Kết thúc quý I-2019, xuất khẩu trà trên cả nước đã gây bất ngờ khi tăng tới hơn 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, giá trà xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2018 tăng 4,9% so với năm 2017 và trong quý I-2019 (đạt 1.727 USD/tấn) tăng 11% so với quý I-2018. Có thể nói, một phần thành quả này đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao chất lượng, tăng đầu tư vào các loại trà đặc sản và sản phẩm mới.
Toàn thế giới sẽ uống trà nhiều hơn
Yếu tố làm nên mức tăng vừa qua chủ yếu đến từ Pakistan – thị trường lớn nhất của trà Việt Nam với 34,6% thị phần. So với cùng kỳ năm 2018, ba tháng đầu năm lượng trà xuất sang nước này tăng 91% về lượng và tăng 75,6% về giá trị. Đà tăng trưởng này được cho là vẫn còn khả năng kéo dài, bởi thị phần của trà Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Pakistan vẫn rất thấp, chỉ khoảng 2,2%.
Tiêu thụ trà Việt Nam nhiều thứ nhì là Đài Loan – chiếm gần 14,6% về lượng và chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch, đạt 18.573 tấn, tương đương 28,75 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 5,4% về kim ngạch trong quý vừa qua. Riêng trà xuất khẩu sang Trung Quốc tăng giá mạnh so với năm 2017; vì vậy, sản lượng xuất khẩu tuy giảm 8,8%, đạt 10.121 tấn nhưng kim ngạch lại tăng 34,2%, đạt 19,67 triệu USD.
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo, sản lượng trà đen toàn cầu sẽ tăng 2,2% mỗi năm trong thập niên tới, đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2027; trong khi đó, sản lượng trà xanh toàn cầu dự báo còn tăng nhanh hơn, khoảng 7,5% mỗi năm, đạt 3,6 triệu tấn vào 2027. Tuy sản lượng tăng, nhưng tiêu thụ thời gian tới sẽ rộng mở hơn, bởi thị trường trà được dự báo sẽ vẫn không ngừng tăng đều đặn, chủ yếu bởi Trung Quốc, nơi chiếm gần 40% tổng tiêu thụ trà toàn cầu và đang sử dụng lượng trà xanh cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nhu cầu ở những thị trường khác cũng không ngừng tăng lên, trong đó có Ấn Độ, dư sức bù lại cho mức tăng trưởng yếu ở châu Âu.
Về thị hiếu, những năm qua thị trường chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen thưởng trà của người tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng thích uống trà truyền thống trong bữa sáng, chủ yếu là trà đen hoặc trà xanh thô. Nhưng hiện nay, nhu cầu thiên về các loại trà đặc sản, trà có hàm lượng chế biến cao, phối trộn với nhiều loại đồ uống bổ dưỡng khác.
- Xem thêm: Ngành trà Việt Nam trước áp lực thay đổi
Hiện nay có hai phân khúc đang phát triển rất mạnh, đó là trà thảo mộc và trà chế biến thủ công (theo cách truyền thống, từ đôi tay của nghệ nhân). Đây là những chủng loại mà các doanh nghiệp trà Việt Nam đang chú trọng đầu tư trong thời gian tới để gia tăng giá bán và kim ngạch xuất khẩu. Một số thương hiệu Việt đã thành công bước đầu trong phân khúc trà chế biến thủ công là trà Bashtea, trà Cao Sơn và đã xuất khẩu ổn định sang Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu.
Cần đầu tư mạnh hơn vào quảng bá và phân phối
Nếu vài năm trước đây, người tiêu dùng trong nước cần bột trà xanh matcha – một sản phẩm trà truyền thống của Nhật Bản chỉ có thể mua hàng nhập với giá cao thì hiện nay, bột matcha do người Việt sản xuất đã trở nên phổ biến với nhiều mức giá để lựa chọn. Hay phân khúc trà cao cấp trong nước cũng liên tục mở rộng với nhiều nhãn hàng trà ôlong, trà san tuyết, trà Thái Nguyên loại ngon xuất hiện trong các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn nhỏ…
Tuy nhiên, theo ước lượng của một số người trong ngành trà, khoảng 90% lượng trà tiêu thụ nội địa vẫn đến từ các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thủ công, chất lượng không ổn định. Các doanh nghiệp trà Việt Nam tạo được thương hiệu rộng rãi mới chỉ ở hàng chục như: Cozy, Phúc Long, Cầu Tre, Cầu Đất,Vinatea…
Trong những cái tên vừa kể trên, Vinatea (Tổng công ty Chè Việt Nam) gây khá nhiều chú ý khi tung ra 10 sản phẩm mới trong năm 2018, chia thành ba dòng: trà cao cấp, trà sợi rời và trà túi lọc. Trong đó, dòng trà cao cấp gồm bốn loại chính là: Bạch trà trăm năm, Đinh xuân trà, Hồng Vương trà, Ôlong Thượng hạng. Trước đây Vinatea là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và là doanh nghiệp có quy mô, địa bàn hoạt động lớn nhất ngành trà cả nước nhưng từng trải qua thời kỳ hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ.
Từ khi cổ phần hóa vào tháng 9-2017, Vinatea đã nhanh chóng tái cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm và đầu tư mạnh hơn vào quảng bá ra nước ngoài. Theo ông Nguyễn Hồng Anh – Tổng giám đốc Vinatea, năm 2018 ghi nhận là năm Vinatea đạt sản lượng xuất khẩu trực tiếp nhiều nhất, và cũng là năm thị trường xuất khẩu mở rộng lớn nhất, đặc biệt là các thị trường cấp cao.
Có thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp trà Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm cách đưa sản phẩm đến được tay người tiêu dùng. TS Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam từng cho biết doanh nghiệp Việt mở kênh phân phối sản phẩm sâu không dễ dàng vì chi phí cao gấp ba lần việc mở một nhà máy sản xuất.
Ông chia sẻ: “Chính sách của Nhà nước mới chỉ tập trung hỗ trợ sản xuất mà ít giúp đỡ các doanh nghiệp tiêu thụ. Để xây dựng thương hiệu và bán được sản phẩm ra thế giới, chúng ta phải xây dựng các tập đoàn có tiềm lực tài chính. Thế nhưng, thực tế cho thấy một số doanh nghiệp sản xuất chè khô xong đều muốn bán vội để quay vòng, không đóng gói để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng”.
Tại một số quốc gia, việc xây dựng thương hiệu trà được gắn liền với giới thiệu văn hóa, làm như vậy vừa phát huy được giá trị văn hóa dân tộc, vừa tránh được hiện tượng ép giá. Chẳng hạn ở Nhật Bản, thương hiệu trà luôn gắn với niềm tự hào dân tộc, thông qua việc quảng bá văn hóa trà đạo của quốc gia này ra khắp thế giới. Còn Trung Quốc có Liên hoan Văn hóa vườn trà và Tuần lễ Văn hóa trà đen An Hoa đã được tổ chức 17 lần liên tiếp tại Bắc Kinh.
Hoạt động không chỉ là một trong những nỗ lực truyền bá văn hóa mà còn nhằm xúc tiến phát triển ngành công nghiệp trà trở thành thế mạnh cho sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Nếu Việt Nam làm tốt hoạt động này, doanh nghiệp trà nội địa sẽ tăng thêm sức cạnh tranh trước các nhãn hàng trà đến từ nước ngoài đang chiếm giữ thị phần đáng kể trong nước.