Trên mặt biển hay ngầm dưới nước, những loại tàu ngầm không người lái gọi là USV (Unmanned Surface Vehicle) sẽ tràn lan khắp các đại dương. Sau những loại phi cơ không có phi công (UAV), giờ đây là kỷ nguyên của các con tàu không thủy thủ.
Đậu tại cảng Brest, nó giống như một chiếc du thuyền thông thường. Dài 10m, vỏ tàu bằng chất liệu composite, boong tàu thông thoáng và mũi tàu chỉ hơi phình lên. Không giống dáng vẻ uy nghi của một con tàu. Tại Bretagne, người ta gọi nó là “thuyền câu dạo chơi”. Tuy nhiên chiếc tàu đó có thể đại diện cho tương lai của Hải quân Quốc gia. Như thế, sau loại xe hơi không tài xế, máy bay không phi công, giờ đây là kỷ nguyên của loại tàu không thủy thủ.
“Khoảng 15 năm gần đây, lĩnh vực các drone (phi cơ không người lái) đã phát triển nhanh chóng. Mỹ hay Israel là vô địch về lĩnh vực này trong khi châu Âu chưa biết triển khai khái niệm đó. Hiện nay đến lượt chúng ta tiếp bước ở khúc quanh các con tàu USV. Đã có nhiều nhu cầu về loại thiết bị này” – Alexis Morel, giám đốc phân khúc tàu ngầm ở công ty Thales, cho biết.
Trong dân sự, những chiếc USV đang gia tăng. Ở đây là dùng cho các cuộc nghiên cứu khoa học hay khảo cổ để khảo sát những khu vực rộng lớn. Viện Nghiên cứu để khai thác đại dương Pháp đã đặt hàng công ty ECA thiết kế những con tàu ngầm có thể đạt đến độ sâu 6.000m với mục đích lập bản đồ thềm đại dương. Kia là dùng cho việc tìm kiếm những khu vực khai thác mới ngoài khơi và khảo sát hoặc bảo trì các đường ống dẫn dầu hay cáp viễn thông. “Con người rất khó tiếp cận các độ sâu hơn 1.000m, vì thế các tàu ngầm được sử dụng hàng ngày trong lĩnh vực dầu khí. Từ lâu chúng tôi đã có các rôbốt điều khiển từ xa bằng cáp nhưng từ 5 đến 10 năm nay, chúng dần dần trở nên tự hành hơn, và có thể được gọi là drone” – Tổng giám đốc Guénael Guillerme của ECA nói rõ.
Nhưng sự tự động hóa tàu ngầm trước tiên cần phải có các công cụ tinh xảo dành cho những ứng dụng quân sự. “Thế giới im lặng” như thuyền trưởng Cousteau đã mô tả là một vũ trụ mà mọi thứ được lắng nghe, được theo dõi, được dò xét một cách bí mật nhất. “Việc sử dụng các drone nằm trong những sứ mệnh dò mìn, bảo vệ vùng duyên hải và các cảng biển, mặt khác là có khả năng di chuyển đẻ đảm bảo sự tự do hoạt động của các đơn vị trên môi trường đại dương” – đại úy hải quân Bertrand Dumoulin, trưởng ban thông tin và giao tế công chúng của Hải quân, giải thích.
Theo một số nguồn tin, khi hải quân Pháp triển khai trong cuộc chiến Libya năm 2012, mối nguy cơ về mìn đã nhiều lần được quân đội chặn đứng. Cuộc chiến tranh mìn không hề là một cuộc chiến ở hậu phương – vẫn còn khoảng 300.000 quả mìn sót lại từ Thế chiến thứ hai – mà vẫn còn rất nghiêm trọng đối với quân đội. “Rẻ tiền và dễ thiết kế, những loại mìn đó vẫn còn rất thông dụng và được gọi là “vũ khí của người nghèo”. Chỉ cần vài quả mìn thô sơ cũng đủ để làm nghẽn một bến cảng hay một eo biển, và có thể được sử dụng bởi một tổ chức khủng bố trong những cuộc chiến không cân sức” – đại úy hải quân Laurent Sudrat ở Bộ Tham mưu Hải quân Pháp giải thích.
Năm 2017, chính phủ Mỹ đã phát đi một bản cảnh báo về khả năng có mìn ngoài khơi phía Tây Yemen: vào tháng 3 một chiếc tàu đã bị va phải mìn ở cảng Moka làm chết 2 lính tuần duyên. “Nhưng nhiều loại mìn mới, kín đáo và tinh xảo hơn, cũng đã được triển khai bởi các lực lượng quân sự hàng đầu, và mối đe dọa này phải được xem xét đến” – đại úy Laurent Sudrat nói thêm.
Cho dù các số liệu rất khó xác định, nhưng những cường quốc lớn có các kho vũ khí hiện đại: chỉ tính riêng Trung Quốc đã có từ 50.000 đến 100.000 mìn gồm 30 loại khác nhau. Nước Pháp có chuyên môn trong lĩnh vực phát hiện mìn bằng radar và sonar. Cùng với nước Anh, Pháp đã phát triển chương trình tương lai Maritime Mine Counter Measures (Biện pháp chống mìn dưới biển), mục tiêu là lập ra một mạng lưới drone nhằm phát hiện, nhận dạng và phá mìn.
Thành phần đầu tiên của mạng lưới là một chiếc tàu ngầm drone có nhiệm vụ thám sát đáy biển. Được chế tạo bởi công ty ECA và có tên là “A-27”, chiếc drone này sẽ được hạ thủy từ một con tàu thông thường. “Hoàn toàn tự hành, tàu ngầm hoạt động rất nhanh, chính xác và có thể lặn rất sâu” – Guénael Guillerme cho biết. Thành phần thứ 2 là chiếc USV, con tàu tự hành sẽ thực hiện các chuyến thử đầu tiên trong vịnh Brest trong vài tuần nữa. Nó cũng có thể được hạ thủy từ 1 tàu mẹ. Con tàu nặng 18 tấn sẽ tự hoạt động với vận tốc 20 hải lý/giờ trên khoảng cách 370km. “Sự tự hành và bán kính hoạt động là các yếu tố cần thiết nếu ta muốn có một thiết bị hiệu quả” – giám đốc kỹ thuật Bruno Quellec của Thales nhấn mạnh.
Một khi đã đến khu vực của sứ mệnh, tàu sẽ hạ thủy rồi kéo theo một máy sonar để chụp ảnh giống như chiếc A-27. “Cả 2 chiếc tàu có cùng mục đích và bổ sung cho nhau tùy theo độ sâu và lực của dòng chảy” – đại úy Augustin Blanchet, chuyên gia về các hệ thống drone ở Bộ tham mưu Hải quân, cho biết. Khi trồi lên mặt nước, máy sonar (giống như một quả ngư lôi) có những chiếc ria (vây để đảm bảo độ vững chải) sẽ cung cấp các dữ liệu. Sau đó dữ liệu sẽ được truyền về đất liền để được khai thác nhờ một phần mềm nhận biết mìn có tên là Practis.
Máy sẽ tự động phát ra tín hiệu báo động khi phát hiện được một vật thể. Nhờ độ phân giải cao của máy sonar (10cm), người ta có thể quan sát vật thể từ nhiều góc cạnh trước khi nhận dạng. Sau khi đã xác định được mìn, chiếc tàu trên mặt nước sẽ thả ra 1 rôbốt tự hành để phá mìn. Rôbốt này, được chế tạo bởi công ty Saab, sẽ tiến đến quả mìn, nhẹ nhàng đặt lên đấy một khối thuốc nổ rồi rời xa, kích hoạt khối thuốc nổ để phá mìn.
“Tại mỗi giai đoạn, cho dù là ở khoảng cách xa, chúng tôi luôn có thể giành quyền kiểm soát. Giống như các drone trên không không thể thay thế cho các phi cơ, những con tàu tự hành dưới biển cũng không thể bỏ được các tàu phá mìn” – Alexis Morel cho biết. Nhưng về lâu dài, sao chúng ta không nghĩ đến một hạm đội tàu ngầm drone, giữ liên lạc với nhau và được trang bị trí thông minh nhân tạo ngày càng hiệu quả hơn. Đại dương sẽ chật chội hơn nhưng lại ít thủy thủ.