Sức mua nhìn từ các con số: khó lý giải
Một điều đáng ngạc nhiên là các số liệu thống kê về tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều cho thấy sức mua từ đầu năm đến nay không giảm, dù mức tăng không cao như các năm trước.
Liệu sức mua tết năm nay có bằng năm trước không?
Theo Tổng cục Thống kê, sức mua của thị trường trong nước 10 tháng đầu năm 2012 vẫn tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2011. Phân tích sâu hơn cho thấy sức mua hàng hóa tăng thấp hơn so với sức mua dịch vụ (tỷ lệ lần lượt là 16,2% đối với hàng hóa, 20% đối với dịch vụ và 30% với du lịch).
Thực ra, điều đáng nói ở đây là cùng thời điểm này năm ngoái, sức mua tăng đến 23,1%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng có 3,9%. Trong khi đó, sức mua của 10 tháng đầu năm 2012 nếu loại trừ yếu tố giá vẫn còn tăng 6,8%.
Như vậy, nếu số liệu thống kê chính xác thì sức cầu thực tế vẫn tăng. Điều này mâu thuẫn với các nhận định cho rằng sức cầu sụt giảm mạnh trong năm nay.
Ở một góc nhìn khác, về phía cung, tức nhu cầu nhập khẩu, thì các số liệu lại cho thấy đúng là sức cầu đang giảm.
Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2012, kim ngạch hàng nhập khẩu chỉ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái (trong khi tỷ lệ này của 10 tháng đầu năm 2011 là 27,2%, của 11 tháng là 26,4%). Quan trọng hơn là các doanh nghiệp trong nước lại giảm nhập khẩu so với cùng kỳ trước, trong khi vào thời điểm này năm ngoái tốc độ tăng nhập khẩu của khu vực này lên đến 25,6%. Đây là sự sa sút kép, mà biểu hiện là việc tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể của hàng loạt doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 20-9-2012, tổng số doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động là 40.190 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 6.503 doanh nghiệp giải thể và 33.597 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong đó TP.HCM có 13.014 doanh nghiệp, Hà Nội có 9.252 doanh nghiệp, Hải Phòng có 1.010 doanh nghiệp, Đà Nẵng có 960 doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân trì trệ của nền kinh tế là do tổng cầu giảm mạnh. Chính vì sức mua yếu nên doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, kinh doanh, thậm chí còn phải thu hẹp hoạt động, nên tiền trong ngân hàng cũng không tìm được địa chỉ để giải ngân.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến tháng 10 là 3,36%, một mức rất thấp trong những năm gần đây, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng cùng thời gian này vào khoảng 14%. Người dân, các tổ chức không biết đầu tư vào đâu ngoài việc gửi ngân hàng, còn ngân hàng cũng chẳng kiếm được mấy người vay nên đành phải bỏ tiền mua trái phiếu.
Lẽ ra, thông thường vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để hút tiền vô nhằm đảm bảo đủ vốn cung ứng cho các nhu cầu kinh doanh, mua sắm dịp cuối năm. Nhưng năm nay, tình hình hoàn toàn ngược lại. Nhiều ngân hàng đang hạ lãi suất huy động, từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm, để giảm bớt áp lực trả lãi khi thanh khoản đang dư thừa.
Sức mua qua lăng kính của cơ quan quản lý: tương đối lạc quan
Tại cuộc họp ngày 16-11 với các bộ, ngành liên quan về tình hình giá cả, thị trường 10 tháng đầu năm, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra dự báo là thị trường Tết Quý Tỵ 2013 sẽ không căng thẳng như những năm trước. Mặc dù vậy, Phó thủ tướng vẫn chỉ đạo cần có biện pháp chủ động để giữ vững và bình ổn cung – cầu, giá cả, đặc biệt với những mặt hàng thiết yếu. Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết tăng khoảng 20 – 25% so với các tháng khác trong năm và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.