Người ta kể với nhau “bảng xếp hạng” ở Tây: Thứ nhất là trẻ con, thứ hai là phụ nữ, thứ ba là các con vật cưng, thứ tư mới đến… đàn ông. Nghe mà… xót cả lòng vì vai trò đàn ông trụ cột bảo bọc gia đình như thế, sức mạnh như thế mà xếp thứ bét sau cả… các con thú nhỏ!
Có người lạc quan thì bảo: cái công thức, cái bảng xếp hạng ấy cho thấy đàn ông… ga-lăng chứ đâu có yếu! Cho tất cả lên trên tôi đó. Tôi nhường cho đó. Tôi là người bảo bọc ba cái thứ đứng trên tôi đó. Không có tôi thì làm gì có cái… đám ấy!
Ở Việt Nam ta, chưa ai tổng kết có bảng xếp hạng nào không. Nhưng mà chuyện này thì có: Bậc ông, bà bây giờ còn rất trẻ. Nhiều người còn ở trong một hội bạn bè nào đó, rủ nhau đi nhà hàng, túm tụm uống cà phê, ăn sáng, có cả đi hát karaoke.
Cho nên có nhiều người đắm chìm với cháu, thì cũng có người thề thốt: “Tôi là không có cái “mốt” hầu cháu. Không dây vào! Xin lỗi, xưa hầu bố mẹ mày rồi, bây giờ tự lực mà nuôi dạy con”.
- Xem thêm: Chuyện “nấu cơm”
Có người còn hùng hồn chứng minh: “Nuôi cháu là… ngu hết sức. Nhiều ông bà lỡ để cháu ngã, bị con nó điên tiết lên rủa: bà… chết đi!”. Nghe nặng nề thế nhưng thật ra nhà ấy có nói nặng thế là bình thường, là phút cáu giận chấp làm chi. Mai lại mẹ mẹ con con, lúc điên lên lại xúc phạm chửi bới.
Nhưng có bà nói: “Nói miệng thế thôi, vì chưa có đứa cháu cụ thể. Chứ lúc có rồi, đố mà ngoảnh mặt đi được”. Đôi khi có bậc ông bà chẳng phải động tay động chân gì với cháu. Vì chúng ở riêng với cha mẹ, đi học hành, nhà trẻ mẫu giáo cả tuần, chỉ Chủ nhật về chơi xong lại đi.
Nếu có ông bà nào lãnh đạm thì lập tức con cháu để ý ngay: Lạ lắm, có người già lại không yêu cháu. Sợ trẻ con. Sợ nó làm hư đồ đạc, đánh rớt, đánh vỡ, nhảy chồm chồm, sợ cả nó la hét, ồn ào. Trong khi đó có bà già mặc cái váy dài, tay cầm khẩu súng nhựa, đuổi chạy bắn bùm bùm nấp sau khe cửa. Thôi thì đủ các… dạng điên mới.
Có cặp vợ chồng trẻ sinh đứa con đầu lòng thì sáng Chủ nhật ông bà ngoại đến xách cho đồ ăn, chiều bà nội tới đem theo cả lá nấu nước tắm. Cứ xoay như chong chóng. Đứa trẻ trở thành trung tâm của chuyện nhà.
Bà nội thỉnh thoảng huơ tay trước mắt ông đang xem tivi xem còn thức hay ngủ, vì ông thường chỉ ngồi trước tivi vài phút là ngủ gật. Bà nói: “Ước gì cu Tí ngủ khỏe như… ông nội, ăn nhiều như… bà ngoại”.
Đôi khi trẻ nhỏ làm thỏa mãn tính… khoe khoang của người lớn. Bắt nó khoanh tay trước khách đọc bài thơ dài hoặc hát bài tình ca anh anh em em mùi mẫn của người lớn. Đứa cháu đã trở thành tâm điểm của cuộc sống.
Vì thế có người xếp hạng như sau: Thứ nhất là cháu, thứ nhì là con, thứ ba mới đến vợ chồng. Nhiều ông già trở nên… bơ vơ vì con sinh cháu thì ông mất… bà. Bà lăn vào hầu cháu. Và tâm lý người già: có khi yêu cháu hơn ngày xưa yêu con. Là vì lúc nuôi con, tuổi còn trẻ, lao vào guồng quay không lúc nào kịp dừng lại suy ngẫm.
- Xem thêm: Sống với người già
Bây giờ già rồi, những năm còn sống với con cháu là bao nhiêu, không ai biết trước được, do đó tình thương cháu của người già có thể gọi là thương gấp, thương trong sâu xa, có chút buồn vương vấn nên nó da diết lắm.
Biết được điểm yếu này, có nhiều cô con dâu, cậu con rể “trừng phạt” ông bà già bằng cách… cấm vận cháu, không cho gặp cháu, chỉ vì mâu thuẫn, ghét nhau của người lớn. Cũng có khi họ dùng cháu để… xin viện trợ. Đứa cháu mà ngỏ lời xin thì ông bà nào nỡ chối từ.
Chính tình thương ấy đã bồi đắp nên trong đứa trẻ một thứ di sản thời thơ ấu sau này theo nó mãi trên đường đời. Cho nên cái bảng xếp hạng ấy không nguôi, mà rất hợp lý. Nhất cháu, nhì con, thứ ba mới vợ – chồng. Những cái thứ nhất, thứ nhì “mọc” lên từ mảnh đất màu mỡ của vợ – chồng.