Theo số liệu mới nhất được công bố trong Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển, doanh số thương mại toàn cầu trong năm nay ước đạt 16 ngàn tỉ USD. Giao dịch Bắc – Bắc (giữa những nước ở bán cầu Bắc) đạt mức cao nhất, gần 6.000 tỉ USD; giao dịch Nam – Nam (giữa những nước ở bán cầu Nam) là 4,6 ngàn tỉ USD; còn doanh số giao dịch giữa những nước ở hai bán cầu Bắc và Nam trong khoảng từ 2.500-3.000 tỉ USD.
Tại hội nghị kể trên, hai vấn đề được bàn luận nhiều nhất là tiềm năng thương mại của khu vực bán cầu Nam và tầm quan trọng của thương mại Nam – Bắc trong việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế và quảng bá mô hình toàn cầu hóa bền vững. Với hơn 80% dân số thế giới sống trong các nước đang phát triển, nền thương mại ở bán cầu Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác đúng mức.
Ngày Quốc tế vì sự hợp tác Nam – Nam 2017 là cơ hội tốt nhất để các nước lưu ý đến tầm quan trọng của việc tăng cường và đẩy mạnh sự hợp tác kinh tế giữa các khu vực đông dân nhất trên thế giới. Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, trong 10 nước có trữ lượng dầu mỏ cao nhất thế giới, có bảy nước nằm ở Nam bán cầu là Venezuela, Ả Rập Saudi, Iran, Iraq, Kuwait, Libya và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Trong bảy nước sản xuất nhiều kim cương trên thế giới thì bốn nước ở trong vùng châu Phi hạ Sahara, gồm Botswana, Angola, Namibia và CHDC Congo. Năm 1997, 14 nước Ả Rập có sáng kiến thiết lập Khu vực Tự do Thương mại Đại Ả Rập để kích thích tăng trưởng kinh tế ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng sáng kiến này chỉ có thể thành công khi các nước Ả Rập dỡ bỏ và triệt tiêu những biểu thuế làm cản trở sự tự do hóa thương mại. Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh là một khởi điểm thuận lợi nhưng vẫn không tránh được sự đình đốn. Ngoài ra, những xung đột quân sự trong khối Ả Rập đã cản trở các hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế. Sự khác biệt về ý thức hệ và quan điểm chính trị vẫn còn chia rẽ các nước Ả Rập và các nước ở Nam bán cầu nói chung.
Một vấn đề cơ bản khác làm phương hại đến sự hợp tác thương mại giữa các nước ở Nam bán cầu chính là cấu trúc của hệ thống thương mại. Hoạt động kinh tế của nhiều nước ở khu vực này chủ yếu dựa vào xuất khẩu nguyên liệu và hàng hóa, với giá cả không ổn định. Để có thể phát triển bền vững, các nước Nam bán cầu cần chuyển từ nền kinh tế độc canh hoặc chỉ dựa vào dầu mỏ sang nền kinh tế công nghiệp hóa với sự phát triển của khu vực dịch vụ như ở các nước phát triển. Họ cũng cần lặp lại lời cam kết xây dựng một thỏa hiệp thương mại toàn cầu đưa đến sự hợp tác thương mại thuận lợi giữa các nước ở Nam bán cầu. Mặt khác, các nước công nghiệp hóa cũng cần tạo điều kiện hình thành một môi trường thuận lợi cho sự phát triển thương mại ở các nước đang phát triển. Các biểu thuế thương mại công bằng, sự triệt tiêu các khoản trợ cấp về nông nghiệp và xuất nhập khẩu sẽ là những tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các hiệp định về tự do thương mại giữa hai bán cầu Bắc và Nam, thu ngắn bớt cách biệt giàu nghèo giữa hai khu vực.
- LHCT tổng hợp
Xem thêm: