Tại sao mình chăm chỉ làm việc như vậy mà cuối cùng người được thăng chức tăng lương không phải là mình? Rồi tại sao những người đồng nghiệp khác dù năng lực không giỏi bằng mình, kỹ năng cũng thua mình mà họ cũng được thăng chức hết rồi? Chúng ta hãy tìm hiểu xem những hành vi nào dưới đây khiến lãnh đạo khó chịu, thậm chí có thể nói là rất ghét khiến chúng ta khó có thể thăng tiến được, từ đó để chúng ta rút ra được kinh nghiệm cho bản thân.
1. Không vâng lời sếp, tự tiện làm theo ý của mình
Thường có rất nhiều người mắc phải sai lầm như thế này ở nơi làm việc, bởi họ cho rằng sự việc không có gì to tát, tự họ có thể quyết định được nên họ đã không thông qua sự phê chuẩn của lãnh đạo mà tự quyết. Đến cuối cùng, nếu sự việc diễn ra thuận lợi thì không có vấn đề gì lớn cả, thế nhưng nếu sự việc mà gặp trục trặc thì họ sẽ bị lãnh đạo trách mắng phê bình, và về sau lãnh đạo sẽ không bao giờ giao những việc quan trọng cho họ làm nữa.
Vương đã vào làm việc trong công ty được hai năm. Một lần, sản phẩm bán cho khách hàng bị lỗi, cần có thêm một phụ kiện, mà bình thường những phụ kiện này đều là do lãnh đạo thống nhất sắp xếp. Mặc dù phụ kiện này không đáng giá bao nhiêu tiền nhưng hôm đó lại đúng vào cuối tuần, lãnh đạo không có mặt, chỉ có một mình Vương ở công ty làm thêm, thấy khách hàng cần gấp, anh ta liền lấy sản phẩm đưa cho khách hàng.
- Xem thêm: Bạn là ai trong 10 kiểu nhân viên này?
Không ngờ rằng ngày hôm sau, lãnh đạo đi làm tìm sản phẩm đó mãi không thấy đâu, thì sau đó lại biết được Vương đã đưa cho khách hàng mất rồi. Lãnh đạo vô cùng tức giận bởi đó là sản phẩm chuẩn bị cho một khách hàng lớn khác nhưng vì có chút vấn đề nên tạm thời để lại ở công ty, và vị khách hàng đã mang sản phẩm này đi dùng chắc chắn sẽ gặp vấn đề với sản phẩm.
Sau đó, hai người khách này đều phàn nàn về sản phẩm của công ty, và Vương cũng bị lãnh đạo cho thôi việc.
2. Có những hành vi báo cáo vượt cấp
Chốn công sở, những người mà có thể lên được chức lãnh đạo, chắc chắn họ phải có chỗ hơn người, kể cả là do họ lên sếp là nhờ mối quan hệ hay nhờ nịnh nọt. Và để chứng minh quyền lực của mình, họ đặc biệt ghét những hành vi báo cáo vượt cấp.
Rất nhiều người mới đi làm không hiểu được đạo lý này, nên muốn lấy lòng lãnh đạo cấp cao hơn mà họ tự ý báo cáo thẳng những ý tưởng và suy nghĩ của mình cho cấp lãnh đạo cao nhất, cuối cùng những người như vậy thường có kết cục chẳng mấy tốt đẹp gì.
Có lần Huawei tuyển nhân viên là những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc thuộc các trường đại học danh tiếng, năng lực của họ đều rất tốt. Sau một tháng làm việc, có người đã viết một bản kiến nghị dài hàng vạn chữ gửi cho lãnh đạo cao nhất công ty. Cuối cùng, người này bị lãnh đạo tức giận trách mắng thậm tệ, còn bảo loại người này nên cho vào bệnh viện tâm thần, và sau đó người này lập tức bị cho thôi việc.
3. Phản bác sếp trước mặt người khác
Tại nơi làm việc, có một số người cho rằng mình có mối quan hệ để dựa lưng, hoặc có một thế mạnh nào đó, hoặc có năng lực cao, hoặc là nói chuyện quá thẳng thắn, không biết mềm dẻo nên vô tình động chạm đến sếp.
Thương mới vào công ty làm việc, về trình độ chuyên môn anh ta khá giỏi. Một lần, trong một cuộc họp để lãnh đạo sắp xếp lại vị trí công việc của từng nhân viên trong công ty, Thương cho rằng lãnh đạo sắp xếp như vậy là không công bằng nên đã thẳng thắn đứng lên ý kiến rằng: “Lãnh đạo sắp xếp công việc như vậy là không công bằng, người bận thì bận muốn chết, nhàn thì cũng nhàn muốn chết”.
Lãnh đạo nghe thấy vậy rất tức giận nhưng sau đó lãnh đạo vẫn cho lấy ý kiến của tất cả nhân viên thì nhận ra sắp xếp như vậy quả thực không ổn nên đã sắp xếp lại. Thế nhưng kể từ đó về sau, Thương liền bị lãnh đạo cô lập, chỉ giao cho những việc vớ vẩn, rồi mất đi khả năng thăng tiến cũng như vị trí công việc tốt hơn.