Những ngày cuối năm 2016, hai phim Việt Nam Chạy đi rồi tính và Chờ em đến ngày mai của bộ đôi đạo diễn Namcito – Bảo Nhân và Đinh Tuấn Vũ lần lượt ra rạp. Hai bộ phim cuối cùng của năm 2016 với chất lượng trung bình ra mắt công chúng tiếp tục cho thấy năm 2016 vừa qua là một năm không để lại dấu ấn gì của điện ảnh Việt Nam.
Chạy đi rồi tính là một bộ phim hài hành trình, những người làm phim này cố gắng kể một câu chuyện khác đi so với phim Gái già lắm chiêu họ đã làm trước đó. Quả là câu chuyện trong phim có khác nhưng cách xây dựng nhân vật và chọn diễn viên cho thấy đạo diễn tự lặp lại chính mình. Những gì ở phim trước phảng phất trong phim này theo công thức: một gái đẹp (Diễm My), một trai đẹp (Hứa Vỹ Văn thay cho Bình Minh), một cô tưng tưng nói nhiều (Việt Hương), hai vệ sĩ vừa ngu vừa điên (Diệu Nhi, Duy Khánh)… đảm bảo có cái đẹp để xem và có cái hài để cười. Câu chuyện phim khá đơn giản và cũng thú vị: kể về một cô ca sĩ hạng trung hay hát ở các phòng trà để kiếm tiền lo cho gia đình. Khi cô ca sĩ quyết định đem chiếc nhẫn kim cương – tài sản quý nhất của vợ chồng cô – đi bán để “trùng tu nhan sắc” thì tình cờ dính vào vụ cướp tiệm vàng và cả nhà cô phải liên tục chạy từ nơi này đến nơi kia để thoát thân. Trong quá trình chạy đã xảy ra nhiều chuyện dở khóc dở cười và cũng nhờ hành trình này cô ca sĩ đã nhận ra giá trị của hạnh phúc gia đình mà suýt chút nữa cô vì danh vọng mà để mất nó.
Nếu Diễm My thể hiện tốt nhân vật của mình thì đây là cơ hội để cô lột xác, thoát khỏi dạng vai xinh đẹp, sang trọng, kiêu kỳ mà chứng minh mình là một diễn viên có diễn xuất đa dạng. Khán giả có thể thấy được sự nỗ lực của Diễm My nhưng tiếc thay, nhân vật vẫn cứ thoát ra khỏi cô. Cách ăn nói bỗ bã, vẻ mặt lúc nào cũng cau có là những biểu cảm Diễm My cố gồng lên để khoác vào nhân vật của mình chứ không phải cái toát ra từ bên trong nhân vật. Thật ra Elizebeth Phương Trinh là một nhân vật hay nếu Diễm My biết cách chuyển đổi tâm lý của mình liên tục qua nhiều trạng thái: lúc tất bật bươn chải đi hát, lúc nghĩ tới danh vọng để đổi đời hay lúc nhận ra mình còn yêu chồng con nhiều lắm… bên cạnh cái trục chính là tâm trạng sẵn sàng lớn tiếng trong mọi tình huống, với bất kỳ ai.
Trong khi Diễm My không khai thác hết nhân vật của mình thì tác giả kịch bản và đạo diễn không khai thác hết nhân vật Đông Hùng của Hứa Vỹ Văn. Tính cách của Đông Hùng quá nhạt nhòa, ngoài cái vẻ hiền lành thì không còn gì để nói. Gia đình Đông Hùng đang cần nhiều tiền hơn để sống, cần nhiều mưu kế hơn để an toàn thì anh không có một hành động mạnh mẽ nào để khán giả yên tâm rằng anh có thể bảo vệ được gia đình mình. Vì vậy nên nhân vật của Hứa Vỹ Văn dễ trôi tuột không để lại ấn tượng gì cho khán giả. Đó là chưa kể có những đoạn diễn viên này đang nuôi được tâm lý tốt thì khi anh cất lời thoại khiến cho cảm xúc của khán giả giảm đi rất nhiều, như cảnh vợ chồng Đông Hùng tâm sự ở trang trại cừu.
Điểm được của Chạy đi rồi tính là tiết tấu phim nhanh, chuyển cảnh liên tục như vừa đưa khán giả đến chỗ này đã lôi khán giả đến nơi khác, cảnh đẹp, khung hình nào cũng được chăm chút, phục trang đẹp. Băng cướp Xà Neo – yếu tố gây nên các cuộc bỏ chạy của gia đình Đông Hùng – đã được diễn viên Puka và Nam Thư thể hiện tốt. Cảnh hai cô cướp vào tù và đội nón lá có logo nhãn hiệu Chanel là chi tiết hài duyên dáng. Và, một điều thường thấy trong phim của Namcito và Bảo Nhân là sự ồn ào, Việt Hương, Puka, Nam Thư, Diệu Nhi… đều có cách thoại và lối diễn ồn ào.
Khác với tiết tấu nhanh của Chạy đi rồi tính, Chờ em đến ngày mai là câu chuyện lãng mạn được kể với tiết tấu vừa phải. Phim kể về cô gái tên Ly là “fan cuồng” của ca sĩ Kevin Vũ. Ly mơ một ngày được gặp mặt, trò chuyện, đi ăn, đi chơi cùng thần tượng của mình. Cứ tưởng đó sẽ là một ước mơ xa xôi nhưng trong cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu. Ly không chỉ gặp mà còn làm thay đổi suy nghĩ của thần tượng mình. Bên cạnh đó, Ly còn tình cờ có được một tình bạn đẹp với một anh chàng – một chú chó kỳ lạ. Đây cũng là bộ phim được chăm chút trong các cảnh quay, nhất là cảnh quay có nhiều diễn viên quần chúng như miêu tả các đêm nhạc và những khung hình đẹp khác. Những cảnh quay có chú chó đã đem lại cho khán giả nhiều thú vị, từng biểu cảm, từng cái nhép miệng của chú chó để gắn thoại vào đều hợp lý. Tiếc là nhịp phim cứ đều đều, không có cao trào nào suốt bộ phim, từ tình huống cho tới nét diễn của diễn viên, chỉ khi đến cuối phim khi nào không còn mực trong cây viết phép màu để biến Mít Chọt từ chó thành người mới có một chút xíu cao trào thì… hết phim.
Điều đầu tiên toát lên trong phim là cái sinh khí tuổi trẻ của diễn viên An Nguy, Will, Lilly Nguyễn… An Nguy diễn mộc mạc, chân thật chứ không làm màu, lên gân để miêu tả một “fan cuồng”. Khi không có nhiều kỹ thuật biểu diễn thì cô nàng này đã chọn cách diễn bản năng thật thà làm khán giả thấy dễ chịu. Trong phim này, An Nguy diễn không phải hay nhưng cùng diễn với một ê-kíp diễn viên ở tầm… vừa vừa thì diễn xuất của cô lại gây chú ý. Cho dù, sau khi xem phim khán giả có thể quên nhiều thứ thì nụ cười rạng rỡ, trẻ trung của Ly Cún sẽ là điều đáng nhớ với họ. Xem như đây là lần chạm ngõ điện ảnh phần nào để lại ấn tượng của An Nguy. Will cũng là diễn viên đem lại cảm xúc tích cực cho người xem. Thoát ra khỏi vẻ công tử đẹp trai, Will khoác lên người bộ cánh bụi bặm của nhân vật Mít Chọt – một cậu xe ôm nghèo khó, trong một lần “túng làm liều” đã chặn đường cướp tiền của một cô bé nghèo chẳng kém mình và may mắn có một tình bạn đẹp. Will với lối diễn nhẹ nhàng, cảm xúc vừa đủ để thể hiện một tình cảm vừa chớm. Với vai Cherry thì Lilly Nguyễn không cần phải diễn, chỉ cần là một cô gái có thân hình quyến rũ, gợi cảm là đủ. Nếu xác định vậy thì có thể bỏ qua đài từ và diễn xuất… “cứng ngắc” của cô.
Kevin Vũ – nhân vật “đinh” của phim được trao cho Trấn Thành. Nếu không cần một cái tên để bán vé (cho fan của Trấn Thành) thì có thể… đổi diễn viên khác được không? Nhân vật Kevin Vũ có đất để diễn, có tâm trạng để thể hiện nhưng Trấn Thành đã làm cho nó nhạt nhòa, kiểu không chịu đào sâu nhân vật của mình. Trong phim, Kevin Vũ – một ngôi sao ca nhạc, thần tượng của rất nhiều cô gái trẻ – dù sống trong hào quang sân khấu nhưng tận bên trong anh là sự mỏi mệt vì được tung hô, vì phải làm theo thời gian biểu của quản lý mà không được sống thật với cảm xúc của mình. Trấn Thành cũng cho thấy sự mệt mỏi nhưng đó là sự mệt mỏi toát ra từ con người diễn viên Trấn Thành chứ không phải từ nhân vật của anh. Lúc Kevin Vũ cầm micro nói, người xem cảm thấy anh là Trấn Thành, khi Kevin hát sẽ thấy anh là Sơn Tùng, khi Kevin thoại thì tưởng là Đàm Vĩnh Hưng đang nói. Đó là chưa kể, ngoại hình của anh còn không phù hợp với Lilly Nguyễn – người thủ vai bạn gái Kevin, không có khung hình nào đẹp trong những cảnh của riêng hai người.
Phim Việt chiếu rạp năm 2016, được khép lại bằng hai phim kể trên góp phần làm nên một bức tranh… không có gì thăng hoa của một nền điện ảnh Việt. Các đạo diễn không thiếu niềm đam mê, sẵn sàng lao vào tìm nhà đầu tư để làm phim. Chính họ làm cho không khí làm phim của ta không buồn tẻ, vậy nên các đạo diễn còn năng lượng thì cứ chạy đi, nhưng bên cạnh đam mê thì hãy cho khán giả thấy một kiểu làm phim đầy tính toán để sao cho không khí phim Việt năm 2017 sôi động và có các tác phẩm gây tiếng vang.
- Lâm Hạnh