy giảm khi Trung Quốc, châu Phi và nhiều nước khác trong thời gian qua tăng cường nhập khẩu gạo. Thế nên, thật khó để xác định câu trả lời theo cơ chế thị trường cho nghịch lý “giá rẻ mà vẫn cứ ế” ở gạo ViệtNam.
Thu mua lúa ở Đồng Tháp
Tuy nhiên, cũng không quá khó để đưa ra các giả thuyết để giải thích cho nghịch lý vừa nêu, đó là những kịch bản mà Việt Nam hết sức lưu ý.
Giả thuyết đầu tiên được báo chí và truyền thông cũng như các chuyên gia nhắc đến rất nhiều đó là “chất lượng”. Để đảm bảo về chất lượng gạo cần đảm bảo sự bài bản trong tất cả các khâu cung ứng gạo từ “bờ ruộng đến bàn ăn”. Hiện nay, việc sử dụng giống lúa thiếu tính đồng nhất trong đó phải kể đến sự “quấy rối” về giống lúa từ thương nhân Trung Quốc. Bên cạnh đó, khâu tạm trữ gặp không ít khó khăn khi hệ thống kho chứa, bảo quản còn hạn chế. Khâu pha trộn xuất khẩu cũng gặp không ít vấn đề. Tất cả khiến chất lượng gạo ViệtNam bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, đây chưa đủ để giải thích cho nghịch lý “rẻ vẫn ế” vì so với gạo Campuchia, Ấn Độ,Pakistanthì rõ ràng, gạo Việt Nam không có sự thua kém. Thậm chí thị trường gạo thơm Hongkong gần đây còn “ưa chuộng” gạo ViệtNamhơn rất nhiều.
Giả thuyết thứ hai nhấn mạnh về “sức mạnh mềm” hay “giá trị thương hiệu” của gạo Việt. Khi gạo là lương thực chính nuôi sống hơn 50% dân số toàn cầu (chủ yếu tập trung nhiều ở các nước châu Á) và gạo Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu thì “thói quen” dùng gạo Việt vẫn chưa được hình thành, nếu không muốn nói là “ít được biết đến”. Đây là hệ quả của việc quá chú trọng đến lượng mà quên “giá trị thương hiệu”. Điển hình như việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Đặc điểm của thị trường Trung Quốc là lợi nhuận dựa vào chênh lệch giá, nghĩa là gạo Việt đến tay thương nhân Trung Quốc, rồi sau đó mới đến “bàn ăn” người tiêu dùng. Điều này khiến gạo Việt phải qua “trung gian” và được mua với giá thấp để bảo đảm lợi nhuận cho nhà nhập khẩu. Thế nhưng gạo Việt vẫn “chảy ồạt” vào quốc gia có trữ lượng gạo lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu chính là sự yếu kém về năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi họ chỉ tập trung “bán nhiều gạo” để thu lợi nhuận mà chưa có sự đầu tư cho tiếp thị, xây dựng thương hiệu lẫn xem xét phân khúc thị trường.
Hiện đang tồn tại hiện tượng “bất đối xứng thông tin” trên thị trường gạo xuất phát từ các “nhóm lợi ích” xuất khẩu gạo là giả thuyết cuối cùng. Những ai tin vào giả thuyết này cho rằng phải chăng các doanh nghiệp xuất khẩu “bắt tay nhau” tạo ra sự sai lệch thông tin về thị trường lúa gạo. Nhờ vào sự khuếch tán của hệ thống thông tin, truyền thông, cộng với khả năng “eo hẹp” về nhận thức và kiểm soát thông tin của người trồng lúa, “nhóm lợi ích” đã biến niềm tin “gạo bán không được” để hiện thực hóa ý đồ “bán gạo giá rẻ”, tạo sự cạnh tranh và mang về lợi nhuận. Suy cho cùng, dù gạo giá rẻ đến đâu thì với vai trò trung gian trong chuỗi cung ứng gạo, doanh nghiệp xuất khẩu luôn có khả năng lớn mang về lợi nhuận.
Thu mua tập trung: tại sao không?
Trước sự bế tắc về giá gạo trong nước lẫn xuất khẩu, thiết nghĩ vai trò Nhà nước cần được tăng cường hơn nữa. Thử nghĩ về một kịch bản mà ViệtNamđã từng dùng trước những năm Đổi mới, đó là Nhà nước mua lại gạo từ người dân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là làm chung ăn chung, mà là “làm bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu” và quan trọng là giá trị họ được hưởng là xứng đáng. Nhìn sang Thái Lan, nước này sẽ sử dụng 105 tỉ baht (3,5 tỉ USD) cho chương trình mua tạm trữ lần thứ hai. Chương trình lần này hứa hẹn khoảng 7 triệu tấn gạo được Chính phủ Thái Lan mua lại với mức giá 15.000 baht/tấn gạo trắng thông thường và 20.000 baht/tấn gạo hương nhài. Quan điểm của nước này là doanh nghiệp xuất khẩu Thái Lan đã có lợi quá nhiều từ gạo trong mấy mươi năm qua khi Thái Lan liên tục là đương kim vô địch về xuất khẩu gạo, giờ là lúc cái lợi phải về tay người trồng lúa.
Bên cạnh đó, để làm được những yêu cầu từ thực tiễn hiện nay của ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, Nhà nước nhất thiết phải đóng vai trò chỉ đạo trực tiếp và người nông dân nên được đưa vào làm trung tâm cho các chiến lược cải tiến, phát triển nông nghiệp. Muốn thế, triển khai nghiên cứu mô hình “thu mua trực tiếp” cần được thực hiện bài bản với các bài học từ trong nước và quốc tế (phương pháp best practices) trước khi đưa vào thực hiện tại các cánh đồng.
Nhà nước phải mạnh tay hơn
Để hạn chế các rủi ro từ ba giả thuyết khiến gạo Việt Nam rớt giá, chúng ta cần chú trọng thúc đẩy và triển khai các biện pháp về chất lượng, thương hiệu và quản lý cho hạt gạo Việt.
Thứ nhất, tăng cường chất lượng gạo cần được thực hiện theo cơ chế đồng bộ từ khâu sản xuất, bao bì đến tiêu dùng. Muốn thế, giống lúa cần được nghiên cứu triển khai đến người nông dân để lúa thu hoạch đồng chất, đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, hệ thống kho bãi, bảo quản cần được chú trọng nâng cấp dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của doanh nghiệp thu mua. Nghĩa là doanh nghiệp để “mua được gạo” cần có sự hỗ trợ đối với công tác sản xuất, thu hoặc và bảo quản đối với người nông dân. Thêm vào đó, tăng cường tiếp thị hạt gạo, tạo “thói quen” dùng gạo Việt cho người dân thế giới. Muốn thế, Nhà nước cần tăng cường giám sát và quản lý cũng như đưa “đầu tư công” vào ngành nông nghiệp nhiều hơn.
Thứ hai, Nhà nước nhất thiết phải rà soát, thanh lọc nhằm loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém về mặt năng lực, sai phạm về mặt quy định. Chẳng hạn như năng lực tiếp thị gạo, khả năng thực hiện luật “giá sàn” khi xuất khẩu gạo. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập hình ảnh hạt gạo Việt, không chỉ mang về lợi nhuận cho người nông dân và còn giảm sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau.
Cuối cùng, hiện tượng “nhóm lợi ích” lúa gạo cần được điều tra làm rõ, hạn chế tối đa động thái “núp bóng” hai tổng công ty lương thực lớn nhằm tạo hiện tượng “sai lệch thông tin” để trục lợi. Bên cạnh đó tính minh bạch thông tin thị trường lúa gạo sẽ được cải thiện hơn nếu Nhà nước tìm cách cập nhật đến với các “cánh đồng” một cách nhanh chóng, kịp thời.
Nói như Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) tại hội nghị Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2013 hồi đầu tháng 4 vừa qua, “đã đến lúc phải giải cứu ngành nông nghiệp” thoát khỏi thực trạng giá rẻ, nâng cao tầm phát triển nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cải thiện đời sống người trồng lúa.
Đỗ Thiện
Ảnh Hoàng Vũ