Tính anh Lý rất tuềnh toàng, nói chung là anh chẳng để bụng với bất cứ mọi chuyện xung quanh. Ngày xưa, anh học nghề thợ hồ, sau chịu khó học thêm nghề, nay anh lên được cái chức chủ thầu, chủ yếu là thầu các công trình nhỏ.
Cả xóm ai có cần gì giúp đỡ anh đều sẵn lòng, chẳng từ nan. Anh bảo anh chưa đi đâu xa vài ngày, bởi anh không quen. Anh có hai đứa con, một trai một gái, lo cho hai đứa vào Sài Gòn học. Anh muốn thằng con học ngành xây dựng theo nghề anh.
Thằng Toàn cũng nghe lời cha, học hành tử tế. Anh cũng dặn con cái là lấy vợ lấy chồng thì kiếm cùng xóm, cùng làng hoặc xa lắm thì cùng thành phố, để có gì cha mẹ còn giúp đỡ. Vậy mà nó lại chọn vợ tận Vĩnh Long. Anh đâu cản con được, giờ thì chuẩn bị cưới.
Rồi anh Lý qua nhà, dẫu sao thì nhà anh và nhà tôi cũng sát vách, theo kiểu hàng xóm cần gì thì ới nhau một tiếng. Anh Lý nằn nì nhờ tôi làm ông mai đi đám cưới thằng Toàn. Trời ơi, công việc của tôi vô cùng bề bộn, bỏ ra vài ngày không hề đơn giản. Anh Lý bảo: “Thật ra thì bên nhà gái họ cũng hiền lành, nhưng tôi cũng hiền lành, cho nên nhờ anh làm trung gian để còn có không khí”.
Rồi anh thở dài: “Thời buổi bây giờ khác hồi xửa hồi xưa rồi anh à. Con cái nó đặt đâu là mình ngồi đó, chứ không phải mình đặt đâu là nó phải ngồi theo”. Cuộc sống mà, giờ thay đổi nhiều, tụi nhỏ được ăn học, được đi đây đi đó, rồi gặp gỡ phát sinh ra tình yêu. Mà khi chúng nó đã yêu nhau thì cách sông cách núi, cha mẹ cũng phải lo cho chu toàn.
Tất nhiên là tôi thu xếp công việc để đi lo chuyện cưới hỏi cho thằng Toàn, bởi bề gì tôi cũng chứng kiến nó từ đứa bé con nay đã trở thành thanh niên. Tôi cũng đã gặp vợ tương lai của nó, con bé nghe nói làm việc cùng cơ quan, sau khi nó ra trường trong Sài Gòn.
Tên con bé cũng rất là ngộ ngộ: Điên Điển. Điên Điển nhỏ xíu xiu so với Toàn, khi hai đứa tới nhà thăm tôi. Rồi tìm ra nguyên nhân thì ra nhà Điên Điển ở Vĩnh Long, nơi đó có con sông Cổ Chiên chảy qua thành phố. Cái tên sông Cổ Chiên rất quen trong các bài học địa lý, là một nhánh của sông Hậu. Có lần đi Vĩnh Long, tôi cũng đã đi trên con sông này.
Sông giống như biển, cũng có sóng, thủy triều lên xuống khiến cho những giề lục bình cứ dập dềnh trôi lên trôi xuống. Còn nửa, cứ tưởng con sông có hai bên là bờ, nhưng thật ra ẩn trong nó biết bao nhiêu cù lao, mỗi cù lao là một khu dân cư quần tụ, chủ yếu sống bằng nghề làm vườn và nuôi cá.
Mọi việc đều lo xong. Bên nhà gái chẳng đòi hỏi lễ vật. Họ cũng đã lặn lội tới Nha Trang một lần, đi nguyên một chiếc ôtô 16 chỗ. Ông sui của anh Lý, tên Tân giải thích là Nha Trang đẹp, ngoài việc đi thăm sui gia, cho cả nhà có cô cậu dì đi chơi ít ngày, vì đâu dễ gì có một chuyến đi như vậy.
Bữa cơm thân mật giữa hai gia đình tôi cũng tham dự. Anh Tân chở theo cả một giỏ cần xé nào là chôm chôm, bưởi, xoài… gọi là quà. Anh Tân bảo đó là cây vườn nhà, tình nghĩa nặng lắm. Cái giỏ trái cây ấy cả xóm được hưởng gọi là lộc của ông sui của anh Lý tặng.
Giờ thì đi Vĩnh Long, đi vì tình yêu của con trẻ. Chiếc xe 16 chỗ lên đường từ miền biển xanh cát trắng đến miền sông nước.
- Xem thêm: Khói đốt đồng thơm mùi ký ức
Đó một chuyến đi lạ. Lạ không phải là đi đoạn đường gần 600 cây số, mà là mang cho tôi những bất ngờ này đến bất ngờ khác. Xe đi trong đêm để tới Vĩnh Long cho kịp sáng. Tò mò hỏi anh Lý: “Nhà anh sui anh ở đường nào?”. Anh Lý cười: “Ở Cù Lao ông Tân”. Lạ thật, ở Vĩnh Long làm gì có con đường như thế? Nhưng tôi không hỏi nữa. Sau này mới biết là nhà gái ở trên một cù lao trong cụm cù lao ở sông Cổ Chiên – rồi cái cù lao đó có tên là “Cù lao ông Tân”.
Thiệt tình là tôi chưa hề đi trên một chiếc thuyền nào để đi lễ cưới như hôm đó. Hình như vừa qua một cơn mưa nên nước sông Cổ Chiên đầy một màu vàng phù sa. Trên sông đủ loại cây cỏ trôi bập bềnh. Chiếc thuyền của nhà gái đợi sẵn để đón nhà trai. Mà ở giữa bến thuyền lô xô mấy chục chiếc thuyền ấy, nếu anh Tân không đợi sẵn thì đố mà nhận ra chiếc thuyền rước dâu.
Khi chúng tôi tới được cái cù lao nơi nhà gái chuẩn bị đón thì gần như ai cũng bị nước sông tạt vào. Lễ vật gần như không còn nguyên vẹn. Chỉ có cái cảm giác là dọc bến sông ngập tràn màu vàng bông điên điển, và ngay cù lao nhà ông sui cũng có cơ man nào bông điên điển, hèn chi anh sui đặt tên con là Điên Điển.
Cù lao ông Tân hôm đó thật chộn rộn. Khách tới dự đi đến bằng đủ loại thuyền bè, thật là một phương tiện đi lại thuận lợi. Vì nơi này, anh Tân đã đưa vào khai thác du lịch, cho nên có hẳn luôn một nhà hàng rộng để tổ chức tiệc đãi của nhà gái.
Điên Điển đẹp như hoa. Cô con gái miền sông nước ấy hái thật nhiều bông điên điển trải lên bàn tiệc. Còn thằng Toàn thì cũng phụ gia đình dọn tiệc. Tiệc do nhà nấu, chẳng màu mè kiểu cách. Đặc biệt là loại rượu khá đặc biệt rót ra uống mềm môi. Ông Tân trong bộ vét rất long trọng, sau khi lễ thì ông cởi ra, nói: “Tui không quen mặc đồ nghiêm trang”. Và ông cùng ngồi bàn trong một tiệc cưới lạ thiệt lạ trên cù lao.
Anh Lý nói: “Ông sui, mình trăm phần trăm”. Ông cụng ly cùng ông Tân. Ông Tân là dân miệt vườn thứ thiệt, có ngại gì uống rượu. Còn trên sân khấu có sẵn micro, mọi người mạnh ai nấy lên mà làm ca sĩ, hết hát vọng cổ đến hát mấy bài boléro. Thế là tiệc cưới ở Cù lao Ông Tân trở thành một buổi biểu diễn tân nhạc với mấy bản boléro toàn là chuyện tình buồn. Trời ơi, ngày cưới của người ta mà khách mời cứ gào thét chuyện ly tan khiến cho ngoài kia gió cứ lao xao qua mấy ngọn cây.
Cuối cùng thì tiệc cưới cũng tàn, và chắc chắn là ai cũng say, cho nên khi bước xuống thuyền, những chiếc thuyền cứ quay đầu tự do, không có phương hướng, rồi tiếng xin lỗi vang lên rất hồn nhiên. Giờ dường như dòng Cổ Chiên đã im nước, những giề lục bình điểm thêm những bông hoa tím biếc không còn thấy trôi theo dòng mà tấp sát vào trong bờ.
Nhà trai phải về thôi, cả cô con dâu phải theo về. Nhưng anh Lý say lắm rồi, mà anh Tân cũng say. Hai ông sui nói chuyện mà chẳng ai nghe ai. Hai đứa con dâu rể thì chẳng quan tâm đến ba mẹ, tụi nó ra vườn hái cả mớ trái cây để bỏ lên ghe. Mà tụi nó hái trái cây thiệt là lâu, chỉ nghe tiếng thầm thì to nhỏ và tiếng cười rúc rích.
- Xem thêm: Tiếng ai rao bánh trên sông
Anh Lý bước xuống thuyền. Anh còn vói hỏi ông sui: “Anh có biết Vĩnh Long có bao nhiêu chiếc cầu không?”. Ông Tân cười vui: “Nhiều lắm anh à, mà tui chưa đếm”. Ông nói thiệt, vì hằng ngày ông đi qua không biết bao nhiêu cái cầu, nhưng ông không đếm được. Thôi kệ, Vĩnh Long có bao nhiêu cái cầu thì đã có mấy ông bên giao thông lo rồi, còn hôm nay vui là đã đủ.
Rồi ông Tân vói bắt tay ông Lý, hai ông hẹn sẽ gặp lại, chắc chắn sẽ gặp lại mà. Cái bắt tay nghiêng ngã ấy khiến cho cả hai ông hụt chân, ngã xuống dòng sông Cổ Chiên. Sông Cổ Chiên vẫn hờ hững đưa con nước trôi ra biển, chẳng biết vừa có hai người đang ở trong lòng của mình.