Gần đây, dư luận xã hội quan tâm nhiều đến thông tin “bỏ hộ khẩu” trong quản lý dân cư với không ít ngộ nhận khiến cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an phải lên tiếng làm rõ điều này. Thật ra cũng chỉ là động thái cải tổ hành chính của Chính phủ về việc đơn giản hóa giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Nói cho dễ hiểu, thực chất đây vẫn là quản lý hộ khẩu nhưng quản lý bằng công nghệ thông tin. Thời gian tới, thông tin của công dân sẽ được mã hóa, tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và phát triển kinh tế xã hội. Điều này sẽ khắc phục việc quản lý chồng chéo. Cụ thể như đi đâu, làm việc gì công dân phải mang theo mình một cuốn sổ hộ khẩu để chứng minh mình là công dân hợp pháp, nhưng rồi đây chỉ cần nhớ một mã số cá nhân là mọi việc đơn giản hơn nhiều. Theo dự kiến, ngày 14-11, Bộ Công an triển khai trên toàn quốc và tập huấn cho công an cấp tỉnh, huyện, xã phường, thị trấn và phát bảng kê khai xuống từng hộ đối chiếu với dữ liệu của mình, sau khâu kiểm tra chính xác, dữ liệu sẽ được nhập vào hệ thống, mỗi công dân có một mã số. Khi cơ quan quản lý cập nhật đầy đủ thông tin công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia thì sẽ bỏ hẳn hộ khẩu. Nhưng điều này cũng phải vài ba năm nữa theo dự kiến, người dân đến giao dịch hành chính thì chỉ cần cung cấp mã số định danh này và căn cước công dân là cơ quan nhà nước đã có thể nắm toàn bộ thông tin. Theo Bộ Công an như vậy là vẫn quản lý hộ khẩu chứ không phải là không quản lý. Cơ sở dữ liệu quốc gia được dùng chung cho cả hộ khẩu lẫn căn cước công dân và chỉ có cơ quan này cập nhật hay thu thập thường xuyên.
Quản lý công dân thì nước nào cũng thực hiện bằng cách này hay cách khác, trong khi người ta quản lý rất khoa học thì nước ta quản lý bằng thủ công với cuốn sổ hộ khẩu không chỉ là để chứng minh nơi cư trú hợp pháp mà còn được sử dụng trong nhiều giao dịch như mua nhà, sang tên xe, vay tiền ngân hàng, đi học, làm giấy hôn thú… Không những thế, tờ hộ khẩu còn tạo ra sự bất bình đẳng, hạn chế việc tiếp cận dịch vụ công như bảo hiểm y tế, cơ hội tìm việc làm và quyền tự do cư trú của công dân… Tính chất quan trọng như vậy khiến chung quanh cuốn sổ hộ khẩu phát sinh không ít tiêu cực. Báo cáo do một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố hồi tháng 6-2016 cho thấy 2,2% người tạm trú thừa nhận từng phải trả phí “bôi trơn” từ 2 đến 5 triệu đồng cho một sổ hộ khẩu. Điều này khá phổ biến tại nhiều thành phố lớn, nơi có nhiều người nhập cư muốn tìm một việc làm ổn định, còn các nhà quản lý địa phương lại lo các dịch vụ công sẽ quá tải bởi người nhập cư. Theo nghiên cứu nói trên, hiện có khoảng 5,6 triệu người tại các địa phương được khảo sát không có sổ hộ khẩu trong đó 36% ở TP. Hồ Chí Minh và 18% ở Hà Nội.
Chính vì vậy việc thay đổi cách quản lý hộ khẩu bằng công nghệ thông tin để bước tiếp theo xóa bỏ sổ hộ khẩu thu hút sự quan tâm của xã hội, mà nếu Chính phủ làm được sẽ là một thành quả lớn và thiết thực trong cố gắng cải tổ hành chính.
- Ngọc Anh