Bài học thứ ba: Không thể phát triển doanh nghiệp nếu không có những con người quản lý đủ năng lực và đủ đạo đức kinh doanh. Những lỗ hổng về năng lực và đạo đức không phải chỉ có ở những doanh nghiệp nhỏ, không có điều kiện xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Điều này đã dẫn đến những quyết định sai lầm, những thao túng quyền lực và quyền lợi, những thương vụ mua bán đầy mờ ám và tư lợi, tất cả đã đẩy doanh nghiệp, bất kể quy mô hoạt động và tiềm lực tài chính lớn hay nhỏ, đến bờ vực của phá sản.
Phải chăng chúng ta nên tự an ủi bằng cách lập luận rằng trong khi nền kinh tế đang chuẩn bị cấu trúc lại, phải có một cuộc thanh lọc nghiệt ngã nhưng cần thiết nhằm loại bỏ những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu ra khỏi cuộc chơi, để dồn nguồn lực cho các doanh nghiệp có năng lực hơn. Nhưng ai sẽ được coi là người có năng lực hơn để trụ lại trong cuộc chơi này? Doanh nghiệp nào xứng đáng hơn để nhận được các nguồn tài nguyên quý giá của đất nước và đảm bảo rằng sẽ sử dụng các nguồn tài nguyên đó một cách có hiệu quả hơn? Báo chí gần đây đã đề cập đến các trường hợp của các tập đoàn nhà nước lớn, những doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ với nguồn vốn và nguồn nhân lực đáng ghen tỵ ngay cả đối với các công ty đa quốc gia, đã thể hiện năng lực quản lý yếu kém, các quyết định chiến lược đầu tư sai lầm và một sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức trong kinh doanh và điều hành. Nhưng chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ không bị sàng lọc mà sẽ được cứu vãn thông qua các chương trình được gọi là tái cấu trúc, tái điều chỉnh doanh nghiệp tốn kém. Liệu rằng họ có thể được xem là những doanh nghiệp mẫu mực để tiếp tục được hưởng các ưu đãi về các nguồn lực?
Cần khắc phục ngay những khiếm khuyết của nền kinh tế
Do vậy, nếu sàng lọc là điều không thể tránh, chúng ta nên có một sự đánh giá khách quan và công bằng để thấy rằng nguyên nhân ngã xuống của nhiều “chiến sĩ vô danh” trên mặt trận kinh tế không phải hoàn toàn do lỗi của riêng họ. Các chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta cũng có những khiếm khuyết mà nếu không khắc phục được trên tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, những sự sàng lọc đau đớn không tự nhiên sẽ vẫn xảy ra theo một chu kỳ nhất định, điều đó sẽ làm nền kinh tế dễ bị chấn thương và không thể tiến nhanh được. Điều hiển nhiên là tình trạng lãi suất cao kéo dài trong điều kiện tín dụng tăng trưởng nhanh do việc hình thành bong bóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán không thể không khiến nhiều doanh nghiệp vỡ nợ một khi bong bóng tan vỡ. Nhưng việc ngăn chặn bong bóng hình thành tại các thị trường nhạy cảm cũng như phòng tránh nguy cơ đổ vỡ là một bộ phận không thể thiếu trong việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ. Tuy vậy, lãi suất tín dụng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân biến nền kinh tế nước ta thành một nền kinh tế có chi phí cao ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp. Bên cạnh lãi suất cho vay, thuế suất, giá vật tư nguyên liệu, năng lượng và các chi phí khác không tên như các khoản tiền lót tay nhằm bôi trơn các thủ tục hành chính phiền hà, những khoản bồi dưỡng cho việc sử dụng điện nước và nhiều khoản chi phí tốn kém khác cho việc xây dựng các mối quan hệ thân hữu tuy không liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng rất cần thiết. Ngoài ra, còn các loại phí tổn cơ hội phát sinh từ môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế dân doanh. Chi phí cao sẽ tất yếu khiến cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giảm. Do vậy, khi phải chịu sức ép cạnh tranh quá mạnh từ nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ yếu của chúng ta đành phải nhường bước. Chính vì vậy, trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Tạo ra môi trường bình đẳng hơn giữa khu vực tư nhân và nhà nước là một trong những yếu tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ còn sống sót, sự tan rã của các đồng nghiệp kém may mắn sẽ buộc họ co cụm trong chiến lược phòng thủ, hoạt động cầm chừng dựa trên nguồn vốn tự có ít ỏi, phát triển chậm với năng lực cạnh tranh thấp. Ở đầu bên kia của khu vực kinh tế tư doanh, sẽ xuất hiện xu hướng tích tụ tư bản dựa trên những mối quan hệ thân hữu, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và tài chính ngân hàng, hình thành những ngân hàng lớn và rất lớn, điều này càng làm cho mối quan hệ tín dụng vốn đã mong manh giữa hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp tư doanh nhỏ sẽ trở nên đứt gãy. Lợi ích nhóm sẽ nổi trội, dẫn đến nguy cơ kém hiệu quả của việc sung dụng tài nguyên quốc gia, năng suất lao động chậm cải thiện và khiến nền kinh tế đất nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình nguy hiểm.
Quang cảnh buổi lễ công bố báo cáo thường niên của VCCI
Huỳnh Bửu Sơn