Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm 21-4, so với mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2016, năm nay Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 6,5% và cao hơn nữa vào năm tiếp theo (6,7%) – bằng với mức tăng trưởng của năm 2015.
Giải thích về sự thụt lùi tăng trưởng vào năm ngoái, ADB cho rằng thời tiết khắc nghiệt là một trong những yếu tố chính. “Có một sự chậm lại trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng dự đoán phát triển tăng trưởng GDP sẽ trở lại trong hai năm nữa”.
Vẫn theo báo cáo của ADB, mức thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Không giống như dòng chảy tiền tệ không trực tiếp, FDI là một sự cam kết lâu dài, các nguồn lực chảy vào trong sự đầu tư dài hạn.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy FDI là điểm sáng trong kinh tế quý I-2017 với hơn 7,7 tỉ USD, tăng tới 77,6 so với cùng kỳ.
Cùng lúc, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý I-2017 ước tính chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016. Tình hình này càng làm rõ hơn sự đóng góp rất quan trọng của FDI trong bức tranh kinh tế quý I với mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến ngày 20-3-2017, cả nước có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,917 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỉ USD, tăng 206,4% so với cùng kỳ năm 2016 và 1.077 lượt góp vốn – mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,86 triệu USD, tăng 171,5% so với cùng kỳ 2016.
Số liệu khô khan về FDI sẽ không nói lên hết được thực trạng đầu tư nước ngoài. Con số được quan tâm hơn là vốn thực hiện cũng có mức tăng khá, tính đến đầu tháng 4 năm nay, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,62 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Có thể thấy, Việt Nam vẫn đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế về lao động giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng được đánh giá đang cải thiện mạnh mẽ theo hướng công bằng, minh bạch cho tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Trong quý I, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành – lĩnh vực, trong đó lĩnh vực hấp dẫn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đạt 6,54 tỉ USD, chiếm 84,9% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai với 343,69 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư và bán buôn. Bán lẻ đứng thứ ba với 296,8 triệu USD, chiếm 3,85% tổng vốn đầu tư đăng ký trong ba tháng đầu năm nay.
Hiện có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, riêng trong quý I-2017, Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu với 3,74 tỉ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 910,8 triệu USD, chiếm 11,81% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký đạt 823 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn, Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,61 tỉ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư. Cũng dễ hiểu khi mới đây Samsung đã đưa thêm vào địa phương này một dự án 2,5 tỉ USD, cũng là dự án “tỉ đô” đầu tiên trong năm nay.
Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,39 triệu USD, chiếm 18,04% tổng vốn đầu tư. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký gần 600 triệu USD, chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.
Số liệu thống kê tưởng chừng như xơ cứng nhưng đi sâu vào phân tích càng thấy vai trò quan trọng của nguồn vốn FDI. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong quý I-2017 đạt 31,402 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,81% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong quý I-2017 đạt 30,748 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 70,3% kim ngạch xuất khẩu.
Khi nhìn vào kết quả khá lạc quan trong thu hút FDI, điểm nổi bật là những thay đổi mang tính đột phá của Luật Đầu tư, đã tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà luật không cấm, đồng thời loại bỏ các ngành nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng.
Vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn cả là những cải cách thủ tục hành chính, qua đó đơn giản hóa hồ sơ, trình tự và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài từ 45 ngày xuống còn 15 ngày.
Luật đầu tư sửa đổi cũng đã bổ sung hình thức đầu tư ra nước ngoài thông qua mua – bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác và đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
Tuy thu hút đầu tư là điểm sáng nhưng rõ ràng bên cạnh các cơ hội mở ra vẫn còn không ít khó khăn và thách thức. Về mặt khách quan, đó là dòng vốn FDI của các đối tác lớn trong toàn cầu có xu hướng giảm, cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt giữa các quốc gia.
Sức cạnh tranh của môi trường đầu tư mỗi nước sẽ quyết định thành tựu thu hút đầu tư của nước đó. Riêng nước ta, những khó khăn nội tại của nền kinh tế tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. Nguồn nhân lực cao đã qua đào tạo còn thiếu, cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn yếu kém so với nhiều nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển và còn có khoảng cách giữa chính sách cũng như việc thực thi. Đặc biệt là năng suất lao động còn thấp. Đây là vấn đề nan giải sẽ còn được mổ xẻ nhiều.
Theo phân tích của các chuyên gia, thu hút vốn FDI trong giai đoạn đến năm 2020 phải được điều chỉnh theo hướng chuyển từ thiên về số lượng như trước đây sang chú trọng nhiều hơn đến hiệu quả thu hút và nâng cao chất lượng đầu tư. Tận dụng tối đa nguồn FDI để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và hiệu quả, thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Có chính sách thu hút và ưu đãi đối với các công ty đa quốc gia, có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp trong nước về tiêu thụ, cung ứng sản phẩm để hình thành các cụm công nghiệp – dịch vụ.
Thứ hai, thu hút vốn FDI vào những ngành cần tăng tỷ trọng đầu tư nước ngoài như kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, điện, nước, tài chính, tín dụng, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; các ngành sản xuất có yếu tố hàm lượng công nghệ, đào tạo lao động và chuyển giao công nghệ, kỹ năng.
Cần có các chính sách, quy định về thuế, phí, đất đai, quản lý ngoại hối… để thu hút, khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sử dụng đầu vào trong nước thay vì nhập khẩu, gia công, lắp ráp, chú trọng vào kinh doanh thương mại, nhất là tại thị trường nội địa.
Thứ ba là cần có sự kết hợp chặt chẽ chính sách FDI với các chính sách điều chỉnh ngành khác, bao gồm chính sách đầu tư chung, hình thành cụm công nghiệp có tính chuyên môn hóa và phát triển kinh tế vùng.
Các chính sách này cần xây dựng trên nguyên tắc tiếp cận tổng thể quốc gia để tạo tín hiệu chung dẫn dắt FDI tới ngành – vùng cần khuyến khích phát triển; hạn chế các địa phương thu hút các ngành nghề như nhau, thiếu sự phối hợp và bổ sung cho nhau giữa các ngành, dẫn đến tình trạng phát triển tràn lan mà vẫn thiên lệch, thiếu chuyên môn hóa.
Cho dù các giải pháp này không thể thực hiện cùng lúc, nhưng chúng ta cũng có cơ sở để kỳ vọng vào quyết tâm cao của các nhà làm chính sách, hầu trong thời gian ngắn nhất tạo được bước nhảy lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I-2017
- Dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỉ USD tại Bắc Ninh.
- Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD.
- Dự án Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD.
- Dự án Khu công nghiệp Việt Nam Singapore III, tổng vốn đầu tư 284,75 triệu USD do Singapore đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu đầu tư, xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
- Dự án nhà máy sản xuất tole panel, tổng vốn đầu tư 269,54 triệu USD của nhà đầu tư Hàn Quốc, với mục tiêu nhập khẩu nguyên vật liệu ngành tole panel, inox để gia công, sản xuất các sản phẩm tole panel, inox chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đầu tư tại Bình Phước.
- Dự án nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp billion Việt Nam, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh.
- Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD do Kolon Industries Inc đầu tư tại Bình Dương.
- Hoàng Hà