Theo các vị này, có hai loại thể chế: thể chế bao gồm và thể chế khai thác: “Thể chế bao gồm” phát huy dân chủ, tôn trọng tiếng nói của người dân, có sự kiểm soát quyền lực, có trách nhiệm giải trình và hệ thống pháp luật độc lập,… Còn “thể chế khai thác” thì ngược lại; dù có thể có tăng trưởng, nhưng không bền vững. Các vị này cũng đã trình bày rất thuyết phục về mối liên quan giữa thể chế chính trị và thể chế kinh tế, trong đó thể chế chính trị giữ vai trò quyết định.
Người dân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ UBND quận Gò Vấp TP.HCM
Ở nước ta, thực tế cũng đã chứng minh tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của thể chế trong công cuộc phát triển đất nước. Khi chuyển từ thể chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lực lượng sản xuất được cởi trói, kinh tế, xã hội đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất to lớn và quan trọng, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Và cũng chính vì thế, ngày nay, khi bước vào thời kỳ phát triển mới, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc hoàn thiện thể chế vẫn được coi là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược đã được khẳng định tại Đại hội lần thứ XI của Đảng (cùng với phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng) có tác động trực tiếp đến quá trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy: việc hoàn thiện thể chế kinh tế thực sự là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, không hề thuận buồm xuôi gió, vì liên quan đến nhiều nguyên nhân: có thể do trình độ, năng lực của những người hoạch định thể chế, chính sách; có thể do thiếu thông tin, do quy trình hoạch định không được tuân thủ và cũng có thể do lợi ích nhóm chi phối,… song một điều rất dễ nhận thấy là đang có một số thể chế chưa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, có khi lại chỉ thiên về thuận tiện cho nhà quản lý, do đó, thể chế, chính sách xa rời cuộc sống, bị người dân phản đối.
Có thể lấy ví dụ gần đây nhất. Đó là thể chế, chính sách liên quan đến đất đai. Những vụ khiếu nại về đất đai (chiếm đến 70 – 80% các vụ khiếu nại) xuất phát từ những cơ chế, chính sách không tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của người có quyền sử dụng đất. Tại kỳ họp tháng 11 năm nay của Quốc hội, khi thảo luận Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng đã nêu lên những bất cập trong cơ chế, chính sách, từ việc quy hoạch, quyết định giá đất, đến thu hồi đất, đền bù, giải tỏa, tái định cư… Chuyên gia về đất đai Đặng Hùng Võ cũng đã phát biểu: quy định như thế thì còn khiếu kiện! Điều đáng nói là những cơ chế, chính sách như thế kéo dài, không được sửa đổi kịp thời, cũng như không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan và cá nhân trước những tình cảnh rất khốn khó của người dân.