Hiệu trưởng International School Ho Chi Minh City (ISHCMC) và ISHCMC-American Academy (ISHCMC-AA). Đến Việt Nam từ tháng 4-2012 sau bảy năm làm việc với hệ thống GEMS Education ở Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE). Ông Jeffrey L. Wornstaff đảm nhận chức hiệu trưởng ISHCMC và ISHCMC-AA từ năm học này. Ông háo hức chia sẻ với chúng tôi những gì mà trường muốn đem đến cho các học sinh của mình.
Xin chào ông, ông đã làm quen với không khí và môi trường làm việc tại đây chưa?
Ở Dubai bảy năm, với xung quanh là sa mạc và đại dương làm tôi cảm thấy nhớ những mảng xanh rất bình thường. Đặt chân đến Việt Nam tôi thực sự cảm thấy hài lòng vì những gì mảnh đất này mang lại. Tôi nhìn thấy không khí háo hức và sự hào hứng trong ánh mắt mỗi học sinh. Điều đó làm tôi tin vào sự lựa chọn của mình.
Nói về ISHCMC, trường đã có mặt tại TP.HCM từ năm 1993, đang ngày càng giành được rất nhiều sự tin tưởng của phụ huynh và uy tín trong các trường quốc tế tại Việt Nam. Vậy lý do nào ISHCMC mở thêm ISHCMC-AA mà không tập trung phát triển thương hiệu ISHCMC?
Sự thật là chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển ISHCMC và đồng thời xây dựng ISHCMC-AA cùng lúc. Sau nhiều khảo sát với học sinh và các bậc phụ huynh chúng tôi nhận ra nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông Hoa Kỳ (AA – American Academy).
Chương trình này rất thú vị, chuyên sâu và hàn lâm được xây dựng theo nguyên tắc và quy chuẩn của Mỹ. Không chỉ cha mẹ và học sinh Việt Nam mà cả các cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam cũng quan tâm. Ngoài ra, 95% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đã quyết định theo học tại Bắc Mỹ (Mỹ và Canada). Đó là lý do ISHCMC-AA ra đời nhằm mang đến nền tảng cơ bản, cho các em học sinh tự tin bước vào những trường đại học hàng đầu ở Mỹ.
Như thế liệu có làm cho các bậc cha mẹ phải đắn đo khi lựa chọn cho con mình chương trình học?
Tôi nghĩ là tùy vào từng gia đình. Chương trình IB cung cấp cho học sinh khả năng nói lưu loát hai ngôn ngữ (bi-languages) và kiến thức dàn trải trong khi chương trình AA tập trung phát triển nền tảng kiến thức chuyên sâu để bước vào các trường đại học ở Mỹ theo định hướng có sẵn. Các học sinh đến từ Tây Ban Nha, Hà Lan, đặc biệt là Hàn Quốc, cha mẹ thường có xu hướng chọn chương trình IB.
Ông có thể cho biết chi tiết hơn vềưu điểm của chương trình AA?
Chúng tôi kết hợp với Đại học Syracuse ở New York (một trong những đại học hàng đầu nước Mỹ) để lần đầu tiên trong lịch sử, một trường phổ thông ngoài nước Mỹ có chương trình giảng dạy các môn đại cương cho học sinh cấp trung học phổ thông.
Đã có những học sinh tại ISHCMC-AA theo học các môn nâng cao vào đại học như toán, kinh tế, vật lý và Anh ngữ với bốn giáo viên từ Syracuse. Ý tưởng mang chương trình đại học vào ISHCMC-AA bắt nguồn từ việc tôi đã từng là tư vấn đặc biệt của Syracuse.
Việc đưa chương trình đại học của Đại học Syracuse vào giảng dạy ở một trường phổ thông là điều chưa từng có bên ngoài nước Mỹ. Đây là lý do tại sao ông Lê Thành Ân – Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM vô cùng quan tâm và ông đã tổ chức họp báo để giới thiệu chương trình này tại ISHCMC-AA như là một biểu tượng quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Các gia đình và bản thân học sinh có thể tiết kiệm tiền, thời gian ít nhất là một năm ở nước ngoài, nhưng còn về môi trường học tập cọ xát thì sao, thưa ông?
Chắc chắn là các học sinh vẫn nhận được những gì tốt nhất tại ISHCMC-AA. Ngoài việc giảng dạy chương trình của Đại học Syracuse chúng tôi còn có chương trình Tú tài Quốc tế nâng cao (AP) phát triển mạnh mẽ hơn năng khiếu của từng em.
Bên cạnh đó, chúng tôi liên kết cùng Trung tâm Tài năng trẻ – CTY (Center for Talented Youth) của Đại học Johns Hopkins (đại học hàng đầu ở Mỹ có từ năm 1876) nhằm tìm kiếm phát hiện và bồi dưỡng cho các em học sinh xuất sắc. Tại ISHCMC và ISHCMC-AA hiện có 22 em đang theo học thêm các chương trình của CTY.
Với những nền tảng có được, chắc chắn ISHCMC và ISHCMC-AA đã được Tập đoàn Cognita tập trung đầu tư nhiều?
Cognita là tập đoàn giáo dục quốc tế cung cấp dịch vụ giáo dục cho hơn 20.000 học sinh với hơn 3.500 giáo viên, nhân viên ở hơn 60 trường tại năm quốc gia. Trong vòng chín năm qua, chúng tôi đã phát triển nhanh chóng và trở thành tập đoàn sở hữu các trường tư nhân hàng đầu thế giới.
Năm năm trở lại đây, có đến 70 – 80% sự mở rộng là ở châu Á nơi Cognita muốn tập trung đầu tư, mạnh mẽ nhất là ở Trung Quốc, Việt Nam rồi đến Thái Lan, Singapore…
Khi đến Việt Nam, chúng tôi nhìn vào bức tranh kinh tế đang đi lên của các bạn, dù vài năm gần đây tình hình khá khó khăn nhưng tăng trưởng đường dài, theo tôi không hề bịảnh hưởng. Người Việt Nam đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang tăng dần về số lượng và tôi biết các bạn rất quan tâm đến giáo dục. Do đó khi có cơ hội, chúng tôi đã quyết định đầu tư mạnh mẽ vào ISHCMC và ISHCMC-AA với mục tiêu mang đến chất lượng giáo dục hàng đầu cho các em học sinh.
Nhưng làm cách nào để các bậc cha mẹ tin tưởng khi trao con mình cho ISHCMC-AA?
Ở khía cạnh cha mẹ, chúng tôi có những buổi tiếp chuyện với họ. Đối với phụ huynh tiềm năng, chúng tôi gặp gỡ chia sẻ thông tin, đưa họ tham quan trường, gặp hiệu trưởng và các nhân viên của bộ phận quan hệ.
Chỉ vài ngày trước, tôi đã nói chuyện với 52 bà mẹ trong vòng 1g30 phút về con cái họ, về chương trình, về những gì họ quan tâm nhất… Tôi cũng gặp từng cá nhân lắng nghe nguyện vọng và quan điểm từ họ.
Ở khía cạnh học sinh, chúng tôi xem việc đưa các em hòa nhập với môi trường mới là một vấn đề rất quan trọng. ISHCMC có hệ thống tư vấn, hỗ trợ chuyên nghiệp. Mỗi học sinh mới sẽ có ít nhất một anh chị hoặc thầy cô lớn hơn luôn bên cạnh giúp đỡ.
Ví dụ vào lớp 6, là học sinh mới, tôi sẽ có một tư vấn viên và người ấy sẽ trở thành bạn của tôi cho dù họ đã trưởng thành hay đang làm việc gì trong trường đi nữa. Mỗi sáng họ sẽ cùng gặp gỡ tôi ở trường, lắng nghe khó khăn, giới thiệu tôi với mọi người xung quanh…
Đặc biệt với các bạn chuẩn bị tốt nghiệp, chúng tôi có đội ngũ các tư vấn viên chuyên trách sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng, lý tưởng, khát khao của không chỉ bản thân học sinh mà còn bố mẹ họ. Từ đó chúng tôi phân tích, đánh giá và đưa ra những lời khuyên xác đáng nhất trong việc định hướng tương lai.
Vậy khi đã quyết định theo học AP hoặc IB các em có cơ hội để chuyển đổi giữa hai chương trình? Có khó khăn và áp lực nào không thưa ông?
Chúng tôi có học sinh chuyển từ AP sang IB và ngược lại. Các bậc cha mẹ muốn con cái mình tập trung vào tương lai với ngành nghề tương đối rõ ràng thì chọn AP, còn IB mang tính chất mở rộng hơn. Với các chương trình như IB, các học sinh có xu hướng sẽ tiếp tục du học ở Seoul (Hàn Quốc), Hongkong, Singapore… Một điều tôi có thể khẳng định là chất lượng dạy và học không thay đổi, chất lượng giáo viên, cơ sở đều hoàn toàn giống nhau. Cái khác duy nhất là chương trình học chi tiết mà thôi.
Ông có nhận xét gì về các học sinh Việt Nam theo học tại trường?
Tôi đã có cơ hội nhìn những dữ liệu trong đó có học sinh Việt Nam. Khả năng và trình độ toán học của các em rất ấn tượng. Ngôn ngữ (tiếng Anh) cũng là môn các em học rất tốt. Khi có những bài kiểm tra về kiến thức trong trường, học sinh Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu.
Hằng năm, chúng tôi đón khoảng 400 các chuyên gia của những trường đại học hàng đầu trên thế giới đến thăm và làm việc. Tôi tin rằng một phần là do danh tiếng của ISHCMC và vấn đề quan trọng hơn là họ hiểu rõ về chất lượng của các học sinh Việt Nam. Mỗi lần tôi có buổi làm việc với các trường quốc tế, họ đều muốn mời các học sinh, sinh viên Việt Nam theo học.
Có một vấn đề chúng tôi cũng quan tâm không kém, đó là khả năng tương tác với xã hội cũng như định hướng về đào tạo một công dân toàn cầu ở ISHCMC và ISHCMC-AA.
Trong thế kỷ này, giáo dục thường có năm chữ C theo tiếng Anh. Tạm dịch là giao tiếp, kết hợp, kỹ năng sáng tạo, phê bình và trách nhiệm công dân. Chúng tôi dạy những yếu tố đó để các em hiểu rằng họ có trách nhiệm một cách nghiêm túc với cộng đồng xung quanh mình (môi trường, quan hệ, đạo đức…).
Chúng tôi quan tâm đến hành xử của các em từ cái nhỏ nhất đến vấn đề lớn ở cấp độ toàn cầu. Chúng tôi có học sinh tham gia các chương trình của Mô hình Liên Hiệp Quốc (Model United Nations – MUN), học tập và trở về chia sẻ những kinh nghiệm đó cho mọi người.
Chương trình AP của ISHCMC-AA có từ lớp 6 đến lớp 10, IB từ hai tuổi đến lớp 12. Cả hai chương trình đều được xây dựng trên hệ thống cơ sở mà chúng tôi rất hiểu các giá trị toàn cầu mà một môi trường giáo dục cần có.
Chúng tôi có những chương trình hành động nội khóa và ngoại khóa thực tế diễn ra suốt năm. Đề tài được mở rộng với các vấn đề tồn tại như sức khỏe (học hỏi về các căn bệnh như ung thư, truyền nhiễm…), hay đề tài về con người (mối quan hệ giữa con người và con người). Bởi vậy tôi nghĩ là các em không chỉ học về thế giới bên ngoài Việt Nam mà còn về thế giới nhỏ bên trong đất nước này.
Trong bảng thông tin về ISHCMC chúng tôi đọc được khá nhiều đoạn nói về công nghệ. Tôi muốn ông chia sẻ một chút về ý tưởng này trong câu hỏi cuối?
Giáo dục ở thế kỷ XXI là chúng ta nói về sự giao tiếp và kết hợp. Đó không còn là mối quan hệ 1-1 nữa mà là cả mạng lưới. Kỹ năng sáng tạo là thứ mà giáo dục trong thế kỷ này đang nhắm đến. Mọi người vẫn tin là sáng tạo là cái thiên phú nhưng chúng tôi không nghĩ vậy, ở thời đại này mọi người đều có thể sáng tạo và có khả năng sáng tạo. Chúng tôi dạy các em kỹ năng ấy.
Chương trình American Academy và các học sinh theo học có thể sử dụng công nghệ tiên tiến như điện thoại thông minh, iPad, laptop, tablet… chúng tôi không ngăn cấm mà ngược lại dạy cho các em cách sử dụng chúng một cách khoa học, phục vụ tốt hơn cho việc học. Các học sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi họ sử dụng những công cụ mình có cho việc giao tiếp, học tập và quan trọng là vấn đề nhận thức. Các bạn trẻ học tập rất nhanh, họ chỉ cho nhau những chương trình hay, những phương pháp tiếp cận mới… tất cả đều là công nghệ.
Trở lại một ngôi trường tốt nhất ở Mỹ, họ có chương trình cho các em học sinh thiết kế game, có những cha mẹ có thể đến và bảo tôi không muốn con mình ngập trong game, nhưng không ai biết được họ đang có thể là tỉ phú trong thời gian tới. Theo tôi tất cả đều là vấn đề cách đào tạo!
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!