Tại một hội thảo về trà diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh gần đây, ông Ramaz Chanturiya, Chủ tịch Hiệp hội trà nước Nga cho biết, Nga là quốc gia nhập khẩu trà lớn nhất thế giới, trong đó Việt Nam đứng thứ tư trong số các nước xuất khẩu trà sang thị trường Nga với khoảng 9.000 tấn/năm, chiếm 11% thị phần. Thế nhưng, theo ông Ramaz, giá trị trà Việt Nam xuất khẩu sang Nga đang còn thấp, nguyên nhân chính vì trà Việt chưa có hình ảnh đặc biệt tại thị trường Nga.
Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, trà Việt Nam dù xuất khẩu với khối lượng thứ năm toàn thế giới (đạt hơn 200 triệu USD/năm) nhưng vẫn bị xếp vào hạng “không có thương hiệu”. Nguyên nhân do đa phần trà xuất khẩu nước ta chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính, chưa có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn để thâm nhập vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ… Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam cho biết mỗi năm, ngành trà phải chịu thiệt hại hàng trăm tỉ đồng do ngành trà chưa thực hiện được đúng luật tiêu chuẩn, quy chuẩn về nguyên liệu, cách thức chế biến, tiêu thụ do Nhà nước ban hành.
Để phát triển thương hiệu trà Việt Nam tại thị trường Nga, ông Ramaz đã đưa ra những giải pháp như: Việt Nam nên có những thay đổi mới về hình ảnh thương hiệu trà, phải xây dựng thương hiệu khác và đi trước những thương hiệu trà đã nổi tiếng trên thế giới. Đồng thời cần có sự quan tâm đầu tư chiến lược lâu dài như: hỗ trợ xây dựng các nông trang, công ty lớn để thúc đẩy ngành trà phát triển. Mặt khác, Việt Nam nên du nhập mạnh công nghệ và chú ý phát triển thương hiệu trà ở các thị trường đặc biệt như Nhật Bản hay các nước Tây Âu…
- Xem thêm: Ngành trà Việt Nam trước áp lực thay đổi
Về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trà, ông Wiliam Lee, Giám đốc điều hành Ủy ban trà Hàn Quốc cũng chia sẻ trong buổi hội thảo: “Làm thế nào để kết hợp du lịch nông nghiệp với di sản truyền thống, qua đó du khách có thể vào những vườn trà trải nghiệm và tự tay hái, pha loại trà mình ưa thích. Việt Nam được biết đến là quốc gia nổi tiếng về ẩm thực cho nên việc trải nghiệm trà kết hợp với ẩm thực và nghệ thuật cũng quan trọng để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của du khách. Cùng với đó, cần chú trọng đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm; tạo ra kênh quảng bá hữu hiệu – đây là xu hướng được các nước trên thế giới quan tâm và triển khai.
Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc Công ty TNHH Thế Hệ Mới (trà Cozy) từng cho biết: không chỉ Cozy mà 20 năm qua, đa phần các doanh nghiệp Việt thiếu định hướng xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng. Doanh nghiệp chủ yếu tìm mọi cách xuất khẩu để có ngoại tệ và cách duy nhất là sản xuất nguyên liệu giá rẻ. “Người tiêu dùng trên thế giới biết tới những thương hiệu trà Việt Nam như Cozy chưa nhiều, vì việc tổ chức phân phối sản phẩm ở thị trường nước ngoài không dễ dàng, chưa kể phải kết hợp giữa kênh phân phối và marketing hiệu quả, đồng thời hiểu biết văn hóa từng nước”, ông Đoàn Anh Tuân chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hiệp hội Trà Việt Nam, cho rằng trà xuất thô phải chịu áp lực giá tăng hoặc giảm nhưng chế biến sâu thì chưa làm được. Doanh nghiệp Việt mở kênh phân phối sản phẩm chế biến sâu cũng sẽ không dễ dàng vì chi phí cao gấp ba lần việc mở một nhà máy sản xuất trong khi Nhà nước không hỗ trợ.
- Xem thêm: Nông trại organic độc đáo ở Đà Lạt
Nhiều người trong ngành cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu đạt giá trị không cao, ngành trà cần tập trung mở rộng thị phần nội địa. Giá trị xuất khẩu trà của Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình khoảng 1,6-2 USD/kg trong khi người thưởng trà trong nước có xu hướng chọn các sản phẩm có giá trị tầm 180.000-200.000 đồng/kg (tương đương 7,9-8,8 USD/kg). Như vậy, chính người tiêu dùng trong nước sẽ có thể mang lại giá trị gia tăng cao hơn nhiều cho sản phẩm trà Việt Nam.