Cuộc khủng hoảng Iraq ngày càng trầm trọng do tình trạng bất ổn của các nước xung quanh và cả do sự cạnh tranh giữa Iran và Ả Rập Saudi. Sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein đã khiến cho chế độ Iran được lợi lớn và đây là điều ngược đời của cuộc chiến tranh do Tổng thống Mỹ George W. Bush tiến hành cách đây 10 năm, bởi vì ông ta đã loại bỏ cho Iran một trong những kẻ thù tồi tệ nhất là Saddam Hussein. Ông W. Bush cũng đã góp phần đưa người Shiite lên cầm quyền, những người này đều ủng hộ Iran. Thế là, tuy chống Iran quyết liệt, nhưng Mỹ lại làm lợi cho Iran rất nhiều thông qua cuộc chiến chống Iraq. Và nhờ thế, ảnh hưởng của Iran ở Iraq hiện nay đang rất lớn. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi không bao giờ chịu chấp nhận sự gia tăng ảnh hưởng này của Iran.Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng vì mục tiêu đó, Ả Rập Saudi không muốn Iraq được ổn định. Cuộc khủng hoảng Syria cũng gây ra những hậu quả nặng nề đối với Iraq. Iraq gần như là nước Ả Rập duy nhất thù địch với phe đối lập Syria vì hai lý do. Một mặt, có một sự qua lại nào đó giữa mạng lưới Al-Qaeda ở Iraq và các tổ chức Jihad ở Syria. Mới đây, khoảng 20 binh lính Syria tị nạn sang Iraq đã bị mạng lưới Al-Qaeda tàn sát. Mặt khác, Chính phủ Iraq và người Kurd sợ rằng nếu Bashar Al-Assad sụp đổ thì dường như chắc chắn người Sunni sẽ lên cầm quyền ở Syria, và đấy sẽ là điều tệ hại đối với Iraq, vì lúc đó, nước “Syria mới” sẽ khuyến khích và ủng hộ người Sunni tại Iraq nổi lên chống lại chính phủ, hiện đang do người Shiite của Al-Maliki chi phối.
Tổng thống Syria Bashar Al-Assad
Năm 2014 sẽ diễn ra cuộc bầu cử ở Iraq và khi đó người ta có thể hy vọng một sự hòa giải dân tộc. Song điều đó còn phụ thuộc vào sự tiến triển của tình hình. Chính quyền của Al-Maliki đang bị người Sunni và người Kurd chỉ trích gay gắt, và thậm chí cả tầng lớp cao nhất của người Shiite ở Iraq cũng đã đưa những lời phê phán nhằm vào chính phủ này. Nhân tố thứ hai cần lưu ý là tình hình bên trong đảng của người Shiite. Đảng này đã đấu tranh chống Mỹ, có 60 nghị sĩ tại Quốc hội, đang cố gắng tiến hành đối thoại với người Sunni và người Kurd nhằm tìm ra một giải pháp cho cuộc hòa giải dân tộc. Nếu người Shiite hợp nhất để chống lại Al-Maliki, và họ lại liên kết được với người Kurd và một số đảng phái người Sunni để tạo ra đa số, thì có thể tình hình sẽ dịu đi, nhưng đương nhiên khi đó vị trí của Al-Maliki sẽ là một câu hỏi lớn. Song, đấy chỉ là một giả thiết, còn trên thực tế, ngoài vấn đề nội bộ như vậy, Iraq đang vô cùng khó khăn trong việc tìm lại được một sự ổn định thực sự do các yếu tố được đề cập ở trên cũng như sự cạnh tranh khu vực giữa Iran và Ả Rập Saudi.
Những người Sunni biểu tình chống chính quyền của Thủ tướng Nouri Al-Maliki vốn là người Shiite, tụ tập tại Quảng trường Ahrar, tại thành phố Mosul của Iraq
Cảnh đổ nát ở Syria sau khi Tổng thống Assad ra lệnh tấn công vào phe nổi dậy mà lực lượng chính là người Hồi giáo đối lập và người Kurd
Dưới thời Saddam Hussein, các thành viên của cộng đồng người Shiite ở Iraq từng là lực lượng đối lập chính với đảng Baath cầm quyền thuộc người Sunni. Tất cả các nhà lãnh đạo của các đảng đối lập, từ Đảng Cộng sản đến các tổ chức Hồi giáo cấp tiến nhất, kể cả các đảng thế tục thân Mỹ, đều là người Shiite. Chiếm gần 60% dân số Iraq, điều dường như tất nhiên là ngay từ các cuộc bầu cử tự do đầu tiên hồi năm 2005, dựa vào nguyên tắc “mỗi người một lá phiếu”, người ta đã chứng kiến việc liên minh các đảng người Shiite chiếm đa số trong Quốc hội giành chiến thắng. Và sự kiện này diễn ra vào thời điểm mà khi đó những người Shiite khác ở Lebanon, Afghanistan, Pakistan hay ở các chế độ quân chủ vùng Vịnh Persic, tái khẳng định bản sắc tôn giáo và sự có mặt, thậm chí là vị trí chính trị của họ. Điều này không thể không khiến các nước Ả Rập lo ngại và nghĩ tới giả thiết về sự khẳng định sẽ mở ra một “vòng cung Shiite” thân Iran trong khu vực Trung Đông. Thế nhưng, dù những mối lo ngại này có cơ sở hay không thì có một điều chắc chắn là để ước mơ ấy – cũng hấp dẫn như tên của nó vậy – thành sự thật, thì trước hết, người Shiite ở Iraq cần phải trở thành biểu tượng cho một lực lượng chính trị và tôn giáo hợp nhất.
Những hình ảnh này được cho rằng người Shiite và Kurd ở Iraq gửi quân tham chiến ở Syria
Song, thay vì đồng nhất, thì người Shiite (nói chung chứ không riêng người Shiite ở Iraq) lại chia rẽ bởi sự phụ thuộc tín ngưỡng và sắc tộc hay quốc gia của họ. Đặc tính của người Shiite, nhất là người Shiite Iraq, là không có một trung tâm quyền lực tôn giáo thống nhất. Đó là sự khác nhau cơ bản giữa người Shiite Iran và người Shiite Iraq.Phần lớn các thủ lĩnh tinh thần Shiite Iraq (các đại giáo chủ) không tán thành các nguyên tắc và quan điểm của người Shiite Iran. Người Shiite Iraq đa số theo truyền thống của thuyết “Tĩnh giáo”, tức là quy định các thủ lĩnh tôn giáo chỉ được hoạt động trong phạm vi các hội đồng tôn giáo mà không được can thiệp trực tiếp vào công việc chính trị, điều đó ngược với bên Iran láng giềng. Đó là lý do khiến chính quyền cấp cao nhất của người Shiite Iraq đã cấm các thủ lĩnh tôn giáo giữ các chức vụ về chính trị, trong khi ở Iran, quyền lực nhà nước nằm trong tay giới tăng lữ, và nhà lãnh đạo Iran vừa là thủ lĩnh tinh thần tôn giáo vừa là nhà lãnh đạo chính trị. Sự khác nhau này là do xuất phát từ một điều quan trọng ở người Shiite, đó là sự trung thành với Marja’yah, trung tâm quyền lực cao nhất của người Shiite, hiện đang ở Iraq chứ không phải ở Iran. Hiện tại, Marja’ lớn nhất của người Shiite trên thế giới và ở Iraq là đại Giáo chủ Ali-Sistani, gốc người Iran, nhưng lại sống ở Najaf, miền Nam Iraq. Xung quanh ông ta có ba Marja’ khác: Mohammad Said Al-Hakim, gốc Iraq; Mohammad Ishaq Al-Fayaz, gốc Afghanistan; và Bashir Al-Najafi, gốc Pakistan. Mọi người Shiite có quyền theo hay không theo một Marja’ nào. Nhà tôn giáo trẻ tuổi có tư tưởng cấp tiến, Muqtada AL-Sadr, thủ lĩnh của “quân đội Mahdi”, không theo Giáo chủ Sistani. Ông tán thành một sự can thiệp trực tiếp của các nhà tôn giáo vào chính trị, ông đã không do dự tiến hành một cuộc chiến tranh chống quân đội Mỹ và chống các đảng Shiite khác, nhất là chống Hội đồng Hồi giáo Iraq tối cao (ISCL), đảng Shiite chính của Iraq, bị tố cáo là phục tùng Iran. Muqtada AL-Sadr đã phản đối việc thông qua hiến pháp mới của Iraq vì hiến pháp này lập ra một chế độ liên bang tại Iraq để thỏa mãn những yêu sách của người Kurd.
Hàng chục người Sunni bảo thủ cực đoan hô khẩu hiệu chống Iran và vẫy một lá cờ cách mạng của Syria trong một cuộc biểu tình tại nơi cư trú của nhà ngoại giao Iran để phản đối nỗ lực của chính phủ Ai Cập cải thiện quan hệ với Tehran tại Cairo, Ai Cập, ngày 5-4-2013
Người Shiite ởIranbiểu tình mang theo quan tài của Nourali Shoushtari, một trong những chỉ huy Vệ binh cách mạng bị giết trong cuộc tấn công tự sát của nhóm người Sunni cực đoan Jundallah
Thực tế lịch sử đã cho thấy người Shiite Iraq hợp nhất với nhau khi họ phải đối mặt với những kẻ thù về tín ngưỡng, nhưng họ lại bị chia rẽ trước những âm mưu thuần túy chính trị, các thế lực ngoại bang và chủ nghĩa dân tộc.
T.L theo As-Sharki Al-Ausat, Trung Đông