Trong ký ức của tôi bây giờ, trước đây và cả sau này, Đà Nẵng vẫn là một địa danh, hơn cả thế, là một phần máu thịt của đời mình. Nếu không sinh ra tại nhà thương bà Cách, đối diện xéo xéo với chợ Cây Me – vào cuối thập niên 1950, liệu tôi có trở thành nhà thơ? Mỗi lần về cố hương, bao giờ tôi cũng đi lại con đường Phan Châu Trinh, tìm kiếm lại dấu vết cũ, nơi mình đã cất tiếng khóc lọt lòng. Nay đã không còn dấu vết.
Đà Nẵng, nơi này đã cho tôi những cảm xúc ban mai đầu đời. Nhớ nhất vẫn là những buổi sáng vào tháng Chín, trời có mưa. Mưa dịu nhẹ. Mưa tầm tã. Khoát áo mưa đi học. Một cái lạnh dễ chịu và luôn gợi lên cảm xúc thanh bình, yên ả. Còn nhớ những buổi sáng sớm, được ngồi sau yên xe đạp được người cha chở ra tắm ở bãi biển Thanh Bình. Tiếng sóng vỗ âm vang trong trí nhớ non nớt của cậu học trò lên năm lên bảy, nay, vẫn còn vang vọng mãi. Tiếng sóng biển trong đời thực lẫn trong giấc mơ. Và có lần tôi đã viết:
Chưa về tắm biển quê hương
Cùng tiếng sóng bóng trùng dương chập chùng
Xa quê giấc ngủ lưng chừng
Chợt nghe sóng dội tận cùng chiêm bao
Nhà thơ Phan Hoàng cảm nhận: “Đã hơn 20 năm rồi tôi vẫn thuộc lòng bài thơ bốn câu lục bát ấy của nhà thơ Lê Minh Quốc, như một nỗi ám ảnh và như một sự sẻ chia. Đà Nẵng quê anh có biển. Phú Yên quê tôi cũng có biển. Và anh đã nói hộ giùm tôi cùng bao người “Xa quê giấc ngủ lưng chừng” khác nỗi khắc khoải thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ thương lời ru vĩnh hằng biển cả sóng dội tận cùng chiêm bao”. Một nỗi nhớ, một tình yêu tưởng chừng bình thường nhưng chỉ có thi sĩ mới văn bản hóa thành hình ảnh đẹp nên thơ”.
Từ những giọt mưa đến sợi nắng; từ tiếng sóng vỗ Thanh Bình, Mỹ Khê, Tiên Sa đến làn gió khiêu vũ trên vòm cây bạch đàn dọc đường Bạch Đằng đã nuôi dưỡng cho tôi cảm xúc đầu đời.
Năm mười tám tuổi – lần đầu tiên xa Đà Nẵng, vào bộ đội – khi ngồi trong căn hầm dã chiến ở Anlung, tôi và một vài đứa bạn đồng hương đã có lần thức thâu đêm để vẽ lại… bản đồ Đà Nẵng qua trí nhớ. Vẽ dưới ánh sáng tu mù của ngọn đèn dầu khộp. Vẽ như một cách tâm tình với chính mình. Vẽ để nhớ lại những món ăn ngon, chỉ cần mường tượng đã thấy dậy trong lòng một cảm giác thèm ăn, muốn ăn. Làm sao có thể quên bánh bèo Quan Thuế, gần trường Sao Mai? Cái bánh bèo to, dày, “nhưn” là tôm sệt và sử dụng cái siêu tre, vát ngọn đầu hình tam giác dùng xẻo bánh. Lại nhớ đến bún Bà Đào một thời lừng danh ở trên đường Trần Bình Trọng. Hương vị của nó khác hẳn ngoài Huế, dù cũng có tên gọi bún bò Huế. Ngộ chưa?
Thử hỏi, đã có bao giờ, bạn đi xa, xa nhiều năm rồi lúc quay về được sống trong tâm cảm: “Ngồi giữa ngã tư đường/ Chợ Cồn tô cháo trắng/ Con cá bống kho tiêu/ Khói ấm nồng nước mắm”? Cái ngon ấy thế nào? Chữ nghĩa nào có thể diễn tả? Tôi chỉ biết: “Chợ Cồn tô cháo trắng/ Ngon như là quê hương”. Ấy là một trong những cảm giác kỳ diệu mà những ai xa quê, lúc quy cố hương mới có thể cảm nhận. Nói thế, bởi tôi biết rằng, khi ăn món ăn quen thuộc không chỉ vì cái ngon vật chất cụ thể bày biện trước mắt mà còn hương vị của ngày tháng xa xăm thoáng về ngay lúc ấy nữa. Ăn từ hiện tại nhưng tâm trí lại lùi sâu về phía ký ức êm đềm nhất.
Còn nhớ nhất với tôi vẫn là Bưu điện Đà Nẵng, nằm ở vị trí nhìn ra sông Hàn. Nơi ấy, còn có bến đò ngang. Ở bưu điện này, từ năm học lớp Tám, tôi đã bắt đầu mon men tới đây mua tem, dán bìa thư và gửi vào Sài Gòn những bài thơ sáng tác đầu tay cho báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Thằng Bờm. Thỉnh thoảng được đăng, không hề có nhuận bút, báo biếu nhưng bao giờ cũng đem lại niềm sung sướng tột cùng. Đà Nẵng thời ấy không ồn ào, náo nhiệt. Đó là điều hấp dẫn. Vô cùng lý thú. Có thể ta sẽ dễ chán nếu cứ ở mãi Đà Nẵng, nhưng khi đi xa – dù chỉ một ngày – bỗng dưng ta lại thấy nhớ từng góc phố đến sững sờ… Rồi cái thuở mới lớn tập tễnh uống cà phê, tôi đã ngượng ngùng bước vào dãy cà phê đọc theo đường Độc Lập (nay Trần Phú). Tình yêu bắt đầu chớm nở trong tim non ngây thơ, trong sáng.
Phải nói thật, nhớ về Đà Nẵng trong tôi bao giờ cũng là cảm nghĩ như đã từng viết:
Lời đầu tiên tôi muốn nói với em
Gặp Đà Nẵng là tôi thèm đi học
Người Đà Nẵng học giỏi có tiếng, có lẽ chính vì họ mê đọc sách, báo. Có lần, tôi trò chuyện với các chủ bút, chủ biên, chủ nhiệm của những tập san văn hóa lững lẫy ở miền Nam như các ông Lê Ngộ Châu (Bách Khoa), Phan Kim Thịnh (Văn Học), Trần Phong Giao (Văn)… Họ đều cho biết, thời ấy, báo chí phát hành ở Đà Nẵng bao giờ cũng có số lượng cao nhất, chỉ sau Sài Gòn. Thông tin này, khiến tôi tự hào về quê mình và cũng hãnh diện nữa.
Thời hoa niên ấy, bao giờ cũng đọng lại trong tâm trí nhiều kỷ niệm khó quên. Thật lạ, bao giờ cũng thế, hễ về với Đà Nẵng, những lúc đi một mình trên con đường ngày xưa đi học, tôi lại nghe như có ai gọi tên mình. Tiếng gọi từ gót giày chăng? Từ tiếng gió thoảng chăng? Và còn thêm một điều khiến tôi xúc động run người, trăm lần như một là hễ bước xuống sân bay, bao giờ tôi cũng cảm thấy có mùi biển mặn xộc vào mũi. Mùi và vị của năm tháng tuổi thơ đột ngột quay về khiến tôi thêm yêu lấy mảnh đất này. Có một điều, cần phải nói ngay, Đà Nẵng không chỉ đầy ắp sự hoài niệm mà còn có sự thay đổi. Đi ngang qua chợ Cồn, qua những ngôi trường đang vào buổi tựu trường…, tôi thấy đằng sau sự tất bật, bận rộn ấy đều lấp lánh sự sống.
Đà Nẵng ngàn năm tươi trẻ tuổi hai mươi
trẻ như thành hoàng bổn xứ vào Đàng Trong lập nghiệp
đình làng Hải Châu còn nguyên dấu vết
cầm gươm, cầm cày, cầm thuổng, cầm cuốc…
khai khẩn đất hoang
dựng thành phố hiên ngang nhìn ra biển
đầu thế kỷ XXI cùng Đà Nẵng lao ra biển
đưa tay lên ngực
tôi biết trái tim mình đang xao xuyến
những ngày vui…
Trước đây, đã lâu chừng hai mươi năm rồi còn gì, tôi đã viết trong một lần về Đà Nẵng: “Con đường Triệu Nữ Vương/ Có tôi đang dè dặt”, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ: “Người con lưu lạc bao giờ cũng có những giây ngập ngừng, những thoáng dè dặt khi đặt bước chân ngay trên đất quê nhà. Biết những gì mình từng yêu thương, chia sẻ có còn nguyên vẹn hay đã đổi thay? Vui mà buồn, mừng và lo, hồi hộp và lạnh lùng, đầu nặng mà chân nhẹ… Quê nhà là như thế, và chỉ thế thôi cũng đủ cho một đời ta đau đáu, vọng tưởng, nhớ thương và nuối tiếc…”.
Vâng, đúng là thế, một khi ngồi lại trong căn nhà của năm tháng ấu thơ, tôi mới biết rằng: Đà Nẵng đã cho tôi một bản lĩnh để đi xa nhưng luôn mong ngóng buổi trở về. Rồi đến một ngày không thể trở về nữa, hạt giống tái hiện thân xác và hình ảnh của chính tôi lại trở về. Bởi lẽ đó, gần đây tôi đã nghĩ về giọng nói về sự nối tiếp: “Con sinh tại Sài Gòn/ Lại nói toàn giọng Quảng/ Âm điệu gió sông Hàn/ Từ con, reo hào sảng/ Bờ Mỹ Khê chói nắng/ Sóng xanh êm dịu dàng/ Chất phác, tình, thô mộc/ Rổn rảng đến… nhịp nhàng”. Quê nhà, đôi khi chỉ cần nghe từ tiếng nói vùng miền – nơi mình đã sinh ra. Đơn giản mà sâu đậm biết dường nào…
- Xem thêm: Những “thỏi nam châm” trên sông Hàn