Con người và thế giới tự nhiên giao hòa thống nhất. Ý thức thẩm mỹ về thế giới tự nhiên dần được hình thành và được hình tượng hóa. Chẳng những cảnh quan vĩ mô như bầu trời, núi non, bình nguyên, giang hà, nhật nguyệt… mà cả ở cấp vi mô như khe suối nhỏ, cánh chim, cành hoa, chiếc lá… vừa là cái đẹp cụ thể khách quan vừa tượng trưng chủ quan ở những giá trị nhận thức, tình cảm, thẩm mỹ. Chiếc lá chẳng những đẹp tự nó mà còn đẹp ở những giá trị nhận thức, đẹp ở ý nghĩa biểu trưng.
1. Chiếc lá trở thành đối tượng thẩm mỹ của thơ ca, thể hiện một kiểu tư duy nghệ thuật – nắm bắt cái thần của lá mà xúc động tâm tình, bộc lộ đặc trưng của thơ ca – suy tư thấu cảm bản chất của cảnh tượng, chủ và khách thể thẩm mỹ tương giao. Qua chiếc lá nhỏ, trí tuệ và cảm xúc nhận ra bầu trời không mái che – mặt đất trải chiếu nằm, tìm về ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo thơ ca: vũ trụ – nhân sinh – muôn vàn dạng thức tình yêu… mãi bay trong gió, mãi chảy trong nước, muôn vàn lá thơ nhỏ bé xinh xắn trên cổ thụ đại ngàn. Lá trong thơ là một không gian sinh tồn, lặng lẽ xôn xao đồng điệu với nhịp thời gian, nhịp vũ trụ và nhịp tâm hồn.
Lá xanh hướng ôm bầu trời xanh ý vị. Lá vàng lặng chao nằm lòng đất nâu thì thầm. Từ một chiếc lá khách thể tự nhiên tự nó, qua mắt nhìn của trí tâm, hóa chủ quan cảm xúc thẩm mỹ từng chủ thể trữ tình sáng tạo, vào trong thơ, lá nằm im lặng lẽ giữa hai bờ hư thực, đến tầm đón đợi của chủ thể tiếp nhận… lại chủ quan hóa lá riêng lòng mình. Lá vô ngôn ký thác tâm tình. Quê hương Việt ai cũng có mắt làng, mắt phố, mắt ao, mắt hồ, mắt sông, mắt biển, mắt lá…
Chiếc nôi sông nước Việt mướt xanh sự sống. Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển… xanh lá không thời gian. Chiếc lá phận người trong cội nguồn tục ngữ, ca dao. Giàu ân nghĩa tương thân tương ái. Lá lành đùm lá rách. Tình mẹ như nước trong nguồn. Nước mãi chảy lại về nguồn. Phận người như lá theo gió cuốn đi. Lá rụng về cội. Chẳng được may mắn lá ngọc cành vàng… dù là chiếc lá khô kiệt nước vẫn phập phồng sự sống đáng yêu của những đôi lứa đang giận hờn biết níu giữ thương yêu. Lá khô còn dính trên cành – Giận thì nói vậy, sao đành bỏ nhau.
2. Trong thơ ca cổ điển phương Đông, con người nhìn nhận thiên nhiên là trung tâm, thiên nhiên – chiếc lá mang đầy đủ những phẩm chất người, là ngọn nguồn ban phát các phẩm chất của nó cho con người và đến lượt con người mượn thiên nhiên – chiếc lá để miêu tả cảm xúc nội tâm, ký thác nỗi niềm. Lá và người, tình và cảnh vận hành theo nguyên lý đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Thu và thơ vốn có duyên kỳ ngộ. Thu vàng gió heo may, chiều tím loang vệt hồn, lá rơi ngơ ngẩn… giăng đầy thi ca. Một lá ngô đồng rụng. Thiên hạ biết thu về. Ngô đồng nhất diệp lạc – Thiên hạ cộng tri thu. Cảm xúc và trí tuệ, triết lý và trữ tình hài hòa trong bao mối quan hệ. Cái cụ thể ở chiếc lá rụng với cái trừu tượng mùa thu, tình thu, hơi thu… Cái một đơn chiếc và cái tổng thể thiên hạ diện điểm cộng hòa.
Cái cảm giác nhìn thấy lá rụng với tri giác, tư duy thiên – địa – nhân tương giao, ngưng đọng và thăng hoa trong một chiếc lá vương bay. Thủ pháp quan hệ và thủ pháp phác diễn hài hòa thi – họa, lá là một tiến trình thẩm mỹ giản dị thầm kín hòa quyện hồn người ôm cả trời xanh.
Điển cố ngô đồng nhất diệp lạc qua tay hoa sáng tạo của Nguyễn Trãi mang màu phôi pha trầm lắng đơn côi buổi tàn thu. Mấy người này nọ thi đỗ – Lá ngô đồng lúc mạt thu. Nhà Nho cốt cách đầy nỗi niềm suy tư, anh hùng chí lớn đầy nghĩa khí, và cả con người đời thường với lòng riêng trữ tình. Ba mặt không mâu thuẫn mà dung hòa tôn tạo nên con người – thơ Ức Trai. Cây chuối thuộc đề tài thiên nhiên quen thuộc mà lạ trong thơ ca cổ điển Việt Nam.
Qua hình tượng cây chuối, Nguyễn Trãi đã thể hiện cảm hứng về tình yêu tuổi trẻ sâu sắc, kín đáo mà sôi nổi, rạo rực. Một hình tượng tuyệt đúng và tuyệt lạ qua liên tưởng sáng tạo. Tình thư một bức phong còn kín – Gió nơi đâu gượng nở xem. Tàu lá chuối non – bức tình thư đang cuộn tròn e ấp. Thật tinh tế ở sự nâng niu, trân trọng nét trinh nguyên. Thật khát khao, ham muốn khám phá mà gượng nhẹ, tình tứ, ý nhị…
Ảnh hưởng đích thực bao giờ cũng qua sáng tạo. Nguyễn Du xoay phận người tài – tình – mệnh trong cõi người trăm năm qua hình tượng chiếc lá (16 lần). Lá phận người – lá đề thơ – lá duyên tình… Lá thắm rút gọn từ hồng diệp đề thư (lá thắm đề thơ). Lá thơ duyên lành. Mới hay lá thắm là người mối manh.
Sau lần đầu gặp gỡ, Kim tương tư lần tìm. Khó thông tin tức với Kiều. Thâm nghiêm kín cổng cao tường – Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh. Nhặt được cành kim thoa, giáp mặt, ngỏ lời… Kiều vẫn ngập ngừng ý thức tơ duyên. Dù khi lá thắm chỉ hồng – Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. Kim hoàn, khăn hồng trao tay gọi là làm tin. Vội vàng lá rụng hoa rơi. Từ biệt nhau vội vã. Nhạy cảm, đa tình trong bản năng. Chữ nghĩa thi thư cũng đầy. Phận hồng nhan canh cánh lá thắm chỉ hồng. Một mình xăm xăm băng lối đến với Kim, gió mát trăng trong… Kiều ý tứ phận mình. Nàng rằng: Hồng diệp xích thằng – Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri. Chọn chữ hiếu, lụy chữ tình. Cha bất lực lòng đau. Kiều khuyên giải. Thà rằng liều một thân con – Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây. Trao duyên cho em, biết mình bạc mệnh. Tâm hồn nhạy cảm, gió thoảng lay lá, hồn đau lại về. Trông ra ngọn cỏ lá cây – Thấy hiu hiu gió thì hay chị về. Bí nước. Liều mình. Đưa chân. Chạy trốn. Mắc lừa Sở Khanh. Sáng lạnh giọt nước phận mình. Đêm thu khắc lậu canh tàn – Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm sương. Tiếp khách chốn lầu xanh. Dập dìu lá gió cành chim. Cô độc đau thức. Giật mình mình lại thương mình xót xa. Phận má hồng làm vui cứ thế. Nửa năm hơi tiếng vừa quen. Thúc mang Kiều về. Ngô đồng chen lá vàng, sang thu, biệt ly hận buồn. Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng. Kể từ khi Người lên ngựa kẻ chia bào – Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Năm tròn sống bơ vơ. Lại sang thu. Đong đưa như Thúc chợt nhớ chuyến đi, nhớ bóng cái Đẹp – nàng Kiều. Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô. Đời Kiều cứ thế. Hết khách làng chơi. Nặng nghĩa dở dang tay anh hùng. Kim trọn duyên Vân, công danh thăng đường. Tài từ chỉ ở lòng riêng thương đau lao đao thẫn thờ… Xót thay chiếc lá bơ vơ.
Chiếc lá trở mình trong buổi giao thời gió Âu mưa Á. Lắm nỗi niềm mà đầy bản lĩnh, lặng lẽ mà đầy khí phách như Cao Bá Quát mới có một cung cách riêng – vận dụng điển cố. Một lá ngô đồng bay trước giếng – Hiu hắt gió tây thổi đêm dài. Vẫn là ngô đồng nhất diệp nhưng không lạc (rụng) mà phiêu (bay nhẹ)… Chỉ thay một chữ mà linh hoạt sinh động và lắng sâu tỏa rộng. Nhà Nho cuối mùa… Nguyễn Khuyến mang tâm trạng đầy giằng co xuất xử. Chùm thơ thu (Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu) vừa là bức tranh làng cảnh Bắc Bộ đẹp tĩnh lặng đượm buồn, vừa là tâm cảnh giản phác, cô quạnh, uẩn khúc khó giãi bày. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí – Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Cái thần tình của cụ Tam Nguyên là tìm được và bạo tay dùng một động từ mạnh, vèo để diễn đạt rõ cả âm thanh, cả đường đi chao nghiêng của tờ lá trong không gian tĩnh lặng. Lá vàng như một điểm xuyết làm nên bức tranh thu, tạo không gian hai chiều tâm cảnh tình thu. Sóng biếc – lá vàng, màu sắc hòa hợp. Dịu nhẹ thanh sơ trong đường nét chuyển động. Gió nhẹ thổi, lá vàng khẽ đưa, sóng biếc gợn lăn tăn, sóng gợn – lá đưa được phối cảnh tinh tế. Cái nhìn thấy và cái nghe thấy được tô đậm qua phép đối tương tác tương giao làm nên một nét thu trăn trở tình thu. Lá vàng khẽ đưa trước gió có vẻ không hợp lý nếu có độ vèo khi bay, nhưng đó là tâm trạng, tâm sự buồn thương trước thời thế của nhà thơ. “Cái thú vị của bài Thu điếu ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi” (Xuân Diệu). Ngày nào nhà Nho cuối mùa Câu cá mùa thu làm nên trạng thái vèo của chiếc lá như một nhãn tự mà khách tài tử Tản Đà rất tâm đắc. Một đời thơ mới có được một câu vừa ý, chiếc lá cuối buổi giao thời trong hồn thơ Tản Đà qua cái bay vèo Cảm thu, tiễn thu… đẹp buồn phôi pha. Vèo trong lá rụng đầy sân – Công danh phù thế có ngần ấy thôi. Thu đậu lên tâm lòng khách não. Gió hiu hắt, sương buông lạnh, trăng bạc trong… chợt ngộ công danh phù phiếm, nhẹ lá rụng, bên sân.
3. Sang Thơ Mới với ý thức lấy con người làm trung tâm, con người kiêu hãnh ban phát các phẩm chất người cho thế giới tự nhiên. Chiếc lá thấm đẫm chất người qua sự can thiệp của các nét cảm xúc chủ quan cá nhân, cá thể. Khát vọng khẳng định cái chủ quan được thể hiện bằng các motif thơ có sắc thái cực đoan. Ra đi – cầm lòng – kiên quyết. Mẹ thà coi như chiếc lá bay. Chán nản – hoài vọng – siêu thực. Nhặt lá vàng chắn nẻo xuân sang.
Cây gửi sắc xanh vào trời, trút sắc vàng vào đất. Lưu Trọng Lư gửi lại nét họa giàu thanh nhạc Tiếng thu lá vàng. Em không nghe rừng thu – Lá thu kêu xào xạc – Con nai vàng ngơ ngác – Đạp trên lá vàng khô. Phôi pha, biệt ly, còn mất, cái Đẹp tình yêu lặng tin tái sinh tái tạo. Ghét những cảnh hoa cỏ xén, những cảnh tầm thường giả dối… là chối bỏ hiện thực nhàm tẻ phàm tục làm thấp bé con người. Gọi bao kiếp sống mòn mỏi trong môi trường sống tù đọng đầy rẫy những điều sắp đặt giả dối. Len dưới nắp những mô gò thấp kém – Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm – Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu – Của chốn ngàn năm cao cả, âm u… Nhớ rừng là một đỉnh cao trong sự nghiệp thi ca của Thế Lữ, xếp vào hàng tuyệt phẩm của phong trào Thơ Mới. Bị giam hãm trong vườn bách thú, con hổ đầy nỗi niềm tâm sự nhớ rừng. Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng – Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc. Vẻ đẹp tự nhiên, tự do, kiêu hãnh của hổ là cả cái Tôi cá nhân tự ý thức mình đẹp và đầy khát vọng. Từ đó gợi tràn cảm khái hướng đến chân trời tự do cho cái Tôi cá nhân và cho cả dân tộc.
- Xem thêm: Vui biết chừng nào, đẹp biết chừng nào
Tôn trọng dòng chảy tự nhiên, sống động của cảm xúc cá nhân, cá thể, chiếc lá được chủ quan hóa cao độ được phổ vào các nét nhân tính rất riêng tư. Lá vàng mang nỗi buồn thương xót xa, tiếc nuối… “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” nhuốm màu sắc tâm trạng với sự ông đồ hóa của Vũ Đình Liên. Ông đồ vẫn ngồi đấy – Qua đường không ai hay – Lá vàng rơi trên giấy – Ngoài trời mưa bụi bay. Lá như một biểu tượng nghệ thuật vừa mang tâm thức dân tộc, thể hiện chiều sâu căn tính chính mình ở từng cá thể, vừa mang cảm thức thẩm mỹ thời đại. Chân quê dùng dằng phố thị, mãi Tương tư như Nguyễn Bính. Ngày qua ngày lại qua ngày – Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng…
Rạo rực đam mê mà đầy băn khoăn như Xuân Diệu lụy sống chữ tình mãi Vội vàng phiêu bồng không gian. Này đây lá của cành tơ phơ phất – Của yến anh này đây khúc tình si… Thơ duyên là thơ tình sinh ra giữa đất trời và phát triển theo lẽ tương giao của vạn vật. Giai điệu hạnh phúc tuôn trào từ khúc nhạc dạo đầu với chiều mộng – nhánh duyên trong âm hưởng hòa thơ. Chút thoáng ngợp trong cảm xúc, ăm ắp, no đầy, dưng nghiêng đổ trong cảm nhận sắc trời tuôn chảy dào dạt vào lòng người. Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá… Đây mùa thu tới gôm chứa cả hai giọng reo vui và thảng thốt. Sắc thu đẹp. Hồn thu buồn. Giọng thơ nhẹ thấm. Vẫn liễu, vẫn thu vàng. Thu đến cây nào chẳng lạ lùng (Nguyễn Trãi), Rừng thu từng bước xen hồng (Nguyễn Du), Sắc đâu nhuộm ố quan hà – Cỏ vàng cây đỏ bóng tà tà dương (Tản Đà)… Cả sắc điệu vàng thu cổ điển ùa về hợp cảm, ánh đằm trong tiếng reo thảng thốt man mác buồn của Xuân Diệu… liễu… đìu hiu… chịu; buồn… buông… xuống; ngàn… hàng… Sau dáng thu là sắc thu Với áo mơ phai dệt lá vàng. Lá vàng dệt nên áo mơ phai hay áo mơ phai dệt nên lá vàng… trong cấu tứ câu thơ độc đáo mang tâm trạng thoáng vui xen lẫn u buồn, bình thản xen ngỡ ngàng, yên ả mà xôn xao… Vườn thu với lá, hoa, cành trong trạng thái chuyển đổi, tương giao giác quan. Nhìn thấy màu sắc chuyển động khẽ mơ hồ Những luồng rung rẩy rung rinh lá và nghe được cái lạnh Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Sầu vạn cổ tuôn nhựa sống thân cây, lượm nhặt buồn rơi Nhạc sầu, có niềm vui nào trong mảnh vỡ muôn hình ám ảnh thời gian như Huy Cận. Từng tiếng lệ ấy mộng sầu úa lá… Vũ trụ và nhân sinh trong chiếc lá Thu rừng đầy tâm trạng giữa không – thời gian. Sắc trời trôi nhạt dưới khe – Chim bay lá rụng cành nghe lạnh lùng. Chiều vắng lặng buồn, chiếc lá ru êm đồng cảm lứa đôi Ngậm ngùi mộng đẹp tự tình, điệu hồn cổ điển sáng ru màu sông nước. Nắng chia nửa bãi chiều rồi – Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá sầu. Lá hoa gai mắc cỡ, xấu hổ, trinh nữ… ngào ngạt sắc, ủ hương thơm, ứa máu tim trần… Rừng xưa đã khép, đâu chiếc lá phận mình… Em về mấy thế kỷ sau – Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không – Ta đi còn gửi đôi dòng – Lá rơi có dội ở trong sương mù? (Bùi Giáng).