Cái thời nhà cửa đề huề, có đồng hồ chuông và bộ sập gụ, tràng kỷ ở nhà phú ông địa chủ, đã qua hẳn rồi. Mỗi lần nông dân tới rón rén ở nhà ngang, được gọi mới dám ngấp nghé ngoài hiên nhà. Nhìn đồ đạc sang trọng mà thấy mình thêm thấp kém.
Chuyện này có vẻ anh Pha chị Dậu phải trải qua. Nay thì nhà cửa tân tiến đến mức có đi vào tham quan di tích vua Bảo Đại hay nơi ở trong dinh Độc Lập của tổng thống trước đây, nhìn bộ bàn ăn, giường ngủ, còn thua xa nhiều căn biệt thự tân kỳ của dân.
Rồi đã đến lúc cái đẹp cái sang không phải là đồ đạc chất đầy, mà là khoảng không, phòng rộng tường kính chan hòa ánh nắng. Ngoài bộ salon tiếp khách, cả căn phòng chỉ đặt cây đàn piano.
Sang trọng có khi là rất ít đồ, mà đồ phải “chuẩn”. Nếu cứ gom nhặt kiểu nhà nghèo thì thuộc loại xoàng. Muốn đánh giá chất lượng nhà mình, cứ nhìn vào lúc dọn nhà là chính xác nhất.
- Xem thêm: Dọn nhà – càng nghèo càng lắm đồ?
Bây giờ các chủ cho thuê nhà còn có người ra điều kiện: Đến ở không đem theo nhiều đồ, vì trong nhà đã có sẵn salon tiếp khách, có giường ngủ và tủ đựng quần áo rồi. Thậm chí đồ nhà bếp cũng có sẵn, cả máy giặt, tủ lạnh, lò vi ba…
Khi dọn nhà mới lòi ra bao nhiêu đồ kinh khủng, không biết tích lũy từ đời nào, phải mạnh tay vứt bớt. Bởi vậy mới có câu “ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà”. Dọn nhà là lo méo mặt đóng đồ vào thùng, đánh dấu, rồi khiêng bàn ghế từ lầu cao xuống đến nhà mới, cả tháng đầu tiên như người đi cắm trại, đồ dùng quen thuộc chưa quen chỗ, nên phải tạm bợ.
Lúc dọn nhà mới thấy “Tây khôn thật”. Họ rời nhà nhiều lần trong đời, đến đâu có đồ sẵn. Thậm chí không dọn nhà đi đâu, cũng thỉnh thoảng bày đầy đồ ra cửa để cho ai muốn lấy gì thì lấy.
Một ông đi Mỹ về kể: Đi qua bãi đồ, nhìn thấy tấm khăn thêu cổ đẹp tuyệt. Vào hỏi mua thì chủ nhân nói cứ lấy đi, tôi còn cảm ơn ông. Chiếc khăn này là bà cố tôi thêu lúc còn sống.
Sao không giữ lại làm kỷ niệm? Trời ơi, lấy chỗ đâu mà cái gì cũng đòi giữ? Nghe chuyện, bà vợ nọ nói ông chồng: “Thấy chưa? Ông có những mấy tấn sách, toàn sách cổ, Hán Nôm, quý vậy đó nhưng hầu chúng bằng chết.
Mà không loại trừ khả năng ông nằm xuống một cái là con cái gọi ngay… ve chai!”. Nói thế nào ông cũng cứ mắc bệnh tích cóp. Cho đến một lần ông sang Úc thăm con, chính mắt thấy cách sống của dân Tây, khi về mới tạm thời có chuyển biến tư tưởng.
Ông nói: “Một người Úc mời mình đến ăn cơm. Họ hỏi kỹ đi mấy người, khẩu vị ra sao để chuẩn bị. Khi đến thì đem theo chai rượu, giống ở Việt Nam đi ăn cơm khách đem theo chút quà góp vui. Có một con vịt nhồi, cắt làm tư. Gắp vào đĩa riêng của mỗi người một phần tư con vịt. Ngoài ra là rau xà lách.
Mình đã báo khẩu vị ăn mềm nên rau được đem luộc. Chai rượu của mình đem tới, được đặt bên cạnh chai của chủ nhà. Chủ rót rượu ra các ly, chỉ một ít dưới đáy ly, không rót đầy.
Rồi ai uống hết sẽ tự rót lấy. Thế là xong bữa cơm đãi ở gia đình. Không cảnh nhộn nhịp bát đũa, hết món nọ món kia nào xào nào chiên, hết chả đến thịt, chén nọ chén kia bưng bê nhốn nháo như bữa tiệc nhà mình. Có một bữa tiệc lớn hơn, thí dụ ăn mừng một tiến sĩ vừa bảo vệ thành công luận văn, mời tới 30 người thì đãi thế nào? Không vất vả gì hết.
- Xem thêm: Ăn uống… “Tây hóa”
Sáng ra thấy chủ nhân vẫn ung dung ở nhà hút bụi, vì phải trễ cửa hàng mới mở cửa. Mua về toàn đồ tươi sống như tôm, mực, thịt cá. Rồi tất cả kéo nhau đến khu vực làm món nướng barbecue có sẵn bếp nướng công cộng.
Một thùng đựng rác thải to tướng. Mọi người tự nướng điện rất nhanh, ăn bằng chén đĩa giấy. Xong cuộc tất cả nhét vào thùng rác, no say ra về, chẳng ai bận rộn mệt nhọc gì cả. Thì ra, phải siêu lắm mới sống đơn giản được.
Mà suy cho cùng thì Phật đã dạy từ bao đời có gì là mới? Phật dạy từ bi hỉ xả. Cái chữ xả này không phải chỉ cho tâm hồn thanh thản, mà phải sáng tạo hiểu theo cả việc: vứt đi! Vứt bớt ham muốn, vứt bớt đồ đạc và thủ tục rắc rối…