Vừa qua, thông tin từ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết thời gian tới sản phẩm khoa học công nghệ của các nhà khoa học sẽ được Nhà nước chủ động mua lại nhằm tạo động lực giúp “các nhà khoa học yên tâm làm khoa học, đảm bảo chất lượng cũng như kết quả nghiên cứu của mình”. Động thái này được đánh giá là “kích cung” sản phẩm có hàm lượng chất xám cao cho xã hội.Tuy nhiên, việc kích cung này phải được điều chỉnh phù hợp nhằm tạo nên cân bằng “cung – cầu” sản phẩm khoa học cho thị trường cũng như nhu cầu xã hội.
“Kích cung” nghiên cứu khoa học, những hệ lụy
Các lý thuyết kinh tếvi mô đã chứng minh được tính “vô hình” của sự thay đổi cung – cầu trong thị trường. Trong trường hợp này, việc Nhà nước mua lại sản phẩm khoa học khiến lượng cung trong thị trường tăng lên.Như những rủi ro cơ bản nhất, chất lượng của sản phẩm khoa học lúc này đôi khi không tránh khỏi sự thiếu đảm bảo về chất lượng. Nghĩa là sẽ có một bộ phận các nhà khoa học nghiên cứu “chạy theo” nhu cầu của Nhà nước.
Tuy nhiên, suy cho cùng việc mua lại của Nhà nước không nằm ngoài mục đích phục vụ lợi ích chung của quốc gia, của toàn dân. Như vậy, việc Nhà nước đứng ra “mua hộ” sản phẩm khoa học cho toàn dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này xuất phát từ ba lý do: Một là Nhà nước mà đại diện là Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ khó có thể “một tay” thẩm định hết chất lượng, tính ứng dụng và tính thực tiễn của sản phẩm khoa học. Điều này dễ khiến “mua nhầm” hoặc “bỏ nhầm” các sản phẩm khoa học khiến lợi ích chung bịảnh hưởng. Cụ thể, nếu “mua nhầm”, nghĩa là mua sản phẩm không đảm bảo về chất lượng hoặc tính thực tiễn, sản phẩm khoa học không cách nào khác là để “cất vào kho” gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Hoặc giả “bỏ nhầm”, nghĩa là bỏ qua các sản phẩm có chất lượng và giá trị thực tiễn cao (do thẩm định, khảo sát sai) sẽ gây lãng phí lượng chất xám lớn, bỏ mất cơ hội tận dụng lợi ích từ sản phẩm. Hai là, việc mua sản phẩm khoa học mà chưa xác định được người dùng hoặc không có ý kiến của người dùng (cá nhân hay tổ chức) bị xem là “mò kim đáy bể”. Nghĩa là “ông mua, bà dùng”. Điều này rất khó mang lại lợi ích thực tiễn cao của sản phẩm khoa học cho công cuộc chung. Ba là, việc nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm khoa học tại Việt Nam hiện nay đôi khi vẫn còn phụ thuộc vào cơ chế tài chính.Chính sự ràng buộc về tài chính khiến các nhà khoa học khó khăn, thậm chí là gián đoạn trong nghiên cứu. Thế nên, việc thu mua lại các sản phẩm khoa học sẽ càng khiến các nhà khoa học mất đi sự tự do trong nghiên cứu (do phải theo nhu cầu của Nhà nước).
Khách tham quan quan tâm tới các sản phẩm tại Triển lãm Sản phẩm sáng tạo khoa học của sinh viên Đại học Thái Nguyên (tháng 11-2012)
Như vậy, rõ ràng hiện nay vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong việc tận dụng, thu hút sản phẩm chất lượng cao ở ViệtNam. Thực trạng thiếu kinh phí, thiếu cơ sở hạ tầng hay phương tiện nghiên cứu khiến nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn trong công việc nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, các cá nhân hay doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi nguồn quỹ họ dành cho nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước hầu như khó sử dụng theo nhu cầu của họ. Điều này thể hiện rõ khi Nghị quyết Đảng hướng đến huy động nguồn đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt từ doanh nghiệp cho khoa học công nghệ.
Thế nên các doanh nghiệp phải dành ra 75% kinh phí của họ và 25% kinh phí Nhà nước hỗ trợ thông qua việc ưu đãi thuế. Tuy nhiên 100% nguồn quỹ này được xem là ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp hay cá nhân nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm khoa học cũng rất khó chủ động. Như vậy thực tế hiện nay, nguồn cung và cả nguồn cầu sản phẩm khoa học đang phụ thuộc vào tài chính. Như vậy, câu hỏi đặt ra rằng tại sao Nhà nước không để cho nguồn cung và nguồn cầu chủ động “gặp nhau” thông qua một cơ chế chung do Nhà nước quản lý và điều phối? Nghĩa là người có tiền được tự do sử dụng mua sản phẩm khoa học, nhà khoa học được tự do nghiên cứu từ người tiêu dùng trực tiếp.
Mô hình “hợp tác xã khoa học”
Vậy làm sao để “cung” và “cầu” có thể “tự do hóa”? Nhiều chuyên gia đã lấy mô hình “hợp tác xã khoa học” như một đề xuất hữu hiệu nhằm trả lời cho câu hỏi vừa nêu. “Hợp tác xã” là một thuật ngữ không lạ gì đối với Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp những năm 1960 ở miền Bắc và những năm sau 1975 trên toàn quốc. Hiểu một cách đơn giản, các chuyên gia muốn đưa mô hình theo cơ chế “làm chung ăn chung” của một tổ chức do “tập thể quản lý, cá nhân chịu trách nhiệm” trong nông nghiệp trước đây vào áp dụng trong việc nghiên cứu, sản xuất sản phẩm khoa học.
Dễ dàng hình dung ra mô hình này, khi các nhà khoa học sẽ tập trung tại các hợp tác xã khoa học để tiến hành nghiên cứu dưới sự giám sát, tổ chức của Nhà nước, còn các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu về sản phẩm khoa học có thể đến đây đặt hàng trực tiếp chứ không thông qua một bước trung gian nào. Khi này, khách hàng của các hợp tác xã không chỉ là Nhà nước mà còn là “toàn dân” – những người trực tiếp xác nhận, sử dụng, đánh giá và phản ánh chất lượng sản phẩm khoa học mà họ mua về.
Có ít nhất ba điểm sáng mà mô hình “hợp tác xã khoa học” mang lại cho hoạt động “cung – cầu” sản phẩm khoa học. Thứ nhất, nhà nghiên cứu tự do hơn trong nghiên cứu do hợp tác xã đảm bảo được nguồn quỹchung hoạt động. Điều này rất quan trọng bởi khi yếu tố “cơm áo gạo tiền” không còn tác động, thì chất lượng nghiên cứu của công trình khoa học sẽ dễ dàng được đảm bảo thông qua quá trình nghiên cứu thông suốt không bị gián đoạn, cơ sở và phương tiện tập trung nên đảm bảo được nhu cầu chung cho từng cá nhân.
Thứ hai, người mua được tự do đặt hàng các sản phẩm mà “mình cần” chứ không phải do một tổ chức thứ ba “mua hộ”. Điều này không chỉ làm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước khi Bộ Khoa học và Công nghệ không phải đau đầu kiểm định chất lượng quá nhiều sản phẩm khoa học cũng như triển khai, kiểm tra tính thực tiễn của sản phẩm. Hơn thế nữa, nhu cầu của người mua sản phẩm khoa học cũng được đáp ứng nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng do không thông qua bất kỳ một yếu tố trung gian nào. Bên cạnh đó, với sự khó khăn về kinh tế trong giai đoạn hiện nay, “hợp tác xã khoa học” còn giúp các doanh nghiệp, cá nhân chủ động “làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều” khi trích tiền để mua sản phẩm khoa học phục vụ cho việc sản xuất.
Thứ ba, lợi ích chung của quốc gia – dân tộc được đảm bảo do sự cân bằng của thị trường sản phẩm khoa học. Nghĩa là các nhu cầu về khoa học nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước cũng được đảm bảo về mặt chất lượng, lẫn đảm bảo tính thời gian.Điều này xuất phát từ việc “mua đúng sản phẩm, dùng đúng tình hình”. Đây là nền tảng cơ bản giúp thu hút đầu tư, nhanh chóng chuyển giao khoa học và phát triển công nghệ.
Một bài học “kích cung” tương tự từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 vừa qua. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra vào cuối năm 2008 và đến năm 2009 Chính phủ Việt Nam tung ra gói kích cầu. Theo đó, tổng số gói kích cầu bao gồm các khoản hỗ trợ lãi suất (4%), các khoản ứng vốn, chuyển vốn, bổ sung trái phiếu chính phủ, miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng… xấp xỉ 9 tỉ USD (160.000 tỉ đồng), chiếm trên 9% GDP. Tuy nhiên, trên thực tế, gói kích cầu này được đánh giá là hiệu quả chưa cao, dường như việc sử dụng gói “kích cầu” lại rơi vào thế “kích cung”. Nghĩa là, thay vì đầu tư phát triển hạ tầng, giúp doanh nghiệp bán được sản phẩm (xi măng, máy móc, công nghệ…) và người dân lao động có việc làm thì dòng tiền dường như chảy vào các lĩnh vực ngân hàng, tài chính – tín dụng, bất động sản, cứu trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất. Như vậy, hiện tượng “tồn kho” vẫn còn, hàng hóa mới tiếp tục ra đời.
Câu chuyện “kích cung” hay “kích cầu” trong gói cứu trợ 2009 tưởng chừng như xa vời với vấn đề Nhà nước mua lại sản phẩm khoa học, tuy nhiên cả hai đều có nét tương đồng: kích cung sản phẩm. Điều này dẫn đến hiện tượng “kẻ thiếu, người thừa” sản phẩm khoa học – hàng hóa. Như vậy, việc kích cầu sản phẩm khoa học nhất thiết phải song hành quá trình kích cung (thông qua hình thức hợp tác xã khoa học) nhằm đảm bảo lợi ích tối đa của sản phẩm khoa học mang lại.
Trương Minh – Đỗ Thiện