Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước, riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%.
Những con số đáng báo động
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cũng cho thấy là so với năm 2011, trong những tháng đầu năm 2012 số doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính phải đóng cửa đã tăng lên 11.000 doanh nghiệp. Trước đây, mỗi năm bình quân có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, nhưng riêng năm 2012 con số này sẽ tăng từ 1,5 đến 2 lần so với bình quân các năm trước. Với tốc độ này, theo dự báo của VCCI, cả năm 2012 số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể lên tới 10% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh hiện nay và đây là một con số đáng báo động. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 21-3-2012 cả nước có trên 15.300 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 74.600 tỉ đồng, giảm 8% về số lượng doanh nghiệp và giảm 12% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kết luận một cách khá lạc quan rằng “mặc dù tình hình kinh tế khó khăn song số doanh nghiệp thành lập mới vẫn lớn hơn số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động”.
Dù sao, đối với một nền kinh tế đang phát triển như ViệtNam, hiện tượng nhiều doanh nghiệp chết hàng loạt không thể được xem là một dấu hiệu bình thường. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi họp báo thường kỳ vừa qua cũng thừa nhận rằng việc nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất và giải thể phản ánh một thực trạng là sản xuất có khó khăn, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên không phải chỉ có đông đảo doanh nghiệp nhỏ ngã xuống một cách thầm lặng, còn có những trường hợp vỡ nợ khá ồn ào của những doanh nghiệp cỡ lớn, với số nợ mất khả năng thanh toán lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Những tác động của việc phá sản hàng loạt doanh nghiệp đối với nền kinh tế không nhỏ. Số lượng công ăn việc làm giảm đi và tỷ lệ người lao động thất nghiệp đang gia tăng.
Mặt khác, hệ quả của việc doanh nghiệp phá sản còn tác động xấu đến hệ thống ngân hàng. Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp thép đang nợ ngân hàng khoảng 4.000 tỉ đồng tiền vay để đầu tư vào các dự án sản xuất thép với thiết bị sản xuất nhập khẩu lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao lớn được đưa về với giá cao. Tại Cần Thơ, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản đã mất khả năng trả nợ cho các ngân hàng số tiền vay lên đến gần 1.500 tỉ đồng.
Ba bài học dành cho các doanh nghiệp
Chúng ta có thể lên án những doanh nghiệp ngã xuống rằng họ đã không học được những bài học mà những đồng nghiệp của họ ở các nước công nghiệp phát triển đã kinh qua. Bài học thứ nhất: Không nên lạm dụng đòn bẩy tài chính trong thời kỳ lãi suất cao. Trong suốt thời kỳ kinh tế nước ta tăng trưởng trên dưới 7% trong năm năm trở lại đây, lãi suất cho vay tiền đồng của hệ thống ngân hàng ở mức bình quân 15% – 18%/năm. Điều đó hình thành một rủi ro tài chính lớn đối với doanh nghiệp, nhưng cũng trong thời gian đó, sự phát triển bong bóng chứa đầy các yếu tố đầu cơ của giá nhà đất và giá chứng khoán đã khiến cho các doanh nghiệp không ngần ngại sử dụng đòn bẩy tài chính vượt quá khả năng kiểm soát của họ, và điều này lại được sự đồng thuận của các ngân hàng đang bị lôi cuốn bởi lợi nhuận và kỳ vọng quá lạc quan về tương lai. Tăng trưởng tín dụng trong thời kỳ này có khi trên 40%/năm, và sự hấp dẫn của các khoản lợi nhuận khổng lồ đã khiến cho các doanh nghiệp và cả ngân hàng thiếu cảnh giác về rủi ro thanh khoản và sự an toàn của dòng tiền mặt. Nhưng ai có thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của lợi nhuận?
Bài học thứ hai: Không nên đầu tư vào những lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình. Có thể nói trong những năm xảy ra bong bóng bất động sản và cổ phiếu ngân hàng, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại đã không ngần ngại sử dụng đồng vốn tự có và những đồng vốn vay để đầu tư vào các dự án bất động sản và mua bán chứng khoán – những lĩnh vực mà họ hoàn toàn không chuyên nghiệp. Điều này đi ngược lại với nguyên tắc vàng của Warren Buffet là không bao giờ bỏ tiền vào những lĩnh vực mà mình không am hiểu. Đây là một kinh nghiệm xương máu và đối với nhiều doanh nhân, họ sẽ không bao giờ còn có cơ hội khác để chuộc lại sai lầm chết người của mình.