“Cô ca sĩ M. ghê quá, trên sân khấu mặc cái yếm trắng buộc lả lơi tung bay khi nhảy nhìn thấy cả ngực. Vậy mà khi nghe phê phán, cô ấy nói vì cô hát loại nhạc dance nên trang phục phải vậy. Làm như cả nước này chỉ mình cô hát loại nhạc đó vậy. Nhưng biết đâu, đó lại là… phong cách!”.
Có phải tại thiên hạ đầu óc phong kiến thích “kín cổng cao tường” nên thấy nghệ sĩ mặc thoải mái lại bắt bẻ hay không? Nhìn thiên hạ mặc ngoài đường xem! Vô cùng thoải mái nhé. Có anh cảnh sát nào tuýt còi cảnh cáo đâu.
Thôi thì có bao nhiêu ý kiến quanh chuyện lối sống và trang phục. Mà chẳng ai thắng ai nếu đem ra tranh luận. Đám con gái nhà tôi thì mỗi cô mỗi kiểu, có tham khảo ý kiến nhau chỉ là khen đẹp, xấu, đồ này nên đi với đồ kia, chứ các cô chẳng mặc theo nhau. Vì bây giờ mỗi người một phong cách, chẳng ai giống ai. Người ta đi tìm đồ để không đụng hàng, dại gì mặc giống.
- Xem thêm: Sành điệu thật không?
Cô chị thì áo bông màu nhẹ, ngắn, với quần jeans ôm sát chân. Cô em mặc áo trong dài, khoác ngoài chiếc áo ngắn có dải buộc trước ngực. Nhiều khi nhìn không hiểu áo có nón đeo sau lưng chẳng bao giờ thấy đội, thì cứ đeo làm gì cho nặng, giặt tốn xà bông…
Nếu tôi nói như vậy, con bé sẽ nói: “Ba là đàn ông, ba biết gì kiến thức thời trang đâu mà nói. Trang phục là để tự giới thiệu con người mình, là ngôn ngữ không lời tuyệt vời nhất. Chẳng thế mà có cả chiếc áo giá cả tỉ đồng đấy!”.
“Chậc, chậc – tôi hỏi – Sao mà lại giá cao thế nhỉ? Có gắn hột xoàn hả con? Đi đường không sợ bọn cướp giật mấy cái hột xoàn đó à?”. Con tôi phì cười: “Cũng có khi gắn hột xoàn, nhưng có khi đắt cắt cổ vậy chỉ là do chất liệu (chất liệu gì mà tới cả tỉ đồng?), do người thiết kế hàng đầu thương hiệu cao sang tạo nên dáng dấp không đâu sánh bằng.
Vậy là cả tỉ danh tiếng nữa chứ đâu phải mấy thứ vải vóc vật chất không thôi”. Tôi hỏi: “Mà mặc thế thì phải đi đâu, gặp ai nhìn biết được giá trị thì mới xứng, chứ cứ như ba thì có thấy đặc biệt cũng chẳng hiểu gì”. Con gái tôi cười nói: “Thế là đàn gảy tai trâu đó ba”.
Trâu hay không tôi không quan tâm, nhưng tôi nghĩ theo công thức “chiếc áo không làm nên thầy tu” và tôi nói: “Các con mất quá nhiều thời gian và công sức cho áo quần, chạy theo đồ hiệu. Mà ba thấy cái tủ quần áo của các con, ba sợ luôn. Có cái tủ muốn “sụm bã chè” vì chứa chất nặng nề. Lâu lâu phải thải loại, rồi lại đi mua sắm khốn khổ”. “Khổ đâu ba, đi mua sắm là niềm vui mà”.
Rồi một chuyến chúng tôi có dịp đi du lịch nước ngoài. Đến sân bay, đang xếp hàng thì có mấy cô trông rất sang đứng vô hàng. Các cô ăn mặc còn hơn cả người nước ngoài, thơm phức.
Nhưng chỉ một lúc thì biết ngay là dân Việt vì nói chuyện rất lớn, gọi nhau ơi ới khiến mọi người xung quanh khó chịu. Tôi nói: “Các con thấy không, ăn mặc cố hơn cả Tây, những mắt xanh tóc vàng giày cao gót váy đắt tiền áo hở vai hở eo, nhưng rồi vẫn lòi… cái đuôi con khỉ, văn hóa thấp, cư xử không giống ai.
Nhiều cô cậu “đi học rửa tiền” tức là cha mẹ nhiều tiền quá cho con đi học tiêu bớt…”. Con gái tôi nói: “Ba ơi, bây giờ loại người gì cũng có hết. Lạc hậu tương đối là thuộc tính tự nhiên của văn hóa mà ba”. Người nghiên cứu nói thế. Văn hóa là cái hình thành sau và “luôn ở trạng thái ngày hôm qua”…
Cô con gái cũng lý luận rất ghê, bênh vực cho những gì thế hệ nó sống và suy nghĩ.
- Xem thêm: Đi bán Lệ Rơi
Tôi chỉ cho các con thấy mấy cô diện áo quần đẹp nhưng… ngồi ngay bên cửa sổ! Trong khi phòng chờ có ghế đàng hoàng. Hình như tùy tiện tự do muốn làm gì thì làm đã trở thành bản chất của nhiều người Việt. Ra đường thiếu gì người xài đồ hiệu vẫn đi đứng như thể con đường chỉ có một mình mình là đang vội vã, cần được ưu tiên đi đứng.
Nhưng biết làm sao, cái “đuôi con khỉ” không giấu vào đâu được. Vậy nên các nhà nghiên cứu lo lắng cho một thế hệ sống theo trào lưu và bị tác động liền bởi lối sống nhu cầu cao, phô trương, vĩ cuồng…
Liệu đám con cái chúng ta có như vậy không?