Xã hội internet tạo thuận lợi cho con người giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tạo mối quan hệ…, nhưng đồng thời cũng gây lắm mối oán thù.
Bất cứ ai, chỉ cần ngồi nhà cũng có thể “tạo nghiệp” được. Mạng ảo cho nên người ta có thể tha hồ đứng trong bóng tối buông ra những lời khiếm nhã nhất mà không sợ bị phát hiện nếu giấu tên thật, địa chỉ, người “trình” cao còn đổi IP liên tục để tránh lộ tẩy.
Thậm chí, cả những trận đòn thù (ném đá) nếu có gì sơ sót trong quá trình tham gia bình luận. Ảo mà thật, đau ra trò, mất ăn, mất ngủ, tốn tiền điện thoại gọi bạn bè tìm đồng minh, phân bua, giãi bày…
Thử xem một tình huống: một nhóm chơi với nhau qua blog, chia sẻ tâm sự, trao đổi (bình luận) ngày đôi ba lần, riết rồi thân. Qua chữ nghĩa cảm giác càng thân hơn, thậm chí có thể thổ lộ chuyện riêng tư nhất. Con người khó giấu được mình qua thời gian dù chỉ chơi trên mạng ảo.
Tai hại nhất là những bình luận khen, tâm lý con người ai cũng thích khen, từ lúc có nhiều người khen đâm ra tưởng bở, cứ nghĩ họ thật với mình vì mình đúng được khen. Tâm lý “sao” thể hiện, một ngày bỗng dưng “ló đuôi chồn” (vì bản chất nó vậy) lỡ lời, có những bình luận khiếm nhã với các bậc đàn anh.
Cuộc chiến bắt đầu, kẻ ném đá, người bênh vực; khổ nỗi, khi ném đá người ta lại lôi ra những khuyết điểm của anh/chị này lâu nay (vì lịch sự người ta bỏ qua). Có người vào can gián, mong mọi người bình tĩnh, giữ hòa khí, chơi trên mạng vui là chính sao đến nỗi này.
Có người tức khí, làm cho ra lẽ, anh/ả đó dốt giờ bày đặt lên mặt dạy khôn thiên hạ, lâu nay vì lịch sự cứ phải khen mà không biết là lời khen đểu. Cứ tưởng bở!
Cuộc chiến bất phân thắng bại nếu không có người đứng ra dàn hòa. Còn phải tốn bao cuộc điện thoại, kể cả người thuyết khách, bên bị ném đá và bên ném đá. Khó ai thống kê được trên mạng ảo xảy ra bao cuộc chiến tranh mỗi ngày như thế. Ở đây, được hưởng lợi là nhà mạng, các công ty điện thoại… Ngư ông đắc lợi!
Tưởng chuyện chỉ có thế, qua rồi thôi, bản chất con người, nói chung, vốn mau quên, tuy có rạn nứt, nhưng thôi chín bỏ làm mười, coi như kinh nghiệm đối nhân xử thế, dè chừng, bình luận chừng mực hơn… Không ai nghĩ đến hậu quả một ngày gây ra tổn thương cho những người thân yêu vốn chẳng liên quan gì đến những vấn đề trên mạng của cha/mẹ mình.
Người ta cũng biết rằng, chốn thương trường đánh nhau trực diện, chốn quan trường mới đâm nhau sau lưng. Con cái đang ăn ra làm nên, gặp đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, một ngày đối thủ phát hiện cha/mẹ tay giám đốc đó có thời gian bị bêu xấu trên mạng.
Chỉ cần gõ vài từ khóa trên Google là ra bao nhiêu trang. Đòn tấn công bắt đầu, hạ uy tín đối thủ bằng tư cách (ảo), mẹ/cha người đó không ra gì đâu, một thời gian dài bị đánh hội đồng trên mạng.
Thắng hay thua chưa biết, chỉ thấy chuyện quá khứ đẩu đâu bị lôi ra làm xấu mặt đối thủ. Gây không ít phiền não, đau đầu! Con về chì chiết cha mẹ. Nỗi ân hận muộn màng.
- Xem thêm: Mạng xã hội – lạnh nhạt ảo, đau khổ thật
Cha mẹ nào mà không thấy có lỗi với con trong trường hợp này? Đã không giúp đỡ con thì thôi sao lại gây khó khăn cho con chỉ vì tính hiếu thắng trên mạng ảo? Internet lan nhanh hơn tốc độ ánh sáng, lại còn nhân bản, làm sao xóa sạch dấu vết bây giờ?
Vậy đấy, việc chơi không dễ. Chơi trên mạng tưởng là an toàn, vui vẻ, hóa ra không. Thói đời, phải nơi nào có “đánh đấm” mới vui, có lượng truy cập nhiều. Con người chạy theo ảo giác giống như đang thử doping! Thôi thì, cẩn trọng vẫn hơn. Kinh nghiệm nào cũng quý báu.
Từng câu, từng chữ suy đi, nghĩ lại rồi hãy gõ máy tính vì nên nhớ, mọi thứ đều lưu lại hết và trên toàn thế giới ai cũng có thể đọc được. Khi nào đủ tự tin và bản lĩnh như ông Alan Phan: “60 tuổi mà không có… kẻ thù là thất bại toàn tập”, thì mới nói chuyện!