Mua giá tour cao ngất ngưởng cho cùng một dịch vụ, bị tính phát sinh chi phí không đáng có, giá tour khuyến mãi ảo, tour kém chất lượng… là vấn đề du khách thường gặp trong mùa cao điểm của thị trường.
Theo các công ty dịch vụ lữ hành, do đang vào mùa cao điểm đặt tour cho dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng có tâm lý nóng vội vì sợ không còn chỗ nên tìm đến nhiều công ty khác nhau mong có được tour giá tốt cho gia đình đi du lịch, dẫn đến rước bực vào mình.
“Hành xác” với tour giá rẻ
Nhiều du khách cho biết đã có những kỷ niệm… không vui trong dịp Tết Dương lịch vừa qua vì lỡ mua tour giá rẻ. Các tour giảm giá tới 50%, thậm chí tới 70%… và được nhiều người săn lùng nhưng đằng sau đó là những chiếc bẫy vô hình đang giăng ra với khách mua tour.
Chị V.T. Nga (ngụ Q.10, TP.HCM) cho biết gia đình chị đã đi tour miền Bắc và mọi người đều không muốn nhắc lại kỷ niệm không vui đó.
“Chúng tôi gần như ngồi trên xe di chuyển suốt hành trình, đúng nghĩa là hành xác. Điểm tham quan vừa ít, khách sạn xa trung tâm và chất lượng kém. Còn rất nhiều chuyện bực mình mà cả đoàn không ai muốn kể ra” – chị Nga cho biết.
Tour gia đình chị Nga đã mua từ một công ty được quảng cáo giảm giá sâu trên 30%, nhưng sau khi mua mới biết đó chỉ là giá quảng cáo chứ không phải giá trọn gói, với rất nhiều dịch vụ chưa được tính vào.
Trong khi đó, do công ty du lịch quen thuộc kín chỗ nên dịp nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, gia đình chị T.T.T. Vân (Q.8) đã phải chọn một công ty khác để đặt tour cho tuyến Sài Gòn – Bình Ba, Nha Trang.
Cho rằng Tết Dương lịch kiếm tàu xe rất cực mà nhà lại có con nhỏ, chị Vân quyết định đặt tour với giá gần 2 triệu đồng/người và phải ghép tour từ nhiều đại lý. Gia đình có bốn người nên số tiền cũng không hề nhỏ.
“Chuyến đi vui vẻ cho đến trước lúc trở về lại TP.HCM, tôi phát hiện giá tour gia đình 4 người nhà mình mua cao hơn hẳn những khách cùng đoàn nhưng mua công ty khác lên đến gần 800.000 đồng/người” – chị Vân bức xúc kể.
Ngay sau khi chị Vân phản ảnh, phía đại diện công ty liên hệ cho biết suất giá rẻ chỉ dành cho một số nhân viên công ty, các công ty du lịch khác rẻ hơn vì họ tự chịu lỗ và vì bữa tối nhà chị có tôm hùm, phòng ở là nhà nghỉ và 2 khách/phòng.
“Tôi không hài lòng về cách giải thích vì cùng một tour, một đoàn, dịch vụ như nhau, một hướng dẫn viên nhưng giá chênh lệch quá nhiều như vậy làm sao có đủ niềm tin để quay lại sử dụng dịch vụ. Tôi nghĩ khi khách hàng phản hồi họ sẽ có cách giải thích nào rõ ràng, chứ trả lời lấp liếm như vậy thì chẳng khác gì hành vi gian lận” – chị Vân đặt vấn đề.
Nhiều tour biến tướng “bẫy” khách
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cho biết từ trước đến nay các công ty dịch vụ lữ hành luôn tổ chức hệ thống đại lý, chuỗi đại lý bán tour cho mình, nhằm đảm bảo đoàn khách đủ số lượng cần thiết, tối ưu hoạt động tổ chức khách du lịch theo đoàn.
Thông thường, các điểm bán này cùng cam kết bán giá tour cố định, chất lượng dịch vụ đem lại cùng giá trị như nhau, khách mua tour không phải trả thêm bất cứ khoản gì.
Tuy nhiên, trong những mùa cao điểm, thị trường xuất hiện một số hình thức biến tướng mà việc bán tour giá cao, sang tay công ty là khá phổ biến. Theo ông Kỳ, đây là một hình thức “chặt chém”, lừa gạt khách hàng cần lên án hay xảy ra ở những công ty ít tên tuổi, quy mô nhỏ.
“Ghép tour có nghĩa là ghép từng khách lẻ của nhiều doanh nghiệp thành một đoàn tour, đó là cách các doanh nghiệp du lịch đảm bảo một mức giá tốt cho khách. Do đó, nếu doanh nghiệp đứng ra bán đôn giá cao lên là hành vi lừa gạt khách hàng” – ông Kỳ nói.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Lửa Việt, cũng cho rằng thực tế hiện nay trên thị trường tổ chức tour đang hình thành những liên minh gồm mỗi nhóm khoảng 4-5 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này cùng bán một tour, tuyến, đơn vị nào bán được nhiều nhất sẽ đứng ra tổ chức đoàn. Dù có cam kết với nhau cùng bán một mức giá tour, cùng một chất lượng dịch vụ nhưng trong thực tế nhiều doanh nghiệp tự phá vỡ cam kết vì muốn hoa hồng cao hơn.
“Về nguyên tắc, chất lượng giá tour phải đảm bảo nhưng việc gom khách này không đảm bảo được vì khách đoàn có những tính cách, đặc thù khác nhau như khách cao tuổi, khách ăn chay, khách say tàu xe… Do đó, nếu đi tour ghép đoàn sẽ khó được hưởng dịch vụ chăm sóc riêng như vậy” – ông Mỹ lưu ý.
Cách tốt nhất tự bảo vệ mình là cần tìm hiểu kỹ đơn vị tổ chức, hỏi rõ nhân viên tư vấn, nếu đi đoàn ghép tour thì cần có lưu ý riêng để tránh bị thất vọng.
Từ kinh nghiệm không vui của gia đình khi đi tour ghép, chị Lê Thị Hoài (Q. Bình Thạnh) cho rằng trước khi chọn tour du lịch, cần tham khảo nhiều công ty, hỏi thăm hướng dẫn viên có kinh nghiệm hoặc người từng đi và nên đặt thẳng công ty tổ chức tour.
“Mỗi công ty có những thế mạnh đường tour khác nhau, đừng thấy công ty quảng cáo nhiều tour thì cho rằng công ty này uy tín” – chị Hoài chia sẻ.
Ngoài ra, khách hàng nên mua tour sớm, đồng thời tìm đến các thương hiệu đã được khẳng định để tránh gặp phải rủi ro. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, việc chọn giá tour rẻ hơn vài triệu đồng nhưng thực tế lại đắt gấp 2-3 lần do khách hàng mua thêm sự bực mình, “hành xác” và trả thêm chi phí… cho các dịch vụ khác tại điểm đến, ảnh hưởng tâm lý của cả chuyến đi.
Mơ hồ tour giá rẻ, tour 0 đồng
Ngoài hiện tượng ghép tour, sang tay đội giá cao, du khách còn gặp rủi ro về những lời rao có cánh, không chỉ là giảm giá sốc mà còn tour 0 đồng, gây ngộ nhận cho người mua tour.
Theo các chuyên gia, đây là một hình thức lách ràng buộc trong quy định quảng cáo, nếu giải thưởng không có chủ nhân thì phải nộp 50% giá trị giải thưởng về cho cơ quan quản lý.
Trong thực tế, khi tổ chức tour, các công ty lữ hành đều phải mua dịch vụ từ các nhà cung cấp dịch vụ như nhà nghỉ, vé máy bay nên các tour 0 đồng về bản chất là một giải thưởng hơn là một sản phẩm khuyến mãi.
Việc nhập nhèm này là nhằm tránh được sự quản lý của cơ quan chức năng bởi nếu không có người trúng tour này, doanh nghiệp cũng không có nghĩa vụ gì.