Nếu có, bạn có cảm thấy việc này “dễ dàng hành động” hơn so với khi phải phớt lờ ai đó trong đời thật? Hành động “đoạn tuyệt” mà không một lời giải thích hay phớt lờ ai đó trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và thông thường hơn.
Vì một lý do nào đó, nó được xem là gần như có thể chấp nhận được trong một thế giới siêu tốc như ngày nay. Mọi người vẫn hành xử như thế “một cách nhẹ nhàng” vì không phải tận mắt chứng kiến nỗi đau của phía bên kia. Thế nhưng, nếu bạn là nạn nhân, thì những hành động như thế sẽ làm bạn thật sự thấy khó chịu.
Trong những năm gần đây, với sự thịnh hành của điện thoại thông minh, mọi người dường như đang mang theo “đời sống xã hội” của họ trong lòng bàn tay. Chúng ta ngày càng trao đổi bằng tin nhắn nhiều hơn và cũng bắt đầu phớt lờ tin nhắn nhiều hơn.
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện những kênh mạng xã hội mới như Snapchat, một ví dụ cho sự tương tác “vô tình, vô tâm” trên xã hội ảo. Cuộc đời dường như trở thành một “video game” khổng lồ. Hoạt động trực tuyến trở thành mảnh đất màu mỡ cho sự bất bình, lòng tự trọng “lao xuống đáy” và những nỗi buồn.
Mạng xã hội là một trò chơi của những con số. Bạn có thể thu hút được bao nhiêu người theo dõi, bao nhiêu bạn, bao nhiêu “fan”? Bao nhiêu lượt thích, bao nhiêu “trái tim” hay “mặt cười”? Trong khi đó, giao tiếp thật với người ngồi kế bên bạn lại không diễn ra vì bạn bận chìm đắm vào màn hình điện thoại.
Theo thông tin của MediaKix, một công ty chuyên về tiếp thị ảnh hưởng, một người dùng internet trung bình sẽ dành năm năm và bốn tháng trong cuộc đời họ cho mạng xã hội, trong khi đó họ chỉ dành một năm và ba tháng để đích thân giao tiếp với người khác.
Christine Louise Hohlbaum, một blogger – tác giả người Mỹ, chia sẻ rằng bà không phải là người ghét công nghệ mới, cũng không bực bội với mạng xã hội hay chống đối Facebook. “Thực tế thì tôi sử dụng mạng xã hội mỗi ngày. Đó cũng là cách mà tôi kiếm sống.
Theo tôi thì mạng xã hội mang lại giá trị lớn nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách. Nhưng tôi cảm thấy rằng đang có một xu hướng kết nối với máy móc hơn là kết nối với những người sử dụng phương tiện công nghệ”, bà nói.
Christine Louise Hohlbaum khuyên chúng ta nên dành năm phút mỗi ngày để gọi cho ai đó mà mình quan tâm. Đừng nhắn tin, “chat” mà hãy nói chuyện trực tiếp với người đó.
- Xem thêm: Lý thuyết và thực hành
“Chúng ta nên lấy lại quyền kiểm soát và sự chủ động đối với mạng xã hội. Nếu bạn thấy một thông tin thú vị của một người bạn trên Facebook, hãy hẹn người đó gặp gỡ, cùng nhau café và trò chuyện. Nếu người đó sống ở xa, hãy sử dụng Facebook như một kênh thông báo, tiếp đó hãy dùng điện thoại trò chuyện trực tiếp”, Christine Louise Hohlbaum chia sẻ.
Đừng nghĩ rằng vì đây là xã hội ảo nên chúng ta có thể nhẹ nhàng biến mất như những chiếc bọt bóng. Sự kết nối và quan hệ thật sự bắt đầu với “những con người thật”.
Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm là một bước quan trọng giúp chúng ta học được sự cảm thông, cảm thấy hài lòng hơn về bản thân và môi trường xung quanh. Chúng ta sử dụng mạng xã hội để tương tác tốt hơn và làm phong phú hơn cuộc sống, chứ không phải để xa lánh, “ngắt kết nối” với đời sống thật.