Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 39.743km2 và dân số gần 20 triệu người, còn gọi là vùng Đồng bằng Nam bộ hoặc miền Tây Nam bộ, gồm 12 tỉnh và một thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa đầy 30% trên toàn quốc, nhưng vùng này đã đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp, 54% lượng thủy sản cả nước. ĐBSCL là nơi đóng góp chủ yếu vào lượng gạo xuất khẩu hằng năm lên đến hơn bảy triệu tấn và bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước.
Cầu Cần Thơ
Tại vùng trọng điểm lương thực này, mặt bằng dân trí chưa cao. Tỷ lệ dân số chưa tốt nghiệp tiểu học của ĐBSCL là 32,8%, cao nhất so với các nơi khác. Tưởng như sinh sống ở một vùng đất màu mỡ phì nhiêu như thế, người nông dân ví như được sống trên “cánh đồng vàng”, thế nhưng bao đời nay họ vẫn nghèo.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy, trong đó có việc đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải còn chưa tương xứng, mà nếu không giải quyết được vấn đề này là tồn tại sự bất công đối với người dân và chính quyền.
Công bằng mà nói, trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL đã cải thiện đáng kể với nhiều công trình quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Trung Lương – Cần Thơ, xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ…
Chủ trương đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải của Chính phủ đã hình thành mạng lưới đường bộ theo dạng ô bàn cờ bao gồm các trục dọc, trục ngang và hệ thống đường vành đai liên kết với nhau một cách hợp lý.
Hệ thống sân bay đã được quy hoạch trên nguyên tắc đảm bảo kết nối vùng với sân bay quốc tế, phân bổ đều trong khu vực. Hệ thống đường thủy nội địa đã và đang được đầu tư một cách đáng kể, đặc biệt là các tuyến sông chính yếu, đảm bảo khả năng kết nối khu vực với các cảng sông, cảng biển. Đã hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng có tính đến sự kết hợp các phương thức vận tải nhằm phù hợp với đặc điểm tự nhiên của khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.