Tuy nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, tổng lượng mưa khá lớn và lượng nước bề mặt cũng nhiều nhưng tài nguyên nước vẫn chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững. Có người lấy làm ngạc nhiên khi được biết Việt Nam bị xếp vào danh sách các quốc gia thiếu nước, song thực tế ấy đã được các chuyên gia môi trường dự báo sẽ nghiêm trọng hơn trong tương lai gần. Một trong những nguyên nhân là do nước sông – nguồn tài nguyên nước quan trọng được khai thác và sử dụng nhiều nhất đang bị ô nhiễm nặng nề do chất thải công nghiệp của các nhà máy và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Tại các đô thị lớn, dẫn đầu là TP.HCM, các dòng sông đều bị ô nhiễm đến mức báo động. Nếu tài nguyên nước không được quan tâm đặc biệt để đảm bảo nguồn cung bền vững, tình trạng thiếu nước sẽ gây những thiệt hại lớn về nhiều mặt.
Biểu tượng Ngày thế giới nước 2013
Nhìn thấy mối đe dọa đó rộng khắp trên toàn thế giới, Liên Hiệp Quốc đã chọn năm 2013 là Năm quốc tế về hợp tác nguồn nước và lấy ngày 22-3 là Ngày nước sạch thế giới nhằm tập trung kêu gọi các hoạt động hợp tác vì tài nguyên nước. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức của toàn nhân loại, tăng cường hợp tác và giải quyết những khó khăn, thách thức trong quản lý nước như kiểm soát tốt hơn nhu cầu sử dụng, phân bổ tài nguyên nước và các dịch vụ liên quan đến nước. Đã có những hoạt động cụ thể như chương trình Nước của Liên Hiệp Quốc (UN-Water) hay Tổ chức UNESCO kêu gọi sự hợp tác về nguồn nước trên toàn thế giới, đặc biệt là phổ biến cách tiếp cận đa ngành, trong đó có sự pha trộn giữa các ngành khoa học tự nhiên và xã hội, giáo dục, văn hóa và truyền thống.
Thực trạng về khan hiếm nước sạch
Nước là yếu tố quan trọng đảm bảo nhu cầu cơ bản của con người, của môi trường, của sự phát triển kinh tế – xã hội ở mọi quốc gia. Nước là nguồn tài nguyên chung nên quản lý nguồn nước cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh. Do những đặc trưng rất riêng (nước được phân bổ không đều theo thời gian và không gian, vòng tuần hoàn thủy văn thường phức tạp, có thể gây ra những ảnh hưởng đa chiều…) nên việc quản lý tốt nguồn nước đang là thách thức lớn đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Dễ dàng nhận thấy tốc độ đô thị hóa, ô nhiễm và biến đổi khí hậu đang đe dọa nguồn nước trong khi nhu cầu về nước cho sản xuất lương thực, năng lượng, công nghiệp và dân sinh ở đâu cũng tăng nhanh.
Thiếu nước sạch để sinh hoạt, người dân phải đi mua nước tại những điểm bán lẻ
Lượng nước khai thác phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta phụ thuộc vào hơn 60% tổng lượng nước đến từ ngoài lãnh thổ. Mặt khác, tài nguyên nước lại phân bố không đồng đều giữa các vùng: trên 60% nguồn nước sông tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phần lãnh thổ còn lại chỉ có gần 40% lượng nước nhưng phải phục vụ cho khoảng 80% dân số cả nước và hơn 90% khối lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Có sự chênh lệch lớn về lượng nước giữa các mùa: nếu trong bốn, năm tháng mùa mưa nước tích lũy được khoảng 75 – 85% lượng nước cả năm thì những tháng mùa khô chỉ có 15 – 25%. Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng nước vào mùa cạn hiện đang bị giảm khoảng 6 – 7%, trong khi đó lũ lụt, thiên tai lại tăng lên cả về tần suất lẫn quy mô. Trong khi đó, năng lực bảo đảm nước của các công trình thủy lợi, thủy điện chưa theo kịp với nhu cầu sử dụng nước hiện nay (chỉ trữ được khoảng 7,7% lượng nước sông), đó là chưa kể đến lớp thảm thực vật phủ trên lưu vực bị suy giảm mạnh, xói mòn gia tăng khiến các hồ chứa bị bồi lấp nhanh chóng. Một mối lo khác là hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào đất liền theo các dòng sông, rồi tình trạng cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới lòng đất do công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra tràn lan. Các nhà chuyên môn dự báo rằng trong vòng 20 năm tới, các hồ sẽ không còn đủ dung tích trữ nước và phòng lũ như đã thiết kế.
Thất thoát và thiếu nước sạch cho sinh hoạt tại TP.HCM
Nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của người dân thành phố nhiều năm qua vốn đã thiếu, vậy mà còn bị thất thoát đáng kể trong quá trình vận chuyển. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết tỷ lệ thất thoát nước của TP.HCM là 36,54%, đạt kỷ lục Việt Nam về thất thoát nước! Mặc dù năm 2012 đã giảm được 1,88%, nhưng tỷ lệ thất thoát nước của TP.HCM vẫn còn ở mức khá cao. Đơn vị cấp nước này cho biết đã rất cố gắng trong công tác quản lý, vận hành hệ thống cấp nước, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nước yếu và thiếu trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể hơn, theo số liệu của Sawaco, tổng lượng nước mà các khách hàng tiêu thụ qua đồng hồ tính đến cuối năm 2012 đạt 324 triệu m3, số hộ dân thành phố được cấp nước sạch là gần 1,337 triệu, đạt tỷ lệ 87% tổng hộ dân. Riêng trong năm 2012, đã có thêm 87.649 hộ dân thành phố được cung cấp nước sạch (đều được gắn đồng hồ nước). Cũng trong năm 2012, bằng việc xây dựng tuyến ống D500 trên đường Lê Văn Lương, Sawaco đã giải quyết tình trạng thiếu nước triền miên ở một số khu vực cuối nguồn như các xã Hiệp Phước, Phước Lộc, Long Thới, Nhơn Đức của huyện Nhà Bè. Trong năm nay, TP.HCM sẽ nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 89%.
Tuy vậy, nhìn chung tiến độ triển khai các dự án phát triển mạng lưới nước và cải tạo ống dẫn nước còn chậm. Trên địa bàn TP.HCM, tại một số khu vực cuối nguồn, do đặc thù về địa hình, nhiều hộ dân vẫn phải dùng nước cung cấp từ xe bồn, ví dụ phường Linh Trung (quận Thủ Đức), các phường Tân Phú, Hiệp Phú (quận 9). Một vài khu vực hoàn toàn chưa có đường ống dẫn nước, người dân phải sử dụng giếng khoan (thuộc các quận Gò Vấp, 12 và các huyện ngoại thành).Trong mùa khô, nguồn nước cung cấp yếu đi hẳn nên người dân phải rất tiết kiệm nước mới có đủ nước sinh hoạt.
Những giải pháp bảo vệ nguồn nước ở tầm quốc gia, quốc tế
Năm 2013 đã có những mốc sự kiện về sáng kiến hợp tác, bảo vệ nguồn nước giữa các quốc gia theo các khuôn khổ pháp lý quốc tế. Những cố gắng đó sẽ góp phần thúc đẩy hành động ở tất cả các cấp, trong nhiều lĩnh vực, gồm giáo dục, văn hóa, khoa học… nhằm chủ động phòng ngừa tình trạng thiếu nước và giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến nguồn nước. Ngày nước thế giới 2013 tại Việt Nam là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cộng đồng… cùng chia sẻ các sáng kiến hướng đến bảo vệ và liên kết quản lý tài nguyên nước.
Tổ chức thanh niên Vì tương lai xanh của bé hưởng ứng Ngày nước thế giới với chủ đề trao đổi “Lãng phí nước trong sinh hoạt”
Ở quy mô quốc gia, bên cạnh việc tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các trạm quan trắc, hệ thống thông tin, đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã và đang đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với tài nguyên nước trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long. Liên quan đến nguồn nước, trong tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo ASEM chuyên về quản lý nước và lưu vực sông, cách tiếp cận tăng trưởng xanh. Nhiều đại biểu đến từ 51 thành viên ASEM và các tổ chức khu vực, tổ chức quốc tế có liên quan như Ủy hội Sông Mekông, Ủy ban Quốc tế về bảo vệ sông Danube, Hội đồng Nước thế giới, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới… đã tham dự và đóng góp ý kiến cho hội thảo. Các biện pháp tăng cường hợp tác nhằm sử dụng, quản lý bền vững nguồn nước và lưu vực sông gắn kết với tăng trưởng xanh, bảo tồn hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sinh kế của người dân là những nội dung trọng tâm của hội thảo trên. Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ sáng kiến chung của sáu nước thành viên Danube, Mekông (Hungary, Bulgaria, Romania, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEM 9 nhằm hình thành cơ chế định kỳ “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”.
Bên cạnh hội thảo, chương trình chào mừng Ngày nước sạch thế giới năm 2013 có chủ đề “Hợp tác vì nước” với thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ thì ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước” cũng đã diễn ra tại TP. Cần Thơ với các hoạt động chính như mít tinh hưởng ứng Ngày nước sạch thế giới, hội thảo khoa học “Hợp tác vì nước”, triển lãm ảnh “Nước – khởi nguồn của sự sống”, lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh “Bảo vệ nguồn nước là bảo vệ bản thân”…
Ngân An – Quý Sơn