Có lẽ lần đầu tiên tại diễn đàn Quốc hội của chúng ta mới có cuộc tranh luận xuất phát từ sự hoài nghi của một đại biểu về số liệu tăng trưởng kinh tế do Chính phủ đưa ra.
Trong phiên thảo luận sáng 31-10, đại biểu tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm nêu lên những con số tăng trưởng mà ông cho là kỳ lạ, đó là diễn biến đột ngột của GDP không có sức thuyết phục. Cụ thể: Trong quý IV năm 2015 mức tăng trưởng được ghi nhận là 7,01% thì ba tháng sau, tức quý I năm 2016 lại rơi xuống 5,48%. Thế rồi mức tăng trưởng này nhích dần trong quý II và quý III và đạt mức cao 6,68% trong quý IV năm 2016, nhưng ngay quý đầu của năm 2017 giảm xuống còn 5,1%. Hiện nay mức tăng GDP lại rất đáng nể vào cuối năm với con số 7,46% trong quý III và dự báo GDP trong quý IV năm nay là 7,31%. Như vậy mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra trong năm 2017 đang trong tầm tay. Điều đáng nói là hiện tượng tăng trưởng chênh lệch giữa các quý chỉ diễn ra trong vòng ba năm trở lại đây.
Bảo vệ quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra một số lập luận liên quan đến chu kỳ sản xuất và yếu tố mùa vụ. Ông khẳng định các số liệu tăng trưởng trên đây là đáng tin cậy.
Cuộc tranh luận không nhằm phân định “thắng thua” mà chỉ để đi tìm một mô hình tăng trưởng bền vững và có hiệu quả nhất, tuy vậy qua đó cũng cho thấy hoạt động thống kê số liệu của chúng ta – như nhận định lâu nay của nhiều người và cả các định chế quốc tế – là đang có vấn đề.
Thật ra, vấn đề này cũng từng được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ra trong một hội nghị của ngành thống kê khi ông thừa nhận bên cạnh những thành quả đạt được, có không ít số liệu thống kê đưa ra rất mù mờ, điển hình như số doanh nghiệp thành lập, phá sản. Ông kêu gọi ngành này phấn đấu nâng cao chất lượng và độ tin cậy các số liệu thống kê.
Ở cấp quốc gia, các số liệu thống kê được thể hiện qua luật và các quy định, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn và thống nhất về phương pháp. Thế nhưng đạt được những yêu cầu này không hề đơn giản vì bị tác động của một số yếu tố. Trước tiên là chủ nghĩa thành tích của các địa phương, ban ngành đã chỉ đạo cung cấp thông tin số liệu thiếu chính xác cho cơ quan thống kê. Thứ hai, một số địa phương được giao chỉ tiêu có tính pháp lệnh cao hơn khả năng thực hiện, vì sợ trách nhiệm không hoàn thành đã nâng số liệu báo cáo khiến cho kết quả thống kê bị méo mó. Thứ ba, cơ quan thống kê không giữ được tính độc lập trước áp lực đã nâng số liệu theo yêu cầu chủ quan của cấp trên.
Số liệu thống kê chính là căn cứ cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá và đưa ra những chính sách điều hành vĩ mô, cho nên “sai một li, đi một dặm” là điều đáng lo nhất nếu thống kê không chính xác.
Khắc phục được điều này không chỉ giúp việc xây dựng chính sách đúng đắn hơn mà còn tạo niềm tin cho người dân cũng như những định chế quốc tế có nhu cầu sử dụng số liệu thống kê của chúng ta.
Sự hợp tác thường xuyên và lâu dài giữa cơ quan thống kê quốc gia, trước hết là trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc, đã hình thành một hệ thống thống kê toàn cầu nhằm thúc đẩy theo chuẩn mực quốc tế. Do đó việc không cùng ngôn ngữ thống kê với các nước là một sự thiệt thòi về nhiều mặt trong thời đại toàn cầu hóa.
- Hồng Sơn