Hình ảnh con gà có một vị trí đáng kể trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Chú gà trống hùng dũng, oai vệ trong bộ lông sặc sỡ nhiều màu hiện diện dày đặc trong tranh của các họa sĩ nhiều thời đại từ phương Tây sang phương Đông, tương tự là hình ảnh đàn gà với chị gà mái che chở hoặc dẫn dắt đàn gà con xinh xắn kiếm ăn. Ngoài yếu tố tâm linh (gà trống là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng đối với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo), loài gia cầm gần gũi với con người này có dáng vẻ đẹp, lại dễ tạo hình nên trở thành đối tượng ưa thích của các họa sĩ. Chẳng thế mà năm Đinh Dậu 2017, chỉ riêng làng hội họa Việt Nam cũng có biết bao tranh vẽ gà.
Hình ảnh gà xuất hiện sớm nhất là trên một chiếc đĩa đất nung được làm ở thành Corinthe của xứ Hy Lạp thời cổ đại, khoảng những năm 575-550 trước Công nguyên, nhưng xa xưa hơn nữa là một con tò he bằng đất sét, được tạo hình gà mái, tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Mohenjo Daro ở Pakistan, có niên đại 2.700 năm trước Công nguyên (hiện được trưng bày tại Bảo tàng Brooklyn ở New York). Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy hình ảnh gà ở một bức tranh tường trong hầm mộ Thánh Callixtus, một trong những hầm mộ lớn nhất và quan trọng nhất ở Roma. Tranh được vẽ trên trần hầm mộ từ giữa thế kỷ thứ III, thể hiện một người chăn cừu vác trên vai một chú cừu, tay xách bình nước, bên phải là một chú cừu khác, bên trái là một chú gà trống. Một tranh gà khảm mosaic có tuổi thọ khoảng từ năm 200 đến 400 cũng được tìm thấy ở Roma.
Vẽ gà nhiều nhất
Gà có mặt trong tranh các họa sĩ châu Âu từ thời Trung cổ đến đương đại, đặc biệt là với những tác giả hầu như chỉ vẽ các loài vật, chim chóc, gia súc, gia cầm như Melchior de Hondecoeter (Hà Lan, 1636-1695), Jakob Bogdani (Anh gốc Hungary, 1658-1724), Albertus Verhoesen (Hà Lan, 1806-1881), Eugène Joseph Verboeckhoven (Bỉ, 1798-1881)… Họa sĩ vẽ tranh gà nhiều nhất có lẽ là Edgar Hunt (1876-1953). Ông và anh trai Walter Hunt (1861-1941) sinh trưởng ở Birmingham (Anh), là thế hệ thứ ba trong một gia đình theo nghiệp hội họa. Ông nội của Edgar là Charles Hunt (1803-1877) vốn nổi tiếng với các bức tranh với đề tài về cuộc sống, sinh hoạt nhuốm màu hài hước ở vùng nông thôn Birmingham, từng được triển lãm tại Viện hàn lâm hoàng gia Anh và các phòng tranh có uy tín ở London. Cha Edgar là Charles Hunt Jr. (1829-1900) cũng vẽ tranh và là thầy giáo dạy vẽ bán thời gian. Không theo học trường lớp chính quy, nhưng Edgar và Walter được cha dạy vẽ từ nhỏ. Dù có cùng nguồn cảm hứng sáng tác với ông nội và cha là đời sống thôn dã, song Edgar tập trung vẽ các loại gia cầm, gia súc trong các trang trại ở Birmingham do ảnh hưởng của người anh, một họa sĩ chuyên vẽ các loài vật rất chắc tay.
Ngay từ những năm tuổi thơ, Edgar đã luôn ký họa các loài gia cầm, gia súc; đến tuổi thanh niên thì ông gần như dành trọn vẹn thời gian trong ngày để mô tả cuộc sống sinh động của chúng ở trang trại. Edgar từng có ý định trở thành một chủ trang trại và đã làm việc một thời gian ngắn trong một trang trại ở vùng Sussex. Nên thật dễ hiểu vì sao Edgar Hunt đã vẽ biết bao bức tranh về các loài vật gần gũi với con người ở nông thôn, đặc biệt là vẽ gà. Những con gà, trống cũng như mái và bầy gà con được ông tả thực đến mức tỉ mỉ trong những tranh sơn dầu khổ nhỏ. Khó có thể biết được Edgar Hunt đã vẽ bao nhiêu bức tranh gà trong tổng số hàng ngàn tác phẩm ông đã vẽ suốt cuộc đời dài, bởi sinh thời họa sĩ đã bán được rất nhiều tranh. Birmingham là thành phố lớn nhất vùng Midlands của nước Anh, một trọng điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp ở xứ sương mù vào thế kỷ XVIII, XIX. Một hệ quả của cuộc cách mạng này là tầng lớp trung lưu ở Anh đã trở nên giàu có nhanh chóng.Những người giàu, có tiền nhiều sống ở thành thị lúc bấy giờ hoài nhớ cuộc sống nông thôn trước đây của họ nên yêu thích những bức tranh thắm đượm tình yêu thôn dã của Edgar Hunt.Tranh của ông được họ mua rất nhiều trưng bày trong nhà và gửi ra nước ngoài làm quà tặng, để rồi cũng được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.Sinh thời, Edgar Hunt đã thành công lớn về mặt thị trường và cho đến nay tranh vẽ gà của ông vẫn được ưa chuộng. Tháng 12-2008, tại nhà Christie’s ở London, một cặp tranh gà ông vẽ năm 1933, khổ nhỏ (28 x 40,6cm) đã được bán với giá 29.800 USD.
Trong số các tên tuổi lớn của hội họa hiện đại, Marc Chagall là người đặc biệt yêu thích hình ảnh gà trống. Rất nhiều bức tranh trong thế giới hội họa mơ mộng và huyền ảo của Chagall có chú gà trống: những đôi tình nhân bay lượn cùng gà trống, cưỡi gà trống, lắng nghe gà trống gáy… Có lẽ khung cảnh làng quê nghèo thời thơ ấu ở làng Liozna (gần thành phố Vitebsk, nay thuộc Belarus) in đậm trong ký ức ông nên tranh Chagall thường xuyên có hình ảnh gà, bò, dê, cừu… Và phải chăng, sống ở Paris vào thời hoàng kim của mỹ thuật hiện đại nên biểu tượng gà trống Gô-loa của nước Pháp cũng dự phần vào hội họa của Chagall? Gà trống dũng mãnh, đầy uy lực cũng được Picasso thể hiện trong tranh và điêu khắc của ông.
Tranh gà phương Đông
Trong tranh thủy mặc Trung Hoa và tranh khắc gỗ “phù hoa” Nhật Bản (ukiyo-e) đầy rẫy những hình tượng gà đủ loại. Gà là biểu tượng của uy dũng trong tranh Trung Hoa thời cổ vì nó ăn được ngũ độc vật: rắn, rết, bò cạp, cóc và nhện cũng như trừ khử được dịch bệnh và xua đuổi tà ma. Tranh vẽ gà nằm trong thể loại tranh hoa điểu rất phổ biến của hội họa Trung Hoa. Hình ảnh đàn gà trống – mái – gà con tượng trưng cho gia đình sung đúc và đầm ấm, nên thường được các họa sĩ Trung Quốc đưa vào tranh.
Trong huyền thoại Nhật Bản, tiếng gà gáy kết hợp với giọng nói của các vị thần đã đánh thức Thần Thái Dương Amaterasu, vị nữ thần có hậu duệ là các đời hoàng đế của xứ Mặt trời mọc. Gà trống cũng là biểu tượng của uy dũng trong khi gà trống choai lông trắng báo hiệu điềm lành theo Thần đạo. Tranh gà phát triển mạnh dưới thời Edo (1603-1868), nhất là thể loại tranh khắc gỗ ukiyo-e ra đời từ cuối thế kỷ XVII với các tên tuổi lớn như Kiyonaga, Utamaro, Hokusai và Hiroshige cùng hàng loạt họa sĩ tài năng khác.
Ở Việt Nam, những tranh gà dân gian của làng tranh Đông Hồ được biết đến rộng rãi và không thể thiếu trong các gia đình dịp tết cổ truyền, đó là các bức Đại cát nghinh xuân, Gà trống gáy sáng, Gà chọi, Gà đàn (Gà mẹ – gà con), Vinh hoa (Em bé ôm gà)… Tranh gà Đông Hồ còn đi vào thơ ca với những vần thơ: Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loạt lòe trên vách bức tranh gà (Tú Xương), Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Hoàng Cầm), Ôi người nghệ sĩ/ Tên là dân gian/ Góp cùng trời đất/ Con gà Việt Nam / Gà từ trong tranh / Gà ra cuộc đời/ Gáy lên, gà ơi! (Hoài Anh)…
Những ngày cận Tết Đinh Dậu, họa sĩ Thành Chương sẽ tổ chức một triển lãm độc đáo với 60 bức tranh vẽ gà để kỷ niệm tròn 60 ngày ông vẽ bức tranh gà đầu tiên khi mới lên bảy: bức Đôi gà tồ đã đoạt giải vàng một cuộc thi tranh quốc tế thiếu nhi ở Anh năm đó, từng được in trong một tạp chí, tiếc rằng đã thất lạc. Tại cuộc triển lãm – đấu giá tranh online do Không gian nghệ thuật Việt (Việt Nam Art Space – VAS) tổ chức cũng có rất nhiều tranh vẽ gà rất đẹp…
- Diên Vỹ